Dịp may hiếm có khi chúng tôi được ông N.Enkhbayar - Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (từng giữ chức Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống Mông Cổ) mời dự Lễ hội đóng dấu ngựa tại tỉnh Khentii - quê hương của Thành Cát Tư Hãn.

“Ăn được món ăn Mông Cổ là anh hùng”

Rời thủ đô Ulan Bator về phía đông, vượt qua thảo nguyên mênh mông, khoảng hơn 300km, chiều tối chúng tôi đã có mặt tại thành phố Chingis (Chingis tiếng Mông Cổ có nghĩa là Thành Cát Tư) - Trung tâm của tỉnh Khentii, và là nơi khởi nghiệp của Thành Cát Tư Hãn.

kham pha le hoi dong dau ngua o que huong thanh cat tu han

Tiếng hát bay lên giữa đại ngàn như đưa chúng tôi trở về miền ký ức của người Mông Cổ xưa. Ảnh: Lê Chiên

Tiếp chúng tôi bữa tối hôm đó ngoài ông N.Enkhbayar, còn có một số thành viên chủ chốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ. Trong phòng ăn sang trọng của khách sạn Hoàng gia, nhân viên khách sạn đưa ra một set cừu và một set bò. Mỗi set được đặt trong một mâm lớn mạ vàng óng ánh, bốc khói nghi ngút, tỏa ra mùi ngầy ngậy, gây gây…Thật lòng chỉ ngửi tôi đã thấy… ngang dạ rồi; đặc biệt khi nhìn cái đầu cừu ở giữa mâm thì cái đói của tôi bỗng nhiên bay đi đâu hết, cho dù đã đi mấy trăm km chưa có gì bỏ bụng.

Ông N.Enkhbayar là người cởi mở và thân thiện. Chỉ vào mâm thịt cừu, ông cười rất hóm: “ăn được món ăn của Mông Cổ là người anh hùng”. Nhấp xong ly rượu, ông N.Enkhbayar cầm con dao ăn đưa cho bà Đại sứ (Việt Nam tại Mông Cổ) trịnh trọng nói: Mời bà Đại sứ cắt thịt cừu. Ông vừa hướng dẫn, vừa giải thích: Theo phong tục của người Mông Cổ trong những nghi lễ quan trọng, bao giờ món thịt cừu cũng phải có đầu cừu. Người nào được kính trọng nhất sẽ là người cắt thịt chia cho người khác. Điều làm tôi rất ngạc nhiên là dù có bát đũa, nhưng mọi người đều dùng hai bàn tay.

Thấy tôi tần ngần, ông N.Enkhbayar giải thích, đây là văn hóa của người Mông Cổ có từ xa xưa, xuất phát từ điều kiện sống du mục. Đến nay khi ăn thịt mọi người vẫn giữ thói quen dùng tay, còn việc dùng hai tay để nhận miếng thịt là thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với người trên. Và họ tin rằng, khi được nhận miếng thịt này sẽ mang lại sự may mắn cho họ.

Gần cuối bữa, ông N.Enkhbayar cầm miếng xương bả vai cừu giơ lên bẻ vụn. Ông nói, đây là thủ tục bắt buộc của người Mông Cổ khi ăn thịt cừu “để bí mật không bao giờ bị tiết lộ”.

Đóng dấu ngựa - Lễ hội linh thiêng

Theo lời ông N.Enkhbayar thì lễ hội đóng dấu ngựa chỉ cách thành phố Chingis khoảng 40 km, đi khoảng 30 phút là đến. Đến đây tôi mới hiểu vì sao giữa thảo nguyên mênh mông với hàng trăm con ngựa chăn thả tự nhiên mà ngựa của nhà này không bị lẫn sang nhà khác, và lý giải được vì sao vó ngựa của đội quân Thành Cát Tư Hãn năm xưa lại có thể tung hoành khắp năm châu.

kham pha le hoi dong dau ngua o que huong thanh cat tu han

Lùa ngựa để chuẩn bị trò bắt ngựa. ảnh: Lên Chiên

Ở đây, hầu như tất cả người Mông Cổ đều mặc trang phục truyền thống. Không khí trang trọng, linh thiêng ngập tràn giữa bạt ngàn nắng, gió. Chúng tôi được xem các loại yên ngựa, dấu ngựa cổ của các bộ tộc người Mông Cổ cách đây mấy trăm năm trước; được thưởng thức những bài hát cổ đặc trưng của dân du mục (hát bằng cổ họng). Tiếng hát cao vút theo gió bay lên giữa đại ngàn như đưa chúng tôi trở về miền ký ức của người Mông Cổ xa xưa...

Tiến sĩ T.Saipolda, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Mông Cổ, chuyên gia về ngành chăn nuôi kể: Tập quán đóng dấu ngựa có từ hàng nghìn năm trước. Khi con ngựa đến tuổi trưởng thành thì sẽ được đóng dấu. Đóng dấu ngựa không chỉ để phân biệt ngựa của nhà này với ngựa của nhà khác mà còn ghi nhận việc ngựa con đã trưởng thành; ghi nhận thành quả của việc chăm sóc, nuôi dưỡng ngựa và khẳng định sự gắn bó của ngựa với chủ.

Nâng chiếc dấu ngựa bằng hai tay, với vẻ mặt trân trọng, tiến sĩ T.Saipolda nói tiếp, mỗi gia đình sở hữu một loại dấu (dấu ngựa được làm bằng sắt có hình dạng, kích cỡ khác nhau), bởi vậy dấu ngựa có đến 3.000 loại. Dấu ngựa được người Mông Cổ coi như báu vật linh thiêng. Sau khi hoàn thành việc đóng dấu cho ngựa thì dấu ngựa được vệ sinh sạch sẽ, treo lên vị trí trang trọng trong nhà, tuyệt đối không được để xuống đất…Bà Đại sứ được mời đóng dấu cho con ngựa đầu tiên, lễ hội đóng dấu ngựa chính thức bắt đầu (trước đây dấu ngựa được nung đỏ rồi dí vào mông ngựa, tạo thành vết bỏng theo hình con dấu; nay dùng phương pháp áp lạnh, tạo nên vết bỏng lạnh).

Cao trào của lễ hội là trò bắt ngựa. Đàn ngựa được lùa vào một khu vực quây sẵn; những thanh niên tham gia bắt ngựa đứng dọc hai bên tạo thành một lối, tay cầm dây thòng lọng làm bằng da ngựa hoặc những cần tre ở đầu buộc dây thòng lọng.

Khi ngựa bị mắc vào thòng lọng dù người có bị ngựa kéo lê hàng trăm mét, quăng quật trong cát bụi nhưng không ai bỏ cuộc, họ vẫn ghì chắc dây thòng lọng cho đến khi con ngựa bị họ khuất phục dừng lại. Và phần thưởng của họ là tiếng reo hò, cổ vũ.

Chứng kiến những cuộc vây bắt ngựa, tôi như lạc vào những câu chuyện truyền thuyết về đội quân Nguyên Mông giương cung cưỡi ngựa như bay trên thảo nguyên; như gặp những nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung…Chỉ khi thấy chiếc xe máy của một thanh niên rẹt qua lùa ngựa, tôi mới mới tỉnh ra mình đang ở thế kỷ 21.

kham pha le hoi dong dau ngua o que huong thanh cat tu han Mông Cổ: Vùng đất của những chuyến đi để đời!

Nơi những người dân du mục cuối cùng còn sống sót, những đồng cỏ xanh ngút ngàn, cuộc sống hoang dã thú vị... là tất ...

kham pha le hoi dong dau ngua o que huong thanh cat tu han Tại sao Mông Cổ giữ bí mật về khu lăng mộ Thành Cát Tư Hãn

Trong khi khu lăng mộ của đại chiến binh kiêu hùng nhất Mông Cổ có khi đang lưu giữ nhiều kho báu trên khắp đế ...

kham pha le hoi dong dau ngua o que huong thanh cat tu han Hậu duệ Thành Cát Tư Hãn qua lời kể của chàng trai Việt

Độc giả Nguyễn Văn Quỳnh (27 tuổi), sống tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, chia sẻ với Zing.vn về cuộc sống của anh cũng như nhiều người ...

Ngày đăng: 09:21 | 18/02/2018

/ Dân Việt