Từ ngày cha mất, mẹ đi làm biền biệt, trên đôi vai của Loan, nữ sinh viên năm tư là bà nội già yếu và bốn đứa em thơ dại… Đáng khâm phục hơn khi chỉ là nữ nhi nhưng Loan vẫn làm đủ mọi nghề: bứt cỏ thuê, bẻ đầu cá, bốc xi măng, bốc gạch, kéo xe…
Vậy nhưng, tất cả những gánh nặng đó dường như chỉ làm cho đôi vai em thêm mạnh mẽ…!
Cô chị cả rắn rỏi
Loan tên đầy đủ là Trần Thị Loan (21 tuổi, trú thôn 6, xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong, Quảng Trị; sinh viên năm 4 ĐH Nông Lâm Huế). Chúng tôi tìm về xứ biển bãi ngang nghèo này hỏi thăm Loan vào một ngày đầu tháng 12 rét buốt. May thay, đang giữa mùa thực tập để làm khóa luận, nên em có ở nhà…
Giữa mái ấm tình nghĩa được dựng ngót 9 năm, bàn thờ và di ảnh của cha Loan vẫn đang tỏa khói hương nghi ngút. Mấy đứa em Loan đi học cả, còn bà nội Loan nay đã 81 tuổi, ngồi khoanh chân trên giường nhìn về phía gian thờ, mắt ngấn lệ.
VIDEO: Rớt nước mắt khi cô nữ sinh viên năm cuối bôn ba làm đủ nghề để nuôi em thơ và bà nội
Tuổi thơ Loan không có gì nhiều ngoài ký ức về những giờ cắp sách đến trường, quẩn quanh trong nhà phụ mẹ cơm nước, lo cho em và ngày ngày cùng cha ra biển. Loan kể, nhà Loan có chiếc ghe nhỏ để đánh bắt cá tôm ở vùng biển bãi ngang này.
Dù là con gái nhưng là con cả nên hàng ngày Loan và cha mỗi người phải vác một đầu để đưa ghe xuống nước, cho cha ra khơi. Rồi Loan ngồi trên bờ biển, ngóng đợi cha về, cầu mong ghe đầy tôm cá, cho có thứ để bỏ vào làn, mang ra chợ bán…
|
Dù thời gian làm việc nhiều hơn thời gian học hành nhưng Loan học giỏi và đậu vào ngành Khuyến nông (ĐH Nông lâm Huế). Khi cha còn sống, Loan vẫn có 1 thời sinh viên khi ở ký túc xá, nhận “trợ cấp” hàng tháng từ gia đình dù chỉ bằng phân nửa chúng bạn, chừng 500-700.000 đồng/tháng tùy từng chuyến biển đầy vơi của cha.
“Cha cấm em đi làm thêm và bảo thà cha gắng dậy sớm hơn, thả thêm nhiều tay lưới hơn chứ không để em vì làm thêm mà trễ nải học hành…”, Loan nghẹn ngào kể.
Cha Loan tên Trần Được, người mà Loan rất tự hào vì có sức khỏe tốt, rắn rỏi, mỗi bữa có thể ăn hết 2 lon gạo đã gặp chuyện vào một buổi sáng ngày 22.2.2017. Đang chuẩn bị ra khơi thì ông thấy mệt và đi nằm, ngờ đâu từ đó ông không dậy nữa. “Cha vào viện, bác sĩ bảo cha xuất huyết não, cơ hội sống chỉ được 1, 2 %. Những ngày cuối cùng của cha, em nằm bên giường bệnh, cha vẫn hôn mê nhưng không hiểu sau nước mắt của cha cứ chảy ra…”, Loan nhớ lại.
|
Trần Thị Loan
Mất cha, làm sao Loan không khóc, không buồn nhưng em đã phải nuốt nước mắt vào trong. Loan nói: “Bà nội, mẹ và mấy đứa nhỏ buồn tủi, suy sụp lắm, nếu em cũng thế thì cảnh nhà sẽ càng hiu hắt. Em những ngày ở nhà cũng nhớ ba lắm, nhưng em luôn gợi những chuyện vui để cố làm mình vui và cố làm cho mọi người vui để lấy nghị lực mà sống tiếp”.
