Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án thương tâm mà cả nạn nhân và nghi phạm đều là người trong cùng một gia đình. Những vụ án đau lòng này chính là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ nhất khi mà hai từ đạo đức dường như đã bị lãng quên.
Gã con rể cầm dao truy sát cả nhà vợ ở Nam Định.
Tôi cũng không nhớ đã đọc bao nhiêu bài báo về những vụ án thương tâm, đau lòng khi mà chính những người thân trong gia đình lại nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của nhau. Từ những vụ án mà kẻ thủ ác lại chính là ông, bà hay bố, mẹ, nhưng có lúc lại là những đứa con, đứa cháu mà các bậc trưởng bối trong nhà hết mực thương yêu, chăm sóc.
Khi đọc về những vụ án như vậy, tôi lại cảm thấy xót xa biết bao với câu nói người xưa đã dạy "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Ấy thế mà giờ đây những người chung một dòng máu lại có thể sát hại lẫn nhau. Khi gấp tờ báo lại, tôi lại trầm ngâm bên điếu thuốc và cốc cafe sáng suy nghĩ giá trị của 2 từ đạo đức ngày nay liệu có còn được lưu giữ?
Tôi nhớ ngày bé, vì là con trai út trong nhà nên tôi được mẹ rất nuông chiều. Mẹ chẳng bao giờ nặng lời với tôi và tôi nghiễm nhiên trở thành "ông trời con" trong nhà. Cho đến một ngày khi tôi học lớp 2, tôi đã bỏ học để đi chơi điện tử khiến cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại về nhà. Điều gì chờ đợi tôi ở nhà chắc ai cũng biết, đó là nằm sấp trên giường "ăn" liên hoàn roi vào mông.
Có thể mọi người nghĩ câu chuyện này cũng bình thường nhưng tôi thì khác, vì ngày hôm ấy lần đầu tiên trong đời tôi bị mẹ đánh. Mẹ vừa đánh mẹ vừa khóc. Mẹ cũng không mắng tôi như những người mẹ khác, mẹ chỉ lặng im, vụt roi vào mông và nước mắt chảy dài.
Mãi sau này lớn lên, tôi mới hiểu được ngày ấy mẹ đánh mình vì "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", vì tôi sai mà tôi mới bị ăn đòn. Và khi tôi làm bố rồi tôi mới biết, khi nổi nóng lên với con vì con quấy thì cũng là vì bản thân mình quá xót con, không biết làm thế nào để con ăn ngoan, ngủ yên được.
Có thể với đại đa số người khi nhớ về những lần bị bố mẹ trách phạt hồi còn nhỏ sẽ có những điểm tương đồng về nhận định đòn roi phạt lỗi của tôi, nhưng đôi khi không phải ai cũng hiểu được như vậy. Dù rằng đó có là những mâu thuẫn rất nhỏ, những bất đồng quan điểm một chút trong cuộc sống, hay đơn giản là lời răn dạy từ người bố lại khiến người làm con ghi "thù" vào lòng mà không phải là tiếp nhận mà sửa sai. Cũng từ cách nghĩ tiêu cực trên mà những kẻ thủ ác coi trọng "bạo lực" và ưu tiên sử dụng "bạo lực" ở mọi vấn đề, cách nghĩ sai lầm này khiến những tình huống "nóng lên" và kéo theo một người thiệt mạng, một người dành quãng thời gian ăn năn đằng sau song sắt. Cách nghĩ sai lầm này sẽ chẳng đi đến đâu ngoài cái kết đau thương, mà người thân ở lại mới là người đau lòng nhất.
Đó cũng là nguyên nhân của những dòng title xuất hiện trên báo từng khiến tôi giật mình: "Trời ơi, chồng chém chết vợ và hai con gái rồi tự tử bất thành, rồi con rể đâm chết bố vợ và chém trọng thương vợ và mẹ vợ, gần đây nhất lại có vụ án con giết bố đẻ ở Hà Giang? Những con người này bị làm sao vậy? Trong họ còn giữ hai nhân tính và đạo đức hay không? Chẳng có bất cứ lý do nào có thể bao biện cho những hành động đáng sợ như vậy.
