Vừa qua, vlog mới của vlogger Khoa Pug đã gây nên tranh cãi trên mạng xã hội khi thể hiện sự kém cỏi về ngoại ngữ, dịch sai ý của người phục vụ và “câu view rẻ tiền”.
Vừa qua, vlog trải nghiệm ẩm thực của Khoa Pug (tên thật Nguyễn Anh Khoa, sinh năm 1992) có tiêu đề "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn - Khoa Pug gặp sự cố ở nhà hàng lẩu Geisha Kyoto" nhận về hơn 2 triệu lượt xem.
Theo phụ đề trong video của vlogger này, người phụ nữ Nhật cảm thấy thương cameraman (quay phim) vì không được ăn. Khoa Pug cho biết cô còn quỳ xuống, khóc xin anh cho đồng nghiệp mình ăn. Anh lý giải nữ phục vụ khó chịu với mình vì đồng cảm cho thân phận phụ nữ (người quay phim) bị đối xử bất công. Nam vlogger ghi rõ "phụ nữ Nhật bị phân biệt quá rồi".
Tuy nhiên, sau khi clip được đăng tải, nhiều người dùng mạng biết tiếng Nhật và cả những người nổi tiếng đều chỉ trích Khoa Pug giật title, kiếm view một cách “vô văn hóa”, kém hiểu biết.
Nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh văn hóa Nhật Bản đã chỉ ra những sai lầm cơ bản có thể làm phật lòng người dân xứ anh đào. Rõ ràng nữ phục vụ chỉ đang khó chịu về việc bị quay phim. Trước khi bỏ đi, người phục vụ nói rằng họ không phải vật để quay cho người khác xem. Thành viên này phân tích thêm người phục vụ ở Nhật luôn muốn cho thực khách thưởng thức món ăn lúc ngon nhất. Khoa Pug lại cười nói liên tục nên cô ấy nghĩ phàn nàn gì về món ăn, hoặc cảm thấy không được tôn trọng.
Hình ảnh trong clip của Khoa Pug |
Trên trang cá nhân, đầu bếp Võ Quốc thể hiện thái độ gay gắt trước phần dịch không đúng của Khoa Pug. Anh nhấn mạnh: "Tôi rất bức xúc trước sự việc này. Ở thời đại công nghệ 4.0, chuyện giật title, câu view không còn xa lạ nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Trong trường hợp này, Khoa Pug đã đi quá giới hạn đó. Bởi vậy, đây là hành động đáng lên án".
"Việc quay phim, chụp hình rồi dựng chuyện bôi xấu phụ nữ thể hiện sự kém văn minh, chưa kể ở Nhật, tất cả điện thoại smartphone đều có chế độ báo âm thanh khi chụp ảnh để ngăn chặn tình trạng quay chụp lén. Thử hỏi Khoa Pug đã xin phép người phụ nữ kia trước khi public thông tin chưa?", anh nói thêm.
Đồng tình với quan điểm của đầu bếp Võ Quốc, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch cũng chia sẻ: “Người Nhật vì lẽ lịch sự có thể chụp hình cùng người lạ nhưng chưa chắc họ vui vẻ. Quyền riêng tư, đặc biệt là về hình ảnh của người Nhật được đặt ở vị trí cực kỳ cao”.
Anh nói thêm: “Video trong nhà hàng Nhật có cô phục vụ quỳ dưới đất của Khoa, có hai điểm không đúng. Tiêu đề để là "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn". Điều này sai, vì từ đầu khi bước vào làm việc cô nhân viên đã quỳ để phục vụ, đó là nét văn hóa xưa của Nhật, không phải vì bạn quay phim không được ăn thì cô này mới quỳ xuống xin cho bạn kia ăn và khóc. Chưa kể, cách gọi là "Phụ nữ Nhật" cũng không hay”.
Đầu bếp Võ Quốc thể hiện thái độ với vlog của Khoa Pug |
Nguyễn Anh Khoa - vlogger với kênh YouTube 2,2 triệu lượt đăng ký - nổi lên như một hiện tượng trong năm 2019. Với chủ đề kích động, gây tranh cãi, YouTuber này gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Với chủ đề du lịch, Khoa Pug thường chọn cách khai thác theo hướng gây tranh cãi, "cà khịa" nhiều hơn là những trải nghiệm của bản thân. Công thức nổi tiếng của Khoa Pug thường là sử dụng hình ảnh bôi nhọ phụ nữ trên tiêu đề, hình ảnh; rêu rao chuyện người Việt bị khinh thường ở nước ngoài qua việc mang tiền đi mua đồ xa xỉ hoặc “giả nghèo”, đến những nơi xa xỉ sử dụng các dịch vụ cao cấp với vẻ ngoài giản dị. Những video với tiêu đề như “Giả nghèo vào khách sạn 5 sao…”, “Giả nghèo ăn vi cá mập…”, “Giả nghèo cầm 500 triệu mua đồng hồ Rolex…”. Tiêu đề của những video này thường kết thúc bằng cụm từ “và cái kết”. Trong đó, cái kết của Khoa Pug thường gây tranh cãi bằng những thiệt thòi mà YouTuber này phải chịu.
Tuy nhiên, càng ngày cách câu view của vlooger này càng phản cảm, yếu kém về giao tiếp cũng như nhận thức, thậm chí, nhiều người còn cho rằng cách câu view của Khoa Pug thể hiện sự dốt nát, kém cỏi và làm xấu mặt du khách Việt Nam ở nước ngoài.
Nhã Anh (t/h)
Theo Nghề nghiệp và cuộc sống
Ngày đăng: 00:00 | 07/11/2019
/