Sau nhiều vụ phá rừng khủng khiếp trên địa bàn, ngày 6-4, một ông phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký công văn chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ cấp bách về quản lý, bảo vệ rừng.
Việc ban hành công văn thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh nhưng nội dung lại có chỉ đạo hết sức buồn cười, đó là buộc cán bộ kiểm lâm ký cam kết không tiếp tay cho lâm tặc! Cụ thể, công văn có đoạn: Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lập bản cam kết và tổ chức cho tất cả các cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành ký cam kết không có bất kỳ hành vi nào vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp. Việc ký cam kết phải hoàn thành trước ngày 20-4 và báo cáo UBND tỉnh.
Cứ theo ngữ cảnh này mà suy thì: (1) có kiểm lâm nhưng cũng như không, lâm tặc vẫn hoành hành; (2) kiểm lâm đã nỗ lực song không ngăn chặn được nạn phá rừng, cần cố gắng hơn; (3) kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, làm ngơ để đưa gỗ lậu trót lọt về xuôi. Suy kiểu gì thì cũng thấy lực lượng kiểm lâm kém, mà thực tế cho thấy kém thật, nếu không thì những cánh rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ của tỉnh đã không chảy máu dữ dội như vậy.
Mệnh lệnh buộc ký cam kết ấy mới nực cười làm sao! Nhiệm vụ của kiểm lâm là bảo vệ rừng, đương nhiên là phải phòng - chống phá rừng và trong đó "đánh" lâm tặc là nhiệm vụ mặc định. Làm ngơ để phá rừng và nặng hơn là tiếp tay cho lâm tặc là chuyện bị cấm tiệt đối với lực lượng kiểm lâm, ai vướng vào thì cứ chiếu theo luật mà trị. Đã là kiểm lâm mà còn cam kết không phá rừng thì thừa! Mấy lời cam kết viết trên giấy chẳng có giá trị mấy, cùng lắm chỉ nhắc nhở bản thân về lương tâm chức nghiệp, đạo đức công vụ chứ không đủ sức mạnh để khắc chế lòng tham, để đánh chặn hành vi tội phạm. Vụ phá rừng pơ-mu ở khu vực huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam còn sờ sờ trước mắt với hơn 20 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa, thế mà có mấy ai sợ, sá gì cái cam kết lời hứa gió bay ấy!
Tương tự, mỗi năm, nhiều địa phương tổ chức tuyên dương, khen thưởng hàng chục hoặc trăm lượt cảnh sát giao thông (CSGT) không nhận hối lộ. Đó cũng là chuyện tưởng vui mà hóa buồn. Nhiệm vụ chính của CSGT là giữ gìn trật tự giao thông, điều tiết giao thông, xử lý các trường hợp phạm luật… Đâu có giao nhiệm vụ "không nhận hối lộ" đâu, bởi cấm ăn hối lộ là điều hiển nhiên, trong luật hình sự đã có quy định và chế tài. Chỉ cần tuyên dương vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là được và đủ; còn nếu khen thưởng do "không nhận hối lộ" thì cũng có nhiều ngành khác cán bộ không nhận hối lộ vậy, sao chẳng được khen? Và, những lượt CSGT ấy "không nhận hối lộ", thế còn nhiều lượt CSGT khác thì sao…? Khó nghĩ quá!
Những gì luật đã định, những nhiệm vụ và chức phận đã mặc nhiên đối với cán bộ - công chức chuyên ngành rồi thì cứ theo đó mà làm, đừng cố nặn óc nghĩ ra thêm mấy chuyện khó! Khi nào còn lãnh đạo, quản lý - điều hành kiểu "thừa giấy vẽ voi" thì tiêu cực còn đất sống.
Phá rừng và quan trí Một đoàn xe chở 3 cây gỗ "khủng", đi suốt từ cao nguyên xuống đồng bằng, lọt qua hết các trạm kiểm soát. Mãi đến ... |
Quảng Nam: “Máu” rừng lại đổ Nhận thông tin rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) bị tàn phá, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch ... |
Quang Huy
Ngày đăng: 10:40 | 07/04/2018
/ https://nld.com.vn