Ngân hàng UOB cho vay DNNVV có tài sản thế chấp cộng với việc áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống phân tích dữ liệu khách hàng.

Không chỉ cho vay vốn

Ngân hàng UOB Việt Nam vừa công bố họ sẽ tập trung cung cấp dịch vụ tài chính cho những DNNVV sau khi được NHNN cấp phép ngân hàng 100% vốn ngoại. Ngân hàng Singapore ngay lập tức đã phối hợp với Đại học Ngoại thương để đào tạo 27 nhân sự phục vụ cho mục tiêu tìm kiếm và khai thác khối DNNVV theo các chuẩn mực ngân hàng quốc tế. Chương trình đào tạo gồm tín dụng, quản lý rủi ro, tài chính DN và các khuôn khổ pháp lý trên thị trường. Đồng thời, cung cấp kỹ năng thực tiễn cho các học viên trong tìm kiếm khách hàng hiệu quả để có thể vượt qua những thách thức tiềm ẩn ở khối DNNVV.

Thực ra, đào tạo lại một đội ngũ nhân sự theo chuẩn riêng của một tổ chức không có gì mới, trước đây ACB cũng thường huấn luyện tất cả các nhân sự mới tuyển dụng sau đó mới phân bổ về các chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động. Tuy nhiên, cách tiếp cận DNNVV của các NHTM hiện nay đang trở thành xu hướng chính trên thị trường thay vì chọn những DNNN, cho thấy các định chế tài chính đang kỳ vọng một đội ngũ làm ăn có tương lai.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có 96% DN đang hoạt động ở Việt Nam là các công ty siêu nhỏ, khoảng 2% các công ty nhỏ và vừa và 2% các công ty lớn. Chưa kể, trong một thống kê khác có khoảng 9 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, là một lực lượng lâu nay làm ăn bằng vốn tự có và hàng trao đổi gối đầu không có điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng UOB cho vay DNNVV có tài sản thế chấp cộng với việc áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống phân tích dữ liệu khách hàng để có kết quả khách quan, tránh trường hợp khách hàng đưa tiền “lót tay” cho nhân viên tín dụng để được vay nhiều hơn giá trị bảo đảm một khoản tín dụng. Những khoản vay có tài sản đảm bảo tín dụng được ngân hàng này áp dụng cả các chỉ tiêu định lượng và chỉ tiêu định tính để có thể cấp tín dụng lên đến 120% đối với những giá trị tài sản đảm bảo có tính đến rủi ro thị trường. Hoặc dịch vụ cho vay mua nhà, mua xe ô tô, UOB khuyến khích khách hàng cá nhân gửi tiền trên tài khoản của ngân hàng này theo đó khi khách hàng vay vốn phần tính lãi vay sẽ thấp dần tùy theo số lượng tiền gửi của khách hàng trên tài khoản trong ngân hàng của họ.

DNNVV đang được Chính phủ xác định là lực lượng xương sống trong phát triển kinh tế Việt Nam. Các nhà phân tích quốc tế tính toán, năm 2016 có đến 4 phần 5 trong số các DNNVV ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tìm kiếm các nguồn tài chính để đầu tư kinh doanh.

“Chúng tôi dự báo sẽ có nhiều hơn các DN nhỏ ở Việt Nam theo đuổi các cơ hội kinh doanh trong khu vực và vận dụng những lợi ích từ Cộng đồng kinh tế ASEAN. Không chỉ cung cấp vốn vay, chúng tôi cần hiểu rõ nhu cầu của các DNNVV Việt Nam để đưa họ phát triển ra quốc tế, như quản lý rủi ro hay tìm hiểu khung pháp lý của các thị trường khác nhau”, ông Harry Loh, Tổng giám đốc UOB Việt Nam nói.

