Gần 500 triệu người đang thiếu ăn trên thế giới sống tại những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột
Khi các nhà lãnh đạo thế giới và ông chủ tập đoàn lớn tập trung tại dãy núi Alps - Thụy Sĩ để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 1 qua, thế giới mà họ đang sống thực tế trở nên tồi tệ hơn vẻ ngoài.
Nếu chúng ta cần bất kỳ sự xác nhận nào, hãy nghe những gì Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres phát biểu trước Đại hội đồng LHQ đầu năm nay: "Xung đột trở nên sâu sắc hơn và các mối nguy mới đã xuất hiện".
Với ít nhất 10 cuộc khủng hoảng khiến hàng loạt cơ quan viện trợ nhân đạo phải vất vả đối phó, chúng ta đang chứng kiến con người chịu nhiều đau khổ nhất kể từ Thế chiến II. Nếu không có giải pháp, xung đột sẽ trở nên dai dẳng.
Các cuộc nội chiến ở Syria và Nam Sudan đã lần lượt bước sang năm thứ 7 và năm thứ 5. Trong khi đó, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã kéo dài đến năm thứ 4. Các nhà lãnh đạo tham dự WEF ít nhiều thừa nhận thế giới đang trong tình trạng xấu, thể hiện qua chủ đề của hội nghị: "Tạo dựng một tương lai chung trong một thế giới rạn nứt".
Xung đột dai dẳng khiến nhiều người sống trong cảnh đói khổ ở thủ đô Sanaa - Yemen Ảnh: AP
Một nước Mỹ hướng nội thời Tổng thống Donald Trump bắt đầu hạn chế số lượng người tị nạn và con số này thấp hơn nhiều so với những gì được cho là cần thiết để đáp ứng nhu cầu trên toàn thế giới.
Động thái siết chặt nhập cư của Mỹ diễn ra trong bối cảnh xung đột tạo ra làn sóng người tị nạn đang tuyệt vọng. Với quá nhiều tình huống khẩn cấp phức tạp xảy ra đồng thời, nhiều cơ quan LHQ lại đang thiếu nguồn tài trợ. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm người thiệt mạng ở những điểm nóng như Yemen, Syria và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Gần đây, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cho biết sẽ hủy chương trình hỗ trợ lương thực ở Ukraine - một trong những nước nghèo nhất châu Âu và là quốc gia duy nhất còn dựa vào hỗ trợ lương thực ở châu lục này.
Bước đi này sẽ khiến khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng ở miền Đông Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá. Trước đó, WFP cũng thông báo ngừng hỗ trợ dinh dưỡng cho khoảng 200.000 trẻ em mẫu giáo ở Triều Tiên.
WFP ước tính gần 500 triệu người đang thiếu ăn trên thế giới sống tại những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột. Ngoài ra, một lý do khiến xung đột ngày càng cướp đi nhiều sinh mạng hơn là nó xảy ra ở các khu vực thành thị, đông dân.
Đáng buồn thay, điều khiến viễn cảnh thế giới năm 2018 đặc biệt xấu là ý chí chính trị để giải quyết xung đột và lòng vị tha của con người dường như giảm xuống.
Trong lúc nhiều nhà lãnh đạo thế giới còn thờ ơ về vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Điều này làm giảm bớt sự chú ý và nguồn lực dành cho những thảm họa do con người gây ra.
Đã xuất hiện hy vọng hội nghị ở Davos có thể giúp hình thành những giải pháp mang tính sáng tạo và bền vững nhằm chấm dứt xung đột trên toàn thế giới.
Dù vậy, các nhà lãnh đạo cần nhận thức rõ rằng xung đột càng kéo dài càng khó giải quyết và những thế hệ tương lai sẽ phải kế thừa thách thức này.
Một số công ty đã phát triển dịch vụ hậu cần cho phép vận chuyển hàng hóa tới những vùng xa xôi hẻo lánh.
Điều gì sẽ xảy ra nếu họ và Tổ chức Y tế thế giới hợp tác và tận dụng không gian còn trống trên những chiếc xe tải chở hàng để phân phối vắc-xin đến những nơi khó tiếp cận nhất trên thế giới? Đối mặt tình trạng thiếu hụt ngân quỹ ngày càng trầm trọng, các cơ quan LHQ và tổ chức nhân đạo khác cần phải hợp tác với lĩnh vực tư nhân để hoạt động hiệu quả hơn.
Những nỗ lực như của vợ chồng tỉ phú Bill và Melinda Gates góp phần làm cho số trẻ em tử vong mỗi năm giảm đi một nửa từ năm 1990. Dù vậy, thành quả này bị lu mờ khi hàng triệu trẻ em phải đối mặt với tình trạng đói khát do sự phong tỏa và xung đột bạo lực.
Rốt cuộc, chính ý chí chính trị mới chấm dứt được xung đột nhưng đây dường như là thứ đang thiếu hiện nay, nhất là khi những lời kêu gọi thế giới đối phó những cuộc khủng hoảng như thế, ví dụ nạn đói và xung đột ở Yemen, vấp phải sự hờ hững.
Ai trong số các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đứng lên và có đủ can đảm để nói về những giải pháp dành cho các thảm họa nhân đạo đang diễn ra này? Thế giới sẽ dõi theo và lịch sử sẽ phán xét.
Đại chiến tại Syria?
Cuộc xung đột ở Syria không hề giảm bớt mà đã đạt đến đỉnh cao mới và trở nên phức tạp hơn nhiều |
Ba cuộc chiến đẫm máu ở Syria
Dưới ngọn lửa luôn rực cháy của cuộc xung đột chính giữa Damascus và phe nổi dậy chủ yếu là Hồi giáo, còn có hai ... |
Cột mốc lịch sử hàng nghìn năm xung đột ở Jerusalem
Trong suốt hàng nghìn năm, Jerusalem trở thành vùng đất bị xâu xé, tranh giành không chỉ bởi đủ các sắc tộc như Do Thái, ... |
Ngày đăng: 09:11 | 01/03/2018
/ Người lao động