Ít nhất 15 thanh niên đã ngất, phải đi cấp cứu, do chen lấn, xô đẩy trong một sự kiện có sự tham gia của một số diễn viên Hàn Quốc vào chiều 28.10 tại Hà Nội, là thông tin vừa gây chấn động dư luận.

Hàng chục fan Việt đã ngất xỉu vì chen lấn để xem sao Hàn ngày 28.10. Ảnh: Zing

Nhìn những hình ảnh, video với hàng nghìn thanh niên trẻ chen lấn, xô đẩy, leo trèo đến mức hỗn loạn, nhiều người ngất xỉu trong sự kiện Lễ hội văn hóa ẩm thực Việt Nam - Hàn Quốc 2017 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, có sự tham gia của hai diễn viên Hàn Quốc, mà… phát hoảng.

Thực sự đang có sự khủng hoảng về lối sống, văn hóa sống của một bộ phận thanh niên. Thần tượng là quyền cá nhân. Nhưng đến mức “cuồng”, với một số lượng đông đảo và những hành vi mất kiểm soát, thì hết sức đáng lo ngại.

Tại buổi biểu diễn của nhóm Super Junior tại MTV Exit Vietnam ở Mỹ Ðình cách đây vài năm, hàng nghìn fan (người hâm mộ) chen lấn, giẫm đạp, làm 40 người ngất xỉu, nhiều người khác cũng bị bầm tím vì chen chúc.

Vào năm 2012, hình ảnh một nam thanh niên gào khóc khi nhìn thấy mấy cô gái của nhóm T-ara làm cộng đồng ngạc nhiên, bức xúc. Nhưng có lẽ đỉnh điểm và gây phẫn nộ, kinh hoàng nhất, là thông tin về một nhóm thanh nữ còn rất trẻ quỳ xuống hôn ghế ca sĩ Bi Rain (Hàn Quốc) đã ngồi khi lưu diễn tại Hà Nội.

Còn chuyện sưu tầm ảnh, mất ăn mất ngủ, xin chữ ký, rồi yêu thần tượng, đặt tên con theo tên thần tượng… thì đã quá phổ biến.

Một số người lạc quan cho rằng, chuyện yêu mến thần tượng là bình thường, thể hiện sự nhanh nhạy, xu hướng giao thoa văn hóa trong giới trẻ và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chúng.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào hiện tượng, không thể nói những phản ứng trên là bình thường, mà đã có những biểu hiện lệch lạc, bệnh hoạn. Không bậc cha mẹ nào có thể yên tâm với một đứa con “ăn thần tượng, ngủ thần tượng”, vì sẽ sa sút học hành, ý chí phấn đấu, mơ hồ trong cuộc sống.

Cùng với hiện tượng “cuồng” thần tượng, là sự phai nhạt, thờ ơ về bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống. Hàng hóa, văn hóa nước ngoài đã ồ ạt ngự trị, chiếm lĩnh trong đời sống các fan “cuồng”.

Không thể trách giới trẻ, mà người lớn hãy nhìn lại mình. Cần rà soát, kiểm tra các văn bản, hệ thống pháp lý, nhận diện các kẽ hở đã làm những giá trị văn hóa ngoại lai tràn ngập trong đời sống. Cần nhìn lại chiến lược tuyên truyền, truyền thông về các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.

Các trường phổ thông, các trường đại học, các tổ chức đoàn, hội… đã giáo dục trẻ em và thanh niên như thế nào?

Cần nhìn nhận hiện tượng “cuồng” thần tượng là một nguy cơ, từ đó gióng lên một hồi chuông báo động để cảnh tỉnh, khắc phục.

Hoa hậu làm được gì mà thi ồ ạt?

"Thần tượng của em là chị Phạm Hương" hay "Em ước được như chị Thu Thảo", nhiều cô gái không ngần ngại thổ lộ ước ...

Fan tự tử khi Luhan công khai hẹn hò: Hệ lụy của văn hóa thần tượng

Luhan đang vấp phải sự phản ứng của lượng fan lớn với nhiều độ tuổi khác nhau khi công khai hẹn hò Quan Hiểu Đồng. ...

Diễn viên Trung Quốc: Ngôi sao đẳng cấp hay \'rác\' nghệ sĩ?

Nhân Dân nhật báo cho rằng các ngôi sao đang lên tại Trung Quốc nếu không có khả năng diễn xuất sẽ chỉ chợt sáng ...

(https://laodong.vn/dien-dan/khi-gioi-tre-ngat-xiu-va-hon-ghe-than-tuong-572822.ldo)

Ngày đăng: 10:41 | 29/10/2017

/ Theo Quang Đại/Lao động