Việc hai đường ống Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ ở biển Baltic đang thải ra lượng lớn khí nhà kính, khiến giới khoa học quan ngại sự cố này có thể gây ra một thảm họa khí hậu, dù mức độ vẫn chưa được tính toán chính xác.
Mặc dù cả hai đường ống hiện không hoạt động, nhưng đều chứa khí tự nhiên - thành phần chủ yếu là metan, một loại khí nhà kính mạnh, là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau khí CO2.
David McCabe, chuyên gia về khí quyển của tổ chức Clean Air Task Force, cho biết: “Dù vẫn còn nhiều điều không chắc chắn, tuy vậy, nếu đường ống này bị hỏng nặng có thể dẫn đến tác động nghiêm trọng, thậm chí là chưa từng có với khí hậu”.
Theo các chuyên gia, quy mô của vụ rò rỉ chưa được công bố do những yếu tố như nhiệt độ của khí trong đường ống, tốc độ rò rỉ và lượng khí bị vi khuẩn hấp thụ trước khi nổi lên bề mặt biển chưa được xác định.
Tuy vậy, vì cả hai đường ống Nord Stream đều chứa phần lớn khí metan, nên “khả năng xảy ra vụ phát thải diện rộng và gây thiệt hại lớn là rất đáng lo ngại”, McCabe cho biết.
Xét về hiệu lực làm Trái đất nóng lên, trong khoảng thời gian 20 năm, khí metan có khả năng gấp 80 lần so với CO2. Trong vòng 100 năm, hiệu lực làm nóng lên toàn cầu của metan vẫn cao gấp 30 lần so với CO2. Các nhà khoa học cho biết việc cắt giảm mạnh lượng khí thải metan trong những năm tới sẽ là đòn bẩy quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.
Jasmin Cooper, một nhà nghiên cứu tại Viện Khí Bền vững của Đại học Hoàng gia London, cho biết sẽ rất khó để xác định chính xác lượng khí đã bay đến bầu khí quyển, đặc biệt là khi vẫn còn rất ít thông tin về vụ rò rỉ đường ống. Chuyên gia này nói thêm Gazprom, tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga, có thể ước tính sơ bộ dựa trên sản lượng khí, tuy nhiên, để biết chính xác lượng khí metan được thải ra, cần có đội ngũ chuyên nghiệp để đo lường và giám sát.
Theo Jean-Francois Gauthier, từ công ty vệ tinh chuyên đo lường lượng metan thương mại GHGSat, một “ước tính thận trọng” dựa trên dữ liệu có sẵn cho thấy các lỗ rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và 2 đã giải phóng hơn 500 tấn khí metan mỗi giờ trong thời gian đầu. Năm 2016, một vụ rò rỉ khí gas xảy ra trên đường ống Aliso Canyon của Mỹ đã thải ra ít nhất 50 tấn khí metan mỗi giờ trong thời kỳ cao điểm.
Đại diện công ty chủ quản của Nord Stream 2 hồi đầu tuần cho biết đường ống này chứa khoảng 300 triệu mét khối khí đốt.
Nếu thải toàn bộ lượng khí đó vào bầu khí quyển sẽ dẫn đến phát thải khoảng 200.000 tấn khí metan, theo Paul Balcombe, kỹ sư hóa học tại Đại học Queen Mary ở London. Tổ chức phi lợi nhuận Deutsche Umwelthilfe của Đức đã đưa ra một ước tính tương tự về lượng khí thải mà vụ rò rỉ này phát ra.
Theo tính toán của Reuters dựa trên các hệ số chuyển đổi IPCC trong khoảng thời gian 100 năm, lượng khí metan đó sẽ có cùng khả năng làm nóng lên toàn cầu với khoảng 6 triệu tấn CO2. Con số này gần ngang bằng với lượng CO2 thải ra trong cả năm của các thành phố cỡ trung bình như Havana, Helsinki hoặc Dayton.
Stefano Grassi, quan chức về năng lượng hàng đầu của Ủy ban châu Âu, ngày 27/9 cho biết vụ rò rỉ có nguy cơ trở thành “một thảm họa khí hậu và sinh thái”. “Chúng tôi đang liên hệ với (các nước thành viên EU) để xem xét những gì đã xảy ra và tìm cách nhanh nhất để ngăn chặn rò rỉ và tránh thiệt hại tồi tệ hơn”, Grossi cho biết.
Các quốc gia EU nằm trong số hơn 100 quốc gia, bao gồm Mỹ, Brazil, Pakistan và Mexico, hồi năm ngoái đã cam kết cắt giảm 30% tổng lượng khí thải metan vào năm 2030, nhằm giúp ngăn chặn mức độ thảm khốc của biến đổi khí hậu.
Trong khi các sự cố tràn dầu có thể gây ảnh hưởng ngay lập tức như giết chết các loài động vật, nhiều chuyên gia khẳng định rò rỉ khí đốt dẫn đến mối đe dọa ít hơn đối với động thực vật lân cận.
Bộ Môi trường của Đức cho biết các vụ rò rỉ sẽ không gây ra thảm họa đối với sinh vật biển. Cơ quan Năng lượng của Đan Mạch cho biết có thể mất nhiều ngày để khắc phục các chỗ rò rỉ trên đường ống.
Ngày đăng: 17:27 | 28/09/2022
Duy Tiến / CAND