Hàng trăm ngàn người trẻ 'nấp' mình trong những nhóm kín trên mạng xã hội. Họ tâm sự, chia sẻ cho nhau về đủ mọi điều. Những nhóm kín ấy như là góc khuất để họ bấu víu vào mỗi khi cô đơn.
Khi cô đơn người trẻ thường tâm sự ở các nhóm trên mạng xã hội - X.P
Chia sẻ những điều khó nói
Trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, hiện có nhiều nhóm kín được lập ra với mục đích làm nơi để người trẻ giãi bày, chia sẻ cho nhau những chuyện khó nói, những tâm sự không biết kể cùng ai.
Có thể kể như các nhóm kín: Học trò ma quái, Chuyện trò linh tinh, Phòng thú tội, CC,C! (16+), KCQ. (14+)… Những nhóm này thu hút từ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn thành viên, phần lớn là học sinh THCS, THPT và sinh viên. Mỗi ngày có hàng chục chia sẻ của người trẻ gửi đến, được đăng tải, thu hút cả ngàn lượt tham gia bình luận.
Không khó để nhận ra, trong vô vàn chia sẻ ấy, là những thắc mắc về chuyện tuổi mới lớn, chuyện tình yêu, những vấn đề nhạy cảm khó nói, những bí mật của tuổi ẩm ương, những thắc mắc về học tập, trường lớp, cuộc sống, những tâm sự về gia đình… Những nhóm này ra đời, là nơi để họ gửi gắm nỗi niềm, trút bầu tâm sự, về những điều từ trước đến nay chẳng biết kể cùng ai.
“Bố mẹ tao dạo này cãi nhau suốt, tao rất buồn và chán đời. Tao phải làm gì bây giờ hả tụi bây?”, thành viên H.K.M (17 tuổi, HS Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM), chia sẻ.
Ngay lập tức, có hàng ngàn bình luận khuyên: “Đừng chán nản làm gì, phận con cái đừng cố gắng làm thay đổi chuyện người lớn. Lo học cho tốt, biết đâu mầy học tốt sẽ khiến bố mẹ mầy vui và không còn mâu thuẫn nữa”. Một lời khuyên khác: “Chuyện người lớn hãy để người lớn giải quyết. Mở nhạc lên mà nghe, rồi ngủ một giấc cho thanh thản. Mai thức dậy, đến trường. Mai sẽ là một ngày khác, tươi mới hơn. Đừng buồn nha”…
|
Ở một chia sẻ khác, thành viên L.V.A (16 tuổi, HS Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ) than thở: “Chưa bao giờ tao cảm thấy bế tắc như bây giờ. Học hành chả ra gì, cô trên trường chửi. Về nhà thì hai ổng bả (bố mẹ - NV) cũng chửi. Hình như tao sinh ra để bị chửi hay sao á”. Tâm sự của L.V.A liền nhận được nhiều bình luận: “Chuyện không của riêng ai đâu mầy ơi. Tao cũng vừa bị “tẩn” cho một tăng đây nè. Thôi, hãy cứ vui cứ lạc quan đi. Học cho tốt vô, cố làm con ngoan đi, rồi không ai có lý do để chửi mầy nữa cả”…
Cảm ơn “người lạ”
V.A cho biết trong cả hàng trăm, ngàn người bình luận, an ủi V.A, nữ sinh này chẳng biết một ai cả. Đó toàn là những người lạ, học đủ trường ở khắp mọi nơi. Chỉ cần thấy một thành viên ta thán, là hàng chục ngàn thành viên còn lại, những người lạ chưa từng quen biết, sẽ đóng góp những lời bình luận để động viên. Thậm chí còn nhắn tin riêng an ủi.
Rất nhiều bạn trẻ giống như Th., mỗi lần gặp nỗi niềm trong cuộc sống, trục trặc trong chuyện yêu đương, buồn khi kết quả học không như ý..., thì chính những nhóm kín trên Facebook là nơi họ nghĩ đến đầu tiên để trút mọi tâm sự, chứ không phải là chia sẻ cho người thân trong gia đình, bố mẹ, thầy cô.
Lý giải về điều này, Ng.B.A (17 tuổi, HS Trường THCS-THPT Lê Lợi, Bình Thuận) cho biết: “Làm sao có thể kể chuyện mình đang mến hay thầm thương trộm nhớ cho bố mẹ. Chắc chắn rằng khi nghe mình kể, họ (bố mẹ - NV) sẽ quát tháo lên, làm ầm ĩ lên, chứ không kiên nhẫn ngồi nghe mình tâm sự đâu. Nên gặp phải chuyện gì, buồn điều gì, cả chuyện học lẫn chuyện tình cảm…, mình hay vô mấy nhóm ấy để chia sẻ. Có như vậy mới thấy được, đó là chuyện chẳng phải của riêng ai. Nhiều bạn ở nhiều nơi cũng rơi vào tình cảnh tương tự”.
L.T.H (14 tuổi, HS Trường THCS-THPT Lạc Hồng) kể: “Có lần vì đánh rơi 800.000 đồng. Vừa mở lời thú tội với bố, bố đã vụt roi vào lưng. Một lần khác, có bạn nam cùng trường tặng quà, mình kể cho mẹ nghe, mẹ “xả” cho một trận, cấm còn nhỏ không được yêu đương… Kể từ đó, mình chẳng dám kể gì cho bố mẹ nghe cả. Chỉ biết lén tham gia những nhóm trên Facebook như: Phòng thú tội, KCQ. (14+)… để tìm những “đồng minh”, chia sẻ mọi điều với họ”.
L.V.A chia sẻ mỗi lúc chán chường trong cuộc sống, cảm thấy cô đơn lẻ loi thì chính những nhóm kín trên mạng xã hội, nơi có nhiều người đồng cảm cùng trang lứa, đang chờ sẵn để làm “những nhà tư vấn tâm lý, tình cảm, sức khỏe…” miễn phí, đã giúp V.A tìm được những niềm vui, đỡ cô đơn, bế tắc.
Vậy nhưng, nữ sinh này nói riêng, và nhiều bạn trẻ nói chung, họ vẫn mong được tâm sự, chia sẻ mọi điều, dù là những điều khó nói, với bố mẹ, thầy cô, những người thân thiết trong gia đình, chứ không phải mong đợi những động viên, an ủi từ “người lạ”. (còn tiếp)
Bộ tranh: Chúng ta \'sống ảo\' rốt cuộc cũng chỉ vì cô đơn
Loạt tranh đơn giản nhưng đầy hàm ý, sáng tạo của họa sĩ Tango Gao giúp chúng ta nhận ra mình cô đơn đến thế ... |
Châu Tấn - từ tuổi thơ cơ cực đến đại hoa đán lặng lẽ, cô đơn
Ít người biết Châu Tấn từng đi hát hộp đêm để kiếm tiền. Bên cạnh sự nghiệp đỉnh cao, Châu Tấn lại có đời tư ... |
Ngày đăng: 17:06 | 14/09/2018
/ https://thanhnien.vn