Tôi chẳng cần thống kê chính thống từ bất kì cơ quan nào thì tôi cũng biết tỉ lệ tội phạm trọng án đang ngày càng gia tăng trong chính môi trường sống cực kì tốt đẹp như bây giờ. Đã qua lâu rồi thời kỳ bao cấp khó khăn, cũng đã qua lâu rồi cuộc sống mưu sinh kiếm cơm ăn từng bữa mong đủ no mà đại đa số người dân Việt Nam hiện nay đang hướng đến chuẩn mực "ăn ngon". Điều đó nói lên một hiện thực rõ ràng rằng xã hội chúng ta đang phát triển, kinh tế của chúng ta đang đi lên, nhưng có lẽ đạo đức, văn hóa lại theo chiều đối ngược để đi xuống.
Những người cùng lứa tuổi trẻ 9x như tôi một số đông chẳng còn hứng thú về lịch sử, về những câu truyện ngụ ngôn thấm thía nhân văn của dân tộc, họ chỉ quan tâm đến những bộ phim nước ngoài sướt mướt hay mang tính giải trí, họ chỉ quan tâm đến những món đồ hàng hiệu đắt tiền và chạy theo cuộc sống mưu sinh bươn trải giữa dòng đời, chẳng còn ai để ý đến văn hóa, đạo đức dân tộc nữa.
Theo riêng tôi, đó cũng là lý do vì sao thế hệ trẻ chúng tôi bây giờ nhiều người rất giỏi chuyên ngành, học thức rất cao nhưng đối nhân xử thế thì lại kém, đó cũng là lý do vì sao khi đã mất kiểm soát thì họ dễ biến thành một "con thú" không hơn không kém. Thế rồi, những vụ việc đau thương xảy ra ngoài xã hội, và trong chính những người thân gia đình.
Để một xã hội bình yên hơn, tuy rằng cần nhiều yếu tố, như: sự quan tâm từ gia đình, cách giáo dục của nhà trường, trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự tự rèn giũa đức tính của mỗi người để có cách ứng xử đúng mực trong quan hệ gia đình cũng như ngoài xã hội. Phải chăng, trước khi lao vào vòng xoáy cuộc đời, trước khi học cao hiểu rộng, chúng ta hãy tự tu tâm, dưỡng tính để những vụ án đau thương, những câu chuyện buồn không bao giờ xảy ra với chính mình và xã hội.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Chuyên gia văn hóa: \'Còn phát ấn đền Trần là còn cổ xúy cho hành vi vô đạo đức\'
Chuyên gia văn hóa cho rằng, còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần tức là chúng ta vẫn ... |
Thiếu nữ đi chùa cầu an đầu năm mới
Đại lễ cầu an dành riêng cho thanh thiếu niên diễn ra tại chùa Ninh Tảo (Hà Nam) nhằm giúp giới trẻ nâng cao đạo ... |
Chuyện Thái hậu Từ Dũ dạy vua Tự Đức
Nhờ sự dạy dỗ của Thái hậu Từ Dũ mà vua Tự Đức trở thành vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn và được người ... |
Nghi án đạo thơ và lương tâm người cầm bút
Hậu lùm xùm giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM là câu chuyện nóng về nghi án đạo thơ và nỗi buồn về đạo đức ... |
Nói lời xin lỗi, tại sao với nhiều người Việt lại khó đến vậy?
“Có lỗi là con người, biết sửa lỗi là thánh nhân”, nhưng trong cuộc sống hiện đại, nhiều người cảm thấy khó khăn khi nói ... |
Ngày đăng: 11:21 | 26/02/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn