Với việc thu hồi mặt nước biển và di dời resort chắn biển, nhiều cán bộ hưu trí, người dân bày tỏ sự đồng tình và hy vọng lần này tỉnh Khánh Hòa sẽ làm dứt điểm.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, khu nghỉ dưỡng Ana Mandara phải di dời trong năm 2021, những công trình còn lại không đúng quy hoạch tỉnh cũng sẽ thu hồi.
Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara nằm ở vị trí đắc địa, sầm uất nhất của tỉnh Khánh Hòa, với diện tích rộng hơn 26.000m2, kéo dài khoảng 400m và nằm sát bờ biển Nha Trang. Công trình này được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty TNHH thương mại và đầu tư Khánh Hòa (100% vốn Nhà nước) đầu tư xây dựng từ năm 1995, thời hạn thuê đất 22 năm.
Khu du lịch Ana Mandara che chắn hết tầm nhìn ra biển Nha Trang. |
Trước đó, tỉnh này cũng đã thu hồi 10.000m2 mặt nước biển vịnh Nha Trang ngay trung tâm thành phố thuộc khu Bãi Dương mà trước đây đã giao cho doanh nghiệp quản lý kinh doanh, để làm bãi tắm công cộng phục vụ người dân và du khách.
Đây là một phần diện tích mặt nước và bãi biển Nha Trang mà nhiều năm trước đây tỉnh đã cho Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa thuê sử dụng kinh doanh, phục vụ khách ở tại khu resort, khách sạn Ana Mandara và khu Evason Ana Mandara. Đến nay thời hạn cho thuê đã hết nhưng không được tỉnh cho gia hạn, doanh nghiệp cũng tự nguyện trả lại cho Nhà nước.
Mong muốn từ lâu của người dân
Chia sẻ về động thái thu hồi mặt nước biển và di dời các resort chắn biển của tỉnh Khánh Hòa, nhiều cán bộ hưu trí, người dân bày tỏ sự đồng tình và cho biết đây là mong muốn từ lâu của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa khẳng định, ông rất ủng hộ việc làm này của tỉnh. Theo ông, thời điểm này di dời là hợp lý, bởi vì đang trong tình hình dịch COVID-19, khách du lịch hiện rất thưa thớt nên việc di dời cũng sẽ dễ dàng hơn.
Một góc bãi biển TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. |
Nhưng ông cũng cho rằng, đối với một số công trình gọn nhẹ, không xây dựng kiên cố thì nên để cho tồn tại nhằm tô điểm thêm cho bãi biển Nha Trang. "Như tôi thấy bãi biển ở Singapore họ vẫn trải rộng ra, tới 7.000 khách, rồi ăn uống, nhảy hát. Đà Nẵng hay Hội An cũng làm như vậy và 4 - 5h sáng thì họ dọp dẹp sạch sẽ, gọn gàng bãi biển", ông Thành nói.
Ông Sỹ (trú phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang) cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với việc thu hồi diện tích mặt nước biển và di dời resort chắn biển của tỉnh. Ông cho rằng, đây là mong muốn từ rất lâu của người dân, cái gì thuộc về cộng đồng, thuộc về người dân thì phải trả về cho dân. Ông hy vọng lần này tỉnh Khánh Hòa sẽ làm dứt điểm. "Người dân rất đồng tình việc này, dù muộn còn hơn không nhưng cũng cần phải tiến hành di dời thật sớm chứ kéo dài 5, 7 năm nữa thì rất là mệt", ông nói.
Chia sẻ quan điểm về việc này, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc di dời các khách sạn, resort ven biển Nha Trang đã có chủ trương từ lâu và đến thời hạn thì phải di dời. "Khi công trình resort Ana Mandara bắt đầu hình thành, các anh ở tỉnh cũng khẳng định chỉ cho thuê đất 20 năm thôi, mà giờ đã quá thời hạn rồi thì năm nay tỉnh phải dứt điểm việc này, không được chần chừ nữa. Đây là thực hiện chủ trương chung cũng chính là mong muốn của tất cả mọi người dân ở Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Việc này đáng lẽ phải di chuyển từ lâu rồi nhưng giờ thực hiện dù muộn vẫn còn hơn không", ông Lộc bày tỏ.
Trong đô thị tuyệt đối không xây resort sát biển
Theo Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia từng tham gia quy hoạch nhiều đô thị trên thế giới, cho rằng, đối với khu đô thị biển như Nha Trang thì bãi biển phải là của chung, của cả cộng đồng và không nên để bất kỳ resort hay là công trình nào chiếm làm của tư hết. "Tức là bãi biển của TP nó phải là bãi biển công cộng hết toàn bộ luôn", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
KTS Ngô Viết Nam Sơn. |
Theo KTS, muốn xây dựng các resort, khách sạn sát ven biển phải chọn ở những khu vực xa TP, những khu vắng người. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, nếu làm resort sát biển thì cũng không nên nối đuôi nhau hàng km.
Ông dẫn chứng kinh nghiệm của quốc tế trung bình khoảng từ 200-400m phải có lối ra biển hay thậm chí phải có khu vực bãi biển công xen kẽ ở giữa để tránh tình trạng chiếm bãi biển thành của tư.
"Tình trạng này đã từng xảy ra ở Đà Nẵng chẳng hạn. Đi suốt từ Đà Nẵng chạy lên Ngũ Hành Sơn nối đuôi nhau hàng km toàn các resort tư nhân hết. Nếu làm như vậy thì không công bằng cho người dân bởi vì người dân không có lối ra biển. Thứ nữa, việc xây dựng như vậy làm cho cái khu vực phía Tây của con đường ven biển không phát triển được bởi vì hướng ra biển đã bị chắn rồi. Trong phát triển đô thị biển phải phân biệt thành bãi biển của TP nên là bãi biển công cộng. Bãi biển tư có thể cho phép ở khu vực ngoại vi của TP nhưng vài trăm mét phải có lối ra biển", KTS Sơn nói.
TP Nha Trang hiện có rất nhiều cao ốc, khách sạn gần biển. |
Vị chuyên gia quy hoạch đô thị này cũng cho rằng, khi phát triển các dự án ven biển, mà đặc biệt là ven biển tại trung tâm TP phải tuyệt đối tránh việc xây nhà cao tầng nối san sát nhau, tạo thành một bức tường chạy dọc theo ven biển.
"Điều này đang xảy ra ở nhiều nơi, ví dụ khu trung tâm TP Nha Trang. Tôi nghĩ các đô thị khác nên tránh tuyệt đối điều này, vì khi làm một bức tường cao ốc chắn như vậy sẽ khiến các khu vực phía sau của dãy cao ốc này mất hết giá trị. Xây cao ốc đi chăng nữa cũng phải có "khoảng thở". Tức là cao ốc này cách cao ốc kia bao nhiêu, phải có "khoảng thở" để có cơ hội xây cao ốc lùi vào phía trong. Như vậy xây cao ốc phía trong vẫn nhìn ra biển được", KTS Sơn nhấn mạnh.
THẾ QUANG
Ngày đăng: 14:00 | 18/03/2021
/ vtc.vn