Phật Sơn là thủ phủ ngành gạch ceramic của Trung Quốc, một trong những “công xưởng” lớn nhất thế giới.

Nơi này cũng từng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc.

Cũng kinh doanh gạch, hàng năm tôi đều đôi ba lần ghé thành phố này. Sản phẩm gạch ceramic tại đây không chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc mà còn được xuất khẩu khắp thế giới. Cùng với đó là đội ngũ hùng hậu các nhà máy sản xuất với đủ loại quy mô.

Nhiều năm qua với chiến lược cạnh tranh giá rẻ và lợi thế quy mô, nhà sản xuất ở đây tìm mọi cách để giảm giá thành. Phần lớn họ bất chấp các chuẩn mực trong sản xuất, đặc biệt về môi trường và sở hữu trí tuệ. Khi nghĩ đến Phật Sơn, trong đầu tôi luôn hiện ra hình ảnh bụi mờ mịt, không thể thấy mặt người công nhân đang làm việc trong một xưởng sản xuất.

Nhưng mới đây, quay trở lại công xưởng này sau năm năm, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng sản xuất khá “đìu hiu” ở các khu công nghiệp. Nơi mà trước kia hết sức nhộn nhịp với hàng hóa và công nhân ngập tràn. Huang Shu Huan, anh bạn người địa phương, cũng là doanh nhân ngành gạch giải thích rằng đó là do chính sách bàn tay sắt về môi trường của “Chủ tịch Tập”. Các quy định tại Trung Quốc ngày càng ngặt nghèo về môi trường. Trong sản xuất, kinh doanh, nó được giám sát rất chặt với hình phạt nặng nhất: chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.

Từ trung ương đến địa phương, nhà cầm quyền cương quyết đóng cửa các nhà máy không đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Vì vậy, rất nhiều nhà máy nhỏ không thể trụ. Do đầu tư đảm bảo các yếu tố môi trường luôn đắt đỏ, họ buộc phá sản. Chỉ các nhà sản xuất lớn, làm ăn bài bản với số vốn đầu tư mạnh mới có thể tồn tại.

Tới thăm một nhà máy gạch quy mô khổng lồ, công suất 100 triệu m2/năm, tôi được đồng nghiệp dẫn tham quan các quy trình xử lý môi trường về nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn. Tôi đã hết sức ngạc nhiên về quy mô và cách vận hành hiện đại đúng chuẩn quốc tế mà trước đây chỉ nhìn thấy ở các nhà máy phương Tây. Hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải, bụi và chất thải rắn, đặc biệt là khí thải độc hại của họ được tự động hóa hoàn toàn với công nghệ mới nhất, theo chuẩn Sedex. Đây là bộ chuẩn mực mới nhất về môi trường, điều kiện lao động, đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đạt chuẩn mực này, họ mới đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp đạt bộ tiêu chuẩn này.

Đứng cạnh một máy ép gạch lớn trong không gian sạch sẽ và thoáng mát, Huang nói chỉ cách đây hơn một năm ta không thể đứng đây nói chuyện vì ồn và bụi khiến người “không thấy nhau ở khoảng cách một mét”. Anh khẳng định, giờ đây không đầu tư bài bản thì không nhà máy nào ở Phật Sơn trụ lại được do sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan thẩm quyền địa phương. “Tất nhiên để làm được vấn đề này thì giá thành sản xuất sẽ tăng lên nhiều”, theo lời Huang, “Khả năng cạnh tranh của gạch Trung Quốc trong ngắn hạn giảm đi nhưng về lâu dài thì rất tốt cho hàng Trung Quốc vì đi vào các chuẩn mực của quốc tế”.

Không riêng ngành gạch, sắt thép - một sản phẩm Trung Quốc nhiều năm làm mưa làm gió trên thị trường thế giới với giá rẻ và khối lượng áp đảo cũng xoay chuyển mạnh. Từ đầu năm đến nay, giá sắt thép tại thị trường Việt Nam tăng lên khoảng 30% và cách đây một tháng, đạt đỉnh của nhiều năm. Lý do là nguồn cung sắt thép tại Việt Nam cũng chủ yếu từ Trung Quốc. Ngành sản xuất sắt thép ở Trung Quốc do bị siết chặt ở khâu kiểm soát chất lượng đầu ra đồng thời kiểm soát các yêu cầu môi trường dẫn đến hàng loạt nhà máy quy mô nhỏ, không đảm bảo yêu cầu quy định bị buộc phải đóng cửa. Nguồn cung sắt thép từ Trung Quốc sụt giảm và giá bán thì tăng vọt.

Quyết tâm chính trị về môi trường này được Bắc Kinh đưa ra từ năm 2013, với tuyên bố chỉ trong vòng 4 năm (tức là tới cuối năm nay) sẽ giảm ô nhiễm công nghiệp tại Trung Quốc xuống 30%.

Thông điệp đó tiếp tục được khẳng định ở Đại hội Đảng 19 mới đây. Một trong những thông điệp chính của bài phát biểu 3 tiếng 23 phút của ông Tập, là về một “Trung Quốc tươi đẹp” với môi trường sạch.

Nếu những thay đổi được ông Tập cam kết thành hiện thực, cách mà Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế thế giới sẽ khác. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam không chỉ trên phương diện kinh doanh.

Nếu thế giới chấp nhận một thế hệ hàng Trung Quốc chất lượng hơn mà giá vẫn rẻ hơn (do quy mô vẫn lớn) thì hẳn nhiên hàng Việt Nam sẽ mất lợi thế, khi giá không chắc rẻ hơn Trung Quốc mà các tiêu chí môi trường chưa chắc được đảm bảo. Nếu Trung Quốc giữ vững lời hứa mạnh tay với công nghệ gây hại cho môi trường thì những dây chuyền máy móc thiết bị ấy sẽ được chuyển giao đi đâu?

Lợi thế cạnh tranh của hàng hóa trong thời đại này không chỉ là giá thành, chất lượng mà còn là trách nhiệm xã hội. Một trong những quốc gia xả thải lớn nhất, ô nhiễm công nghiệp nhất và từng sống phụ thuộc vào “giá thành” để chinh phục thị trường, nói rằng họ sẽ chuyển mình.

Từ vài thay đổi nhìn thấy được ở Phật Sơn, cho đến quyết tâm chính trị thể hiện trong lời Tập Cận Bình đều cho thấy kinh doanh bền vững và có trách nhiệm là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu. Điều đó rất đáng để Việt Nam chúng ta suy ngẫm.

Bao nhiêu nghìn tỉ nữa, kênh Ba Bò mới hết ô nhiễm?

Hơn 10.000 tỉ đồng đã đầu tư cho việc cải tạo, xử lý ô nhiễm, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải cho ...

Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/khi-trung-quoc-van-minh-3663224.html

Ngày đăng: 08:11 | 31/10/2017

/ Đinh Hồng Kỳ/vnexpress.net