Bước đầu cơ quan Công an xác định, công ty Sa Huỳnh có hành vi gian dối khi nhập hàng từ Trung Quốc về gắn mác Asanzo để bán trong nước.
Thông tin từ cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho hay, vừa ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (trụ sở đường Trần Xuân Soạn, Q.7).
Ngoài vụ việc trên, Cục Hải quan TP.HCM còn chuyển hồ sơ về hàng loạt vụ nghi vấn buôn lậu, trốn thuế cho cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để mở rộng điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Công an xác định vụ công ty Sa Huỳnh nhập hàng Trung Quốc gắn mác Asanzo là có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế |
Trước đó, tháng 9/2018, Công ty Sa Huỳnh có mở tờ khai hải quan nhập khẩu lô hàng từ nước ngoài về. Theo khai báo, lô hàng có xuất xứ Trung Quốc là linh kiện của lò nướng thuỷ tinh gồm: nắp đậy nhựa, chậu thuỷ tinh, bộ đếm thời gian của lò nướng… Đây là hàng mới 100%, có tổng giá trị 212 triệu đồng.
Khi lô hàng về Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thuộc Cục Hải quan TP.HCM phát hiện có nhiều nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Cơ quan chức năng phát hiện lô hàng là 1.300 bộ lò nướng thuỷ tinh dạng nguyên bộ chứ không phải dạng linh kiện như công ty Sa Huỳnh khai báo.
Mỗi bộ được tháo rời thành 3 bộ phận gồm: nắp đậy nhựa, chậu thuỷ tinh, bộ đếm thời gian. Tất cả lô hàng không ghi rõ xuất xứ nhưng đều mang thương hiệu Asanzo.
Ban đầu, Công ty Sa Huỳnh giải trình là do đối tác ở Trung Quốc gửi nhầm hàng. Cục Hải quan TP.HCM có mời người đại diện pháp luật của công ty Sa Huỳnh, là bà Huỳnh Thị Sà Quôl lên làm việc, nhưng bà không có mặt. Bà Quôl uỷ quyền cho ông Huỳnh Thế Tài lên làm việc nhưng ông này không biết gì.
Cục Hải quan xác minh, bà Quôl xác nhận có người mạo danh, dùng giấy tờ cá nhân của bà để mở công ty nhằm làm ăn phi pháp, việc này bà hoàn toàn không biết. Được biết, vợ chồng bà Quôl từng có thời gian làm công nhân trong nhà máy của Asanzo nhưng đã nghỉ việc.
Cục Hải quan làm rõ, 2 cá nhân là Huỳnh Thế Tài và Trương Ngọc Liêm hùn vốn mở công ty Sa Huỳnh. Khi mời 2 người này lên làm việc, họ thừa nhận đã thuê bà Quôl làm Giám đốc công ty. Khi lô hàng có dấu hiệu vi phạm bị phát hiện, bà Quôl không đồng ý ra mặt giải quyết nên cả 2 quyết định làm giả giấy tờ thể hiện bà Quôl uỷ quyền cho ông Tài để làm việc với cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng cũng xác định nhiều giấy tờ, hồ sơ liên quan đến vụ việc thể hiện chữ ký, bút tích của bà Quôl là giả mạo.
Chính vì vụ việc có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế nên Cục Hải quan đã chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để mở rộng điều tra và đến nay đã khởi tố vụ án "buôn lậu" tại công ty Sa Huỳnh.
Phước An
Asanzo vẫn có thể dán nhãn ‘made in Việt Nam’?
Do không có định nghĩa thế nào là “Made in Việt Nam” nên doanh nghiệp căn cứ vào các quy định pháp luật hoặc các ... |
Giải thích của CEO Asanzo về "xuất xứ Việt Nam" là không phù hợp
Giải thích của CEO Asanzo Phạm Văn Tam ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm là không phù ... |
Công nghệ ốc vít, hàng Trung Quốc thành hàng Việt chất lượng cao lừa dân
Nhiều DN Việt Nam đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc rồi tháo rời thành một vài nhóm linh kiện nhập về nước; hoặc bắt ... |
Ngày đăng: 13:41 | 24/07/2019
/ vietnamnet.vn