Thời gian qua, dù các cấp chính quyền, cơ quan chức năng huyện Ba Vì đã rất nỗ lực nhưng số thửa đất trên địa bàn huyện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ("sổ đỏ") vẫn chưa đạt như mong muốn.
Dù vướng mắc đã được xác định rõ nguyên nhân, nhưng giải pháp xử lý còn một số bất cập. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng.
Những vướng mắc điển hình
Là một trong những hộ có nguyện vọng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Hoàng Tuyển Tác (thôn Chu Châu, xã Minh Châu) chia sẻ: “Năm 1996, do biến đổi dòng chảy sông Hồng, đất của gia đình tôi ở vùng bãi bị lở một phần xuống sông, nay còn khoảng 600m2 và đã được cấp “sổ đỏ”. Được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi được giao 200m2 ở khu Sào Giáo. Khi giao đất, chúng tôi chỉ ký chung vào biên bản, danh sách những hộ được giao đất mà không có quyết định giao đất của cấp thẩm quyền. Nay chúng tôi mong được cấp “sổ đỏ”, nhưng gặp khó khăn vì không đủ giấy tờ...”.
Cũng trong cảnh ngóng chờ “sổ đỏ”, ông Nguyễn Văn Quế (thôn Thanh Lũng, xã Tiên Phong) cho biết: “Gia đình tôi được hợp tác xã giao đất và nộp tiền từ năm 1992, đã nộp tiền làm “sổ đỏ”, hoàn thiện nhiều thủ tục mà nhiều năm vẫn chưa biến chuyển gì...”.
Trong khi đó, 8 hộ dân ở thôn Vật Lại 2 (xã Vật Lại) cũng thuộc diện được hợp tác xã giao đất từ năm 1989, nhưng đối chiếu với quy hoạch thì diện tích này lại rơi vào quy hoạch đất làm đường giao thông nên không được cấp “sổ đỏ”. Các hộ thắc mắc, quy hoạch đường có sau, trong khi các hộ đã ăn ở ổn định suốt hơn 30 năm qua nên quyền lợi của các hộ dân cần được xem xét thỏa đáng...
Về ý kiến hộ dân xã Minh Châu, công chức địa chính xã Minh Châu Nguyễn Quang Bách thông tin, để cấp “sổ đỏ” cho 17 hộ được giao đất do bị lở ở vùng bãi sông Hồng năm 1996, xã đề xuất, với hộ bị lở đất hoàn toàn thì được cấp giấy chứng nhận mà không phải nộp tiền sử dụng đất; với hộ chỉ bị lở một phần thì diện tích giao năm 1996 phải nộp tiền sử dụng đất... Song, việc này cũng cần được các cấp hướng dẫn bởi các hộ và UBND xã đều không lưu được đầy đủ giấy tờ liên quan.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND xã Vật Lại Nguyễn Ngọc Tú, xã có 636 trường hợp chưa được cấp “sổ đỏ”, trong đó hơn 300 trường hợp giao trái thẩm quyền và tự ý chuyển đổi mục đích... Với 8 hộ đang vướng quy hoạch, xã đã đề nghị UBND huyện Ba Vì hướng dẫn, trả lời người dân.
Tương tự, công chức địa chính xã Tiên Phong Nguyễn Thị Liên giải thích: Các trường hợp giao đất trái thẩm quyền giấy tờ không rõ ràng, biên lai nộp tiền không thể hiện việc giao đất ở... Nay khi làm cấp giấy chứng nhận, các hộ phải nộp tiền sử dụng đất nên không đồng ý vì trước kia đã thực hiện nghĩa vụ tài chính rồi...
Cần hướng dẫn cụ thể
Trên đây là những vướng mắc rất điển hình trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Ba Vì. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như: Bản đồ địa chính đo đạc theo dự án tổng thể chưa được rà soát, đo đạc bổ sung và chưa được nghiệm thu nên chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai. Hồ sơ địa chính tại các địa phương không đầy đủ, khiến việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn.
Trong khi đó, về quy hoạch, một số thửa đất đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất huyện Ba Vì đến năm 2020, quy hoạch chung xây dựng huyện Ba Vì đến năm 2030 đã được thành phố Hà Nội phê duyệt, thì có thửa trong quy hoạch là đất ở nhưng quy hoạch chung xây dựng lại không phải đất ở; ngược lại, có thửa tại quy hoạch không phải là đất ở nhưng quy hoạch chung lại là đất ở... Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không lưu giữ được hồ sơ; phiếu thu tiền không thể hiện mục đích giao đất...
Đặc biệt, Nghị định số 43/2014/ NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1-7-2004, trên đất có nhà hoặc không có nhà ở đều được xem xét để cấp giấy chứng nhận, tuy nhiên, về nghĩa vụ tài chính (Nghị định 45/2014/NĐ-CP) lại chỉ quy định với trường hợp trên đất đã có nhà ở, còn trường hợp chưa có nhà ở thì không được đề cập?
Về những khó khăn trên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Phùng Quang Huy cho biết, tính đến tháng 8-2023, huyện còn khoảng 13.036 thửa chưa được cấp "sổ đỏ"... Tháo gỡ những tồn tại này, một mặt, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường đến từng xã hướng dẫn thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền. Những nội dung vượt thẩm quyền, UBND huyện đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên, nhiều vướng mắc đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể...
Có lẽ, vướng mắc nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến mức độ hài lòng của công dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai ở mức độ thấp, kéo dài trong nhiều năm trên địa bàn huyện Ba Vì nói riêng và tại nhiều địa phương khác thuộc thành phố Hà Nội nói chung. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần rà soát tổng thể, tìm giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, đồng thời siết chặt công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.
https://hanoimoi.vn/kho-khan-trong-cap-so-do-o-huyen-ba-vi-655528.html
Ngày đăng: 09:15 | 11/01/2024
Thiện Mỹ / HNM.com.vn