Nhiều bệnh nhân COVID-19 chỉ sau 4-5 ngày, thậm chí 2-3 ngày đã hết các triệu chứng, xét nghiệm âm tính. Khi nào bệnh nhân được coi là khỏi bệnh, an toàn sau khi mắc COVID-19, đặc biệt với biến thể Omicron?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người nhiễm COVID-19 có thể chấm dứt cách ly sau 5 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc khi bắt đầu có các triệu chứng, miễn là các dấu hiệu đang giảm. Sau đó, bạn tiếp tục đeo khẩu trang thêm 5 ngày nữa khi tiếp xúc với người khác.
Tuy nhiên, hướng dẫn này chủ yếu dựa trên dữ liệu từ các biến thể trước khi có Omicron.
Trong khi đó, một số bằng chứng khoa học ghi nhận, một nửa số người nhiễm biến thể Omicron khả năng lây nhiễm vào ngày thứ 5 - và một số vẫn truyền bệnh vào những ngày sau đó.
Ít nhất 3 nghiên cứu phát hiện những người nhiễm Omicron còn mức độ virus đủ cao để có thể lây nhiễm 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.
Các nhà khoa học xem xét dữ liệu từ chương trình xét nghiệm mở rộng của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ. Khoảng 50% số người nhiễm Omicron cho kết quả dương tính PCR vào ngày thứ năm. Có sự khác biệt về thời gian đạt mức tải lượng virus cao nhất giữa nhóm nhiễm Omicron và Delta.
"Đối với một số người nhiễm Omicron, mức virus đạt đỉnh rất nhanh. Đối với những người khác, phải mất nhiều ngày", Tiến sĩ Yonatan Grad cho biết. Có trường hợp, tải lượng virus đạt đỉnh sau 8-10 ngày.
Theo một nghiên cứu nhỏ khác từ Nhật Bản, mức độ virus cao nhất vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, sau đó giảm dần. Sau 10 ngày, không mẫu nào phát hiện được virus lây nhiễm qua xét nghiệm PCR.
Với các phân tích trên, 8 ngày cách ly an toàn hơn rất nhiều so với 6 ngày. Tới ngày thứ 10, bạn có thể yên tâm. Nhiều khảo sát cho thấy rất ít khả năng lây nhiễm COVID-19 sau 10 ngày dù nhiễm biến thể gì.
Tuy nhiên, người bị suy giảm miễn dịch nên đợi 20 ngày để ngưng cách ly. Nghiên cứu trước khi có Omicron đã chỉ ra, những bệnh nhân này có xu hướng thải virus lâu hơn.
Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, với bệnh nhân Covid-19, sau 10 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên mới có thể coi bạn đã “an toàn”.
Bác sĩ Phúc phân tích, thứ nhất, việc test nhanh âm tính chưa thể khẳng định bạn đã hết virus. Nếu độ nhạy test không cao hoặc lấy mẫu không đúng quy trình, kỹ thuật (có thể lấy mẫu chưa trúng vị trí) thì test sẽ không thể hiển thị kết quả chính xác.
Thứ hai, ngay cả khi test nhạy, bạn đã lấy mẫu đúng cách và kết quả là âm tính thì việc hết virus cũng không đồng nghĩa với bệnh sẽ không tiến triển nặng lên.
Theo bác sĩ, một bệnh nhân COVID-19 nặng sẽ phải trải qua 3 “pha” của bệnh, gồm pha nhiễm cấp, pha phổi và pha miễn dịch. Pha nhiễm cấp được tính trong khoảng thời gian từ 0-5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ở giai đoạn này, virus SARS-CoV-2 bắt đầu tấn công cơ thể và dần nhân lên mạnh mẽ, có thể xuất hiện ở hầu hết các dịch xét nghiệm nên phần trăm phát hiện dương tính rất cao.
5 ngày tiếp theo (pha phổi, là ngày thứ 5-10 kể từ khi khởi phát triệu chứng), tải lượng virus giảm xuống đáng kể, kết quả xét nghiệm có thể sẽ âm tính. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn virus có thể tấn công vào phổi. Giai đoạn còn lại (pha miễn dịch) liên quan đến các bệnh nhân viêm phổi ARDS, có sốc,... điều trị tại các đơn vị hồi sức cấp cứu.
“Như vậy, nếu qua 10 ngày mà bệnh nhân không có triệu chứng bất thường, SpO2 ổn định tức là virus không tấn công vào phổi, lúc này mới có thể an tâm được”, bác sĩ Phúc nói.
Về vấn đề kết quả trên que test nhanh hiển thị vạch đậm - vạch mờ, theo Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kết quả test này liên quan đến nồng độ virus trong cơ thể. Tải lượng virus cao, vạch sẽ đậm. Bên cạnh đó, nếu lấy đúng vị trí nhiều virus, vạch sẽ lên đậm; ngược lại lấy ở vị trí ít/không có virus, vạch có thể lên mờ hoặc không lên.
Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định hiển thị vạch đậm nhạt không liên quan đến vấn đề diễn tiến nặng hay nhẹ.
PV (th)
Ngày đăng: 08:38 | 15/03/2022
/ Nghề nghiệp và cuộc sống