Sống ngay cạnh nhà máy nước sạch nhưng hàng trăm hộ dân xã Vĩnh Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) không có nước sạch để dùng. Để có nước sinh hoạt, người dân đành sử dụng nguồn nước không đảm bảo ngoài đồng ruộng.
Ông Dương Trí An phải bỏ ra 50 triệu đồng để xây dựng bể lọc và mua đường ống để dẫn nước từ ngoài đồng về ẢNH PHẠM ĐỨC |
Nhà máy nước sạch xã Vĩnh Lộc được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 6 tỉ đồng, do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Cuối năm 2011, nhà máy nước sạch đi vào hoạt động, cung cấp nước cho khoảng 400 hộ dân ở 5 thôn, gồm: Phúc Giang, Thượng Triều, Hạ Triều, Vĩnh Phúc, Thanh Phúc. Hiện nhà máy được giao cho Hợp tác xã Môi trường và nước sạch xã Vĩnh Lộc quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân sống cạnh nhà máy này không có nước sạch để dùng. Do không có nước máy, người dân phải tự khoan giếng để có nước uống. Tuy nhiên, nước giếng khoan bị nhiễm phèn nên họ phải làm các bể chứa để lọc nước dẫn nước từ ngoài ruộng lúa về. Một số hộ dân có điều kiện hơn thì sử dụng nước ở bể lọc để giặt giũ, còn ăn uống thì mua nước tinh khiết. Thực trạng này y chang như trước khi nhà máy nước tiền tỉ được xây dựng.
Nhà bà Nguyễn Thị B. (ngụ thôn Phúc Giang) dù chỉ cách nhà máy nước sạch khoảng 50 m nhưng vẫn không có nước sạch để để dùng. “Nhà tui may mắn ở gần nhà máy nên hiện vẫn đang sử dụng nước từ nhà máy cấp. Mang tiếng là nước sạch nhưng nước rất tanh, đục ngàu, nên từ lâu gia đình không dám sử dụng để nấu ăn”, bà B. than thở.
Vĩnh Phúc là thôn thiếu nước sạch trầm trọng nhất khi có tới khoảng 100 hộ dân trong diện "khát nước" từ nhiều năm qua. Người dân thôn này cho biết, trước đây, khi nhà máy nước sạch khởi công, mỗi hộ dân phải nộp cho UBND xã 500.000 đồng và phải cùng nhau đi đào đường ống dẫn nước. Năm đầu tiên nhà máy hoạt động, nước được cấp cho người dân rất trong, không có mùi hôi nên ai nấy đều phấn khởi. Nhưng sau đó, nước bắt đầu chảy nhỏ giọt, không đủ dùng, và đến nay thì mất hẳn.
Ông Dương Trí An (57 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Phúc) bức xúc: “Do nhà tui ở xa nhà máy khoảng 500 m nên nước sạch theo đường ống nước cấp về tới nhà tui nhỏ giọt. Sử dụng máy bơm để hút thì bị chập cháy hết. Vì thế, gia đình phải bỏ 50 triệu đồng để xây dựng bể lọc và mua đường ống để dẫn nước từ ngoài ruộng cách nhà khoảng 100 m về để dùng”.
Ông Nguyễn Minh Nam, thành viên Hợp tác xã Môi trường và nước sạch xã Vĩnh Lộc, cho biết chất lượng nước hiện nay không đảm bảo vì máy Clo và máy pha phèn của nhà máy đã bị hư hỏng. Hệ thống đường ống dẫn nước nhiều đoạn bị gãy nên xảy ra tình trạng nhiều hộ dân không có nước để dùng.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Công Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc, cho hay trong quá trình xây dựng các công trình mở rộng nông thôn mới, để mở đường, một số máy đào đã làm vỡ rất nhiều đường ống dẫn nước. “Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo Ban Quản lý nhà máy nước sạch phối hợp với người dân tập trung sửa chữa để khắc phục lại đường ống. Địa phương cũng đã đề nghị cấp trên hỗ trợ thêm kinh phí để sửa chữa một số hạng mục của nhà máy, nhằm cấp nước đạt tiêu chuẩn cho người dân trong thời gian sớm nhất”, ông Tiến nói.
Ngày đăng: 08:55 | 21/08/2017
/ Phạm Đức / Báo Thanh Niên