Phải thay đổi từ thói quen tiền mặt

Thách thức lớn nhất của các DNNVV hiện nay là vận hành và phát triển, đặc biệt là hoạch định kinh doanh, quản lý dòng tiền và rủi ro trong giao dịch quốc tế. Thời gian qua đã có một số ngân hàng ngoại như Anh quốc cũng đã nhìn thấy tiềm năng của khu vực hộ gia đình kinh doanh ở các đô thị và họ đã tiếp cận đến các chợ truyền thống ở Sài Gòn, Hà Nội để cho tiểu thương vay vốn dựa trên hiệu quả doanh số bán hàng 6 tháng gần nhất làm đảm bảo tín dụng. Thế nhưng, rào cản lớn nhất của các định chế tài chính quốc tế khai thác khu vực kinh doanh nhỏ ở Việt Nam đều gặp phải trở ngại về tính minh bạch trong hồ sơ dữ liệu, trong đó tình trạng sử dụng tiền mặt quá nhiều của các hộ kinh doanh. Trong khi, các định chế tài chính quốc tế hầu hết muốn quản lý dòng tiền khép kín của khách hàng thông qua các dịch vụ tiền gửi tiền vay, thanh toán…

Đội ngũ DNNVV Việt Nam chiếm áp đảo trong cộng đồng DN, nhưng thực tế để đáp ứng được điều kiện của những ngân hàng ngoại không nhiều. Thực tế, thời gian qua các ngân hàng ngoại đến Việt Nam làm ăn chủ yếu phục vụ cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo đó, những ngân hàng ngoại thường đặt văn phòng ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ để làm các dịch vụ thanh toán quốc tế cho DN FDI.

Bên cạnh đó, ngân hàng ngoại mở dịch vụ tài chính cá nhân cho vay tiêu dùng nhắm vào những cá nhân có thu nhập cao ở đô thị để khai thác thị trường. Theo đó, các dịch vụ cho vay thông qua hình thức phát hành thẻ tín dụng rất thu hút người tiêu dùng có thu nhập cao sử dụng do tính linh hoạt của thẻ ngoại. Mặc dù thoạt nhìn phí khá cao nhưng đổi lại thẻ ngoại lại thường chiết khấu trực tiếp bằng tiền cho chủ thẻ có doanh số chi tiêu cao.

Thực tế, trong số 96% DN nhỏ đang hoạt động trên thị trường Việt Nam bao gồm cả các DN FDI đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… chứ không riêng các DN trong nội địa. Trong số các DN nhỏ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang là khách hàng của ngân hàng ngoại. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam, DN FDI là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam, nên sự phát triển của họ có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng GDP - điều này thể hiện rất rõ qua các chỉ số tăng trưởng kinh tế mà Tổng cục Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2017. Thế nhưng, các DNNVV Việt Nam tận dụng các dịch vụ ngân hàng ngoại và muốn phát triển ra quốc tế như kỳ vọng của Tổng giám đốc UOB Việt Nam trước hết phải thay đổi mô hình quản trị theo hướng minh bạch.

Theo đó, từ việc nhỏ nhất trong hạch toán kinh doanh phải được thực hiện bằng hệ thống điện tử hóa, mở tài khoản ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt đối với mọi chi tiêu thu gom sản phẩm nguyên liệu đầu vào hàng hóa sản xuất kinh doanh đến doanh số bán hàng ra thị trường.

Theo đó, mới có thể thuê một ngân hàng quản lý dòng tiền để DN tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính mới có thể giảm chi phí phải trả cho ngân hàng. Chứ không phải nay có dự án thì mang hồ sơ đến ngân hàng, mai cần chuyển tiền, bao thanh toán thì đi tìm ngân hàng làm theo món giá dịch vụ ngân hàng sẽ rất cao và không thể tận dụng được các dịch vụ cộng thêm của những ngân hàng ngoại có lợi ích thị trường và các mối quan hệ quốc tế của họ.

http://thoibaonganhang.vn/khi-ngan-hang-ngoai-quan-tam-dn-nho-69266.html

Ngày đăng: 20:09 | 30/10/2017

/ Theo Thời báo Ngân hàng