"Chúng tôi sẽ không dỡ bỏ trừng phạt nếu Nga không đạt được thỏa thuận với Ukraine", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay.

Trả lời phỏng vấn tuần báo Stern ngày 5/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Chúng tôi chỉ có thể và chỉ sẵn sàng rút lại các lệnh trừng phạt của mình theo thỏa thuận với Ukraine. Tôi nghĩ không có nhiều người trong Điện Kremlin hiểu được điều đó. Các biện pháp trừng phạt đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với Nga". 

Trước đó, ông Scholz cũng tuyên bố, Đức chỉ dỡ trừng phạt Nga khi Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận hòa bình - một thỏa thuận không chỉ phục vụ cho những điều khoản của Nga.

ttxvn_ngaduc
Ảnh minh họa

Ông cho biết, Đức và các đối tác đang "cố vấn và hỗ trợ Ukraine, trong đó có cả khía cạnh ngoại giao, nhưng không ai có thể quyết định vận mệnh của Ukraine. "Chỉ tổng thống, quốc hội và người dân của họ mới có thể quyết định thỏa thuận với Nga", nhà lãnh đạo Đức nói. Ông cho rằng, sự hỗ trợ của phương Tây đã giúp Ukraine kháng cự lâu hơn so với người Nga nghĩ, nhưng Đức và các nước khác sẽ cố tránh nguy cơ xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.

Thủ tướng Đức cũng nhắc lại việc nước này không công nhận Crimea thuộc Nga sau cuộc sáp nhập năm 2014.

Ông Scholz đánh giá, Ukraine có thể "bảo vệ chủ quyền và tự do của mình", nhận định "Nga sẽ không chiến thắng và Ukraine sẽ không thất bại".

Ngày 24/2, Tổng thống Putin quyết định tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine nhằm phản hồi trước yêu cầu các lãnh đạo các nước cộng hòa nhân dân tự xưng khu vưc Donbass. Ông nhấn mạnh, Moscow không có kế hoạch chiếm lãnh thổ Ukraine. Mỹ và các đồng minh đã phản ứng trước các hành động của Nga bằng cách áp lệnh trừng phạt lên Moscow và tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine

Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh phương Tây liên tục áp lệnh trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch tấn công quân sự Ukraine hồi cuối tháng 2. Một trong các biện pháp trừng phạt là giảm dần nhập khẩu năng lượng từ Nga. Thủ tướng Scholz cho hay, Liên minh châu Âu sẽ chính thức ngừng nhập khẩu than từ Nga vào mùa hè năm nay và tiến tới chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022. Đây là kế hoạch không dễ dàng với nhiều thành viên của khối, đặc biệt là Đức, do phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Ngày đăng: 08:52 | 06/05/2022

PV (th) / Nghề nghiệp và cuộc sống