Em tự hào vì được cha mẹ sinh ra trên đời và em tự hào về gia đình mình. Nếu có khổ thì cũng là số phận. Em là chị cả, phải tự đứng lên thôi. Chắc đó cũng là di nguyện của cha em nơi chín suối. |
Làm tất cả miễn lo được cho em
Từ dạo cha nằm lại với đất, mẹ của Loan là bà Nguyễn Thị Luyến (43 tuổi) cũng chật vật để gánh gồng gia đình. Quanh quẩn trong làng không có việc, bà lặn lội tận Cửa Việt đi bẻ đầu cá thuê và hiện đang làm giúp việc cho nhà người quen tận TX.Quảng Trị, một vài tháng mới về nhà một lần.
Những đứa em của Loan, lần lượt là Trần Thị Lương (14 tuổi), Trần Thị Thiện (12 tuổi), Trần Chí Thông (9 tuổi) và Trần Trung Tài (7 tuổi) đang tuổi ăn tuổi học. Với đàn con nheo nhóc, dù bà Luyến có gắng hết sức cũng không sao lo nổi.
Thế là cô sinh viên năm tư đã phải ghé vai vào, dùng sức lực của một người con gái vốn chân yếu tay mềm cáng đáng gia đình thay cho cha và đỡ luôn cả một phần nặng nhọc của mẹ…
Những công việc mà Loan từng trải qua để kiếm tiền nếu nghe kể cũng đủ làm cho lắm chàng trai ngả mũ thán phục, chứ đừng nói là những bạn nữ cùng trang lứa với Loan. Đó là đi bứt cỏ thuê, là đi bẻ đầu cá, là đi bốc xi măng, bốc gạch…
“Em đi bốc gạch cả ngày trên TX.Quảng Trị chỉ được 120.000 đồng nên có người rủ em lên tận huyện vùng cao Đakrông để đi nhổ lạc với tiền công 150.000 đồng/ngày, em cũng đi. Đợt đó, em ở với họ cả chục ngày trên chòi canh ở giữa núi, không điện đài gì hết”, Loan kể, thoáng rùng mình.
Cô sinh viên bảo dạo đó, miễn là công việc lương thiện, ai kêu gì Loan cũng làm. “Công việc chân tay thì nặng nhọc lắm, đàn ông còn kêu van, huống hồ em là con gái. Nhưng em không dám phàn nàn với mẹ vì mẹ quá mỏi mệt, không dám “rên” với mấy đứa em vì chúng còn quá dại, chưa hiểu được cuộc sống. Em là chị cả, số phận đã quy định thế nên có tủi một tí thì em vẫn phải cắn răng làm tiếp, chịu đựng một mình”.
Và cả một mùa hè qua, làm đủ các công việc chân tay như một gã lực điền, Loan kiếm chừng được 5 triệu, mà riêng việc nộp tiền học phí cho 4 đứa em đã ngót 4 triệu tròn, cộng với chi tiêu lặt vặt trong nhà, Loan chẳng còn chút tiền nào để mua cho mình tấm áo mới, dù đang độ tuổi…yêu.
