Nếu phủ kín đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ một cách máy móc sẽ gây ra những tác động rất lớn trên các tuyến phố này.
UBND Q.1 TP.HCM vừa đề xuất trong năm 2019 cấm xe lưu thông trên đường Nguyễn Huệ thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Tới năm 2020 sẽ cấm tất cả các ngày trong tuần. Nêu quan điểm về đề xuất trên PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cảnh báo phải thận trọng.
Phía xa là tòa Bitexco: Ảnh: Vntrip
Theo ông Hòa, TP.HCM đã có chủ trương quy hoạch các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, đường Hàm Nghi... thành khu phố đi bộ. Tuy nhiên, đó là chủ trương, còn thực hiện thế nào thì phải có nghiên cứu, đánh giá khoa học, không thể làm ào ào được.
Ông Hòa giải thích, dọc trên các tuyến phố này còn có các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ khác. Nếu phủ kín đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ một cách máy móc sẽ khiến toàn bộ các hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố này bị đình trệ.
"Ở các nước, muốn tổ chức các tuyến phố đi bộ phải được quy hoạch, khoanh vùng lại. Các dịch vụ, khách sạn tại những tuyến phố đi bộ luôn được tiếp cận bằng hai phương thức song song đó là đi bộ và xe vận chuyển.
Tôi lấy ví dụ, nếu phủ kín tuyến phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ mà không có phương tiện tiếp cận khác thì khách sạn Thắng Lợi sẽ đóng cửa ngay. Tuy nhiên, nếu khách sạn Thắng Lợi có mặt tiền là đường Nguyễn Huệ, còn mặt sau là đường Đồng Khởi thì khách sạn có thể tận dụng mặt đường Đồng Khởi để vận chuyện khách, đồ ăn, thứ uống để phục vụ nhu cầu của khách.
Hoặc có thể cấm hoàn toàn các phương tiện ô tô đi lại ban ngày nhưng sau bao nhiêu giờ đêm thì phải mở đường cho các xe dịch vụ đi vào.
Tóm lại là phải có giải pháp và phải có nghiên cứu rất kỹ mới thực hiện được. Không thể áp dụng một cách cứng nhắc, khóa đường khi không có phương án tiếp cận khác. Không thể bắt cả một đoàn khách lếch thếch kéo va li đi bộ suốt dọc tuyến phố để vào khách sạn được", ông Hòa nêu rõ.
Ông Hòa nhấn mạnh, quy hoạch tuyến phố đi bộ là một định hướng tốt nhưng quan trọng nhất vẫn là cách thức tổ chức thực hiện.
"Tôi sang nước ngoài thấy hộ làm được rất tốt, người đi bộ cũng rất thoải mái mà các dịch vụ của họ cũng vẫn phát triển mạnh, ở đây chính là cách làm. TP.HCM cũng cần phải nghiên cứu và học hỏi cách làm từ các nước, đặc biệt là khâu quản lý thị trường, bảo đảm trật tự an ninh cho tuyến phố", ông Hòa nêu quan điểm.
Chưa làm đã tính lợi ích chỉ nhận thất bại
Tiếp tục nhấn mạnh vai trò của lực lượng quản lý đô thị, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, trong cách tổ chức thực hiện các tuyến phố đi bộ, quản lý đô thị có vai trò quan trọng và có chức năng quản lý trong nhiều lĩnh vực.
Nhưng trước hết, ông Hòa cho rằng TP.HCM phải công bố phương án công khai, minh bạch để lấy ý kiến đánh giá rộng rãi từ giới chuyên môn.
"Một phương án phù hợp, minh bạch, không có lợi ích nhóm chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Không cần phải lo sợ", ông Hòa nói.
Ngược lại, vị chuyên gia cũng cảnh báo, chủ trương quy hoạch tuyến phố đi bộ có dấu hiệu bị lái theo của lợi ích nhóm, của doanh nghiệp, hoặc không có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thì sớm muộn cũng thất bại.
Một vấn đề nữa, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa cũng đề cập tới đó là cách thức thực hiện sẽ tác động thế nào tới vấn đề lưu thông trên các tuyến phố lân cận.
"Phải có phương án, có nghiên cứu, tính toán rất cụ thể về số lượng các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường đi bộ và khả năng gây áp lực cho giao thông ở các tuyến lân cận khi "khóa" tuyến Nguyễn Huệ lại sẽ xảy ra như thế nào? Nguy cơ tắc đường ra sao...? Tất cả phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng.
Người dân sẽ không bao giờ chấp nhận một phương án đưa ra nhưng khi thực hiện không tốt lại đổ lỗi cho nghiên cứu, đánh giá chưa kỹ, do chưa lường hết những tác động xã hội là không ổn", ông Hòa nói rõ.
Ông Hòa cũng lưu ý thêm, khi thực hiện quy hoạch tuyến phố đi bộ chắc chắn sẽ phải đối diện với việc di dời một số trụ sở cơ quan, công ty. Trong trường hợp này TP.HCM phải giữ chủ trương giảm áp lực cho tuyến phố, tuyệt đối không để mọc lên những dự án cao tầng, nhà thương mại hay các công trình mới. Cần ưu tiên dành đất cho mục đích công cộng, không thể gây áp lực thêm về hạ tầng cho các tuyến phố.
"Tôi tin với chỉ đạo xử lý những sai phạm quyết liệt về đất đai tại TP.HCM thời gian quan cũng như hiện tại thì những tiêu cực, sai sót sẽ được hạn chế, tiêu cực, tham nhũng phần nào sẽ được đẩy lùi", vị chuyên gia kỳ vọng.
Quận 1 muốn cấm hoàn toàn xe vào phố đi bộ Nguyễn Huệ
Quận 1 kiến nghị trong năm 2019 cấm xe lưu thông trên đường Nguyễn Huệ thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật. Tới năm 2020 ... |
Đà Nẵng muốn có phố đi bộ, chợ đêm gần sông Hàn
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang xem xét phương án xây dựng Phố đi bộ - Chợ đêm Bạch Đằng, nhằm tạo thêm địa điểm ... |
Ngày đăng: 09:42 | 22/11/2018
/ http://baodatviet.vn