28% doanh nghiệp phàn nàn về việc “tiếp cận đất đai”, yếu tố phàn nàn nhiều nhất trong những nhiễu nhương và khó khăn mà DN gặp phải. Hoá ra, nguồn lực đất đai, dẫu là của chung, nhưng lại không dễ tiếp cận.
Nhà xưởng rộng cả nghìn mét vuông được xây dựng kiên cố trên đất xã Phú Minh, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Báo TNMT. |
28% phàn nàn là con số mà Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân Trương Gia Bình đưa ra tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại TPHCM chiều 4.12.
Nghĩ cũng xót xa. Bởi trong khi các nghị quyết chính sách đang dần đề cao vai trò của khu vực kinh tế phi nhà nước thì các DN vẫn như những đứa con ghẻ, ít nhất trong lĩnh vực tiếp cận các yếu tố thuộc về nguồn lực như vốn vay, như đất đai.
Và trong khi càng chứng minh năng suất lao động, hiệu quả nguồn vốn, tính chịu trách nhiệm và khả năng tạo công ăn việc làm... ngày càng ưu việt thì các DN ngày càng phải tự bơi.
Nhân kỳ họp HĐND TP Hà Nội đang diễn ra, xin mở ngoặc về bức tâm thư mà hơn 100 DN ở Phú Minh, Sóc Sơn gửi tới lãnh đạo thành phố.
Chuyện nghe qua tưởng nhỏ. Hầu hết các DN, những người đang tạo ra một doanh thu bình quân 10 ngàn tỷ đồng mỗi năm, nộp thuế 200 tỷ đồng, sử dụng hơn 8.200 lao động... lại tạo ra của cải vật chất và việc làm ấy trên đất nông nghiệp, trên đất hoang. Và vừa rồi, trong nỗ lực dẹp loạn đất đai ở Sóc Sơn, chính quyền đang muốn xử phạt, đập bỏ, cưỡng chế toàn bộ cơ ngơi nhà xưởng xây dựng trái phép trên địa bàn.
Phải nói ngay, vi phạm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn Phú Minh là có thật, thậm chí đến mức độ trầm trọng. Phải nói ngay, chính quyền dẹp loạn hoàn toàn không có gì sai cả.
Nhưng vấn đề lại không chỉ ở chỗ lãng phí của cải vật chất, hay ảnh hưởng đến việc làm của hơn 8.000 lao động, mà lại ở chỗ sự tồn tại của cả trăm doanh nghiệp, hay xa hơn, ở thân phận của bộ phận DN tạo ra của cải vật chất nhiều nhất trong xã hội.
Năm ngoái, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 vừa được VCCI công bố đã chỉ ra hai chữ “bấp bênh” trong tiếp cận và sử dụng đất đai của DN. Đó là tỷ lệ rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỷ lục (1,73 điểm, tương ứng với múc độ rủi ro rất cao).
Khả năng tiếp cận vốn, đất đai là những yếu tố sống còn với DN. Nhưng sự bất bình đẳng trong tiếp cận đang sinh ra tình trạng DN phải chạy chọt, trở thành “thân hữu” hoặc phải làm chui, làm lậu, đứng trước nguy cơ bị thu hồi, mất trắng (như trong trường hợp cả trăm DN ở Phú Minh) nếu muốn có chẳng hạn một mảnh đất tối thiểu để sản xuất.
Có lẽ, bên cạnh việc đề cao vai trò khu vực kinh tế phi nhà nước thì việc tiếp cận nguồn lực cũng phải được xem xét tương ứng.
Có lẽ, DN cần sự thấu cảm, lắng nghe hơn là một quyết định hành chính đẩy họ ra đường.
Đạo đức kinh doanh Những ngày này, cái tên địa ốc Alibaba được nhiều người nhắc đến, nhất là khi Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đang ... |
doanh nghiệp viết tâm thư kêu cứu" width="115"> | Khỏe từ gốc rễ Hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội tham gia Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm ... |
Ngày đăng: 17:20 | 05/12/2017
/ Anh Đào/Lao động