Em đi bốc gạch cả ngày trên TX.Quảng Trị chỉ được 120.000 đồng nên có người rủ em lên tận huyện vùng cao Đakrông để đi nhổ lạc với tiền công 150.000 đồng/ngày, em cũng đi. Đợt đó, em ở với họ cả chục ngày trên chòi canh ở giữa núi, không điện đài gì hết. |
Trần Thị Loan
Cuộc chuyện trò của tôi và Loan bị ngắt quãng vì có người đến…nhà tìm. Người ta kêu Loan đi chở bia. Chỉ nghe có vậy mà mắt Loan như sáng lên, quay sang bảo tôi “đợi em tí” rồi xắn quần, chạy huỳnh hụych ra đại lý bia đầu làng, chất lên xe ba gác 30 thùng bia, kéo 1 mạch đến nhà có tiệc. “Chúng tôi cũng nghèo, tiền bạc đâu mà cho chị em hắn, chỉ có cách thuê hắn làm việc rồi trả công cho hắn dăm ba chục ngàn…Con ni hắn giỏi, con gái rứa chứ việc gì cũng làm được, kể cả việc cần sức vóc đàn ông. Vậy nên đến chừ cũng nõ chộ yêu đương chi”, bà Quyên, chủ đại lý bia vừa thuê Loan, tặc lưỡi nói đầy thương cảm.
Những giấc mơ xa vời
Cảnh đời như thế nhưng 2 năm đầu ĐH, Loan đạt điểm giỏi, năm 3 đạt xuất sắc và với đề tài khóa luận đang thực hiện đầy công phu trong năm 4 này, Loan hi vọng mình tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu.
Nói về những giấc mơ của mình, Loan bảo em có quá nhiều giấc mơ. Dù có cái lớn, có cái bé nhưng tất cả đều trở nên xa vời từ ngày cha qua đời. “Hẳn là cha đã rất dằn vặt khi ra đi mà chúng em còn quá nhỏ hoặc chập chững lớn.
Cuộc sống thật khó khăn khi không có ba. Nếu trăng trối được, hẳn cha sẽ ước nguyện em ra trường sẽ sớm có việc làm ổn định để lo cho bà, cho mẹ, cho đàn em học hành, ít nhất cũng hết bậc phổ thông”, Loan nói.
|
Và nếu như cha Loan có giấc mơ cho đàn con thì đàn con cũng có nguyện ước cho cha đã khuất của mình. Loan bảo, 3 năm nữa mới “mãn tang” cho cha, mấy chị em có muốn đắp cho cha một ngôi mộ bình thường như bao người khác trong làng cũng không biết lấy tiền đâu ra mà đắp, giữa cảnh túng bấn này.
Cả nhà Loan không có xe máy, 4 đứa em của Loan chỉ có 1 chiếc xe đạp nên Loan đành mang thêm chiếc xe đạp sinh viên của mình từ Huế ra vậy mà vẫn chia chưa đủ, dù như thế mỗi lần vào Huế, Loan phải cuốc bộ hoặc đi nhờ.
|
Phải gánh gồng trách nhiệm nặng nề nên nhìn Loan chẳng giống một cô gái tuổi trăng tròn, với dáng đi thô ráp và đôi chân to bản, chi chít sẹo. Nhưng có vẻ, đó cũng không phải là điều cô gái này bận tâm. Câu chuyện về yêu đương, thần tượng, sở thích… nếu có cũng đã “triệt tiêu” trong Loan từ ngày cha mất.
“Em tự hào vì được cha mẹ sinh ra trên đời và em tự hào về gia đình mình. Nếu có khổ thì cũng là số phận. Em là chị cả, phải tự đứng lên thôi. Chắc đó cũng là di nguyện của cha em nơi chín suối”, Loan nói, giọng run run, dù chẳng có giọt nước mắt nào ứa ra trên đôi mắt cô gắn rắn rỏi hơn người.
Khó tin bé trai 9 tuổi một mình sống hơn 700 đêm cô quạnh giữa mộ bia
9 tuổi, bạn đã dám ngủ 1 mình? Thế mà cậu bé Trần Quốc Lộc đã có hơn 700 đêm như thế. Không cha mẹ, ... |
‘Thợ sửa xe’ 12 tuổi và ước mơ dành tiền đến trường, \'hư gì cũng sửa được\'
12 tuổi, Hữu Bằng đã sửa xe thoăn thoắt như một người thợ lành nghề. Nhìn vẻ lanh lợi, đặc biệt là nụ cười tươi ... |
Ngày đăng: 00:00 | 11/12/2017
/ https://thanhnien.vn