Hầu hết các trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, gia đình cần theo dõi sát diễn biến tình trạng sau thời gian trẻ mắc COVID-19 và có thể đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi gặp các triệu chứng xảy ra.
Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra. Tùy theo thời gian kéo dài các triệu chứng, có các thuật ngữ khác nhau:
- Tình trạng Covid-19 cấp tính: các triệu chứng xuất hiện trong vòng 4 tuần đầu kể từ ngày mắc đầu tiên.
- Tình trạng Covid-19 bán cấp/dai dẳng: các triệu chứng diễn ra từ 4 đến 12 tuần kể từ ngày mắc đầu tiên.
- Tình trạng Covid-19 mạn tính: các triệu chứng diễn ra sau 12 tuần kể từ ngày mắc đầu tiên, có thể kéo dài tới 6 tháng.
Tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 khá dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau, ở các lứa tuổi và quần thể khác nhau, cũng như cách xác định thời gian xuất hiện triệu chứng khác nhau. Hơn nữa, các triệu chứng hay gặp của hậu Covid-19 ở trẻ em cũng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc các triệu chứng cũng khác nhau. Do đó, hiện nay con số chính xác tỷ lệ mắc hậu Covid-19 ở trẻ em chưa rõ.
Theo chia sẻ của PGS.TS.BS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), hậu COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là những dấu hiệu như: triệu chứng của người mắc COVID-19 có thể kéo dài hoặc xuất hiện những triệu chứng mới. Về căn nguyên của vấn đề này có thể liên quan đến virus, độc tố của virus cũng như tình trạng virus còn tồn tại ở trong cơ thể, ngoài ra còn do chu trình hóa học bị ảnh hưởng, do biểu hiện của vấn đề đáp ứng miễn dịch….
Những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường có những biểu hiện như: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc. Một số bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ hay các rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Cá biệt có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…
Khi gặp triệu chứng hậu COVID-19, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.
Theo BS. Trần Quốc Khánh, BV Việt Đức, không nên quá lo lắng về di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em vì tỷ lệ cực thấp và trẻ sẽ trở lại bình thường từ 3-6 tháng không có dấu vết gì. Khả năng tự chữa lành của trẻ cao, do đó sẽ không có quá nhiều nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng
Để xác định trẻ có thể mắc hội chứng hậu COVID-19 hay không, phụ huynh cần theo dõi, quan sát trẻ sau khi khỏi COVID-19. Nếu phát hiện con thay đổi tính tình, cách sinh hoạt, hành vi và có các biểu hiện như thở mệt, hồi hộp, đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, hụt hơi, rụng tóc, giảm tập trung... cần đưa trẻ đến bệnh viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tư vấn và tiếp tục thăm khám, điều trị hậu COVID-19 cho trẻ khi cần thiết.
Do chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng của hậu Covid-19, nên hiện nay chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu Covid-19. Phương pháp duy nhất giúp không xuất hiện hậu Covid-19 là dự phòng nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ bằng các biện pháp phòng bệnh thích hợp và tiêm vắc xin Covid-19 khi có chỉ định. Khi trẻ mắc Covid-19, cần theo dõi, chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế và đưa trẻ tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế kịp thời.
PV (th)
Mất khứu giác hậu COVID-19, phải làm sao? |
Đau khớp hậu COVID-19: Bác sĩ mách cách khắc phục đơn giản mà hiệu quả |
Đột quỵ - biến chứng nguy hiểm hậu COVID-19 |
Ngày đăng: 10:06 | 28/03/2022
/ Nghề nghiệp và cuộc sống