Bệnh viện Bạch Mai vừa phân cấp mức giá một số dịch vụ khám chữa bệnh. Khám giáo sư có giá cao nhất, 550 nghìn đồng mỗi lượt.

Bệnh viện Bạch Mai vừa phân cấp mức giá một số dịch vụ khám chữa bệnh. Khám giáo sư có giá cao nhất, 550 nghìn đồng mỗi lượt.

Giá điều trị cao nhất là nằm buồng chăm sóc toàn diện một giường, 3,3 triệu đồng mỗi ngày. Chăm sóc toàn diện tức là nhân viên y tế sẽ lo hết, thậm chí từ cho bệnh nhân ăn, đánh răng, rửa mặt, gội đầu, tắm, đổ bô, lau chùi, nói chuyện, động viên, chẳng thiếu việc gì, đảm bảo sạch sẽ, chất lượng, chuyên nghiệp. Gia đình chỉ tham gia để chia sẻ tình cảm.

Hình thức phân cấp các mức giá dịch vụ y tế khá mới trong các bệnh viện công tại Việt Nam dù đã phổ biến tại nhiều nước. Ví dụ ở Mỹ, tôi xem bảng giá tại một trung tâm y tế, ca siêu âm ổ bụng, tùy theo chất lượng máy và năng lực bác sĩ, có nhiều mức giá khác nhau, từ 37 USD đến hơn 1.600 USD.

Nhưng ở Việt Nam, việc "phân cấp" giá khám, chữa tại "bệnh viện nhà nước" như Bạch Mai chưa được công chúng ủng hộ.

Gần 30 năm trong nghề, bằng quan sát và trải nghiệm, tôi nhận thấy, hệ thống y tế cào bằng của chúng ta thường đi kèm với những rủi ro rất lớn, thậm chí có khi khiến người bệnh phải trả giá rất đắt.

Ví dụ về ca bệnh tôi mới khám cho một phụ nữ ở quê lên Hà Nội. Chị bị đau bụng dai dẳng vùng hố chậu phải suốt ba năm. Lần đầu đi khám, bác sĩ nghi chị bị viêm ruột thừa. Những lần sau, chị tới nhiều bệnh viện lớn, khám đủ chuyên khoa, làm đủ các xét nghiệm và chụp chiếu, đều không tìm ra căn nguyên.

Sau khi dành hàng tiếng đọc lại xấp giấy tờ rất dày chị mang đến, tôi quyết định sử dụng máy siêu âm tốt nhất. Máy có giá khoảng 5 tỷ đồng chứ không phải loại máy phổ biến 500 triệu đồng, và mức giá siêu âm cũng gấp khoảng 5 lần mức giá thường. Sau 30 phút siêu âm kỹ, tôi phát hiện dây chằng tử cung phần phụ bên phải bị xơ hóa do tuổi. Nó giằng kéo tử cung và âm đạo gây đau khi quan hệ vợ chồng, co kéo và chèn vào bàng quang làm đau, đi tiểu nhiều lần. Nó còn xung đột với đại tràng Sigma đi vòng bên phải, làm bệnh nhân đau đớn và sợ đi ngoài.

Gần một tiếng siêu âm và tư vấn đã giúp bệnh nhân cắt cơn đau dai dẳng và cả chuỗi ngày đi khắp các bệnh viện tìm thầy tìm thuốc với giá dịch vụ khá rẻ, nhưng tổng chi phí lại rất lớn.

Thực tế, với mức giá siêu âm theo quy định là 43 ngàn đồng một lần ở các bệnh viện công, bệnh nhân chỉ được siêu âm bằng máy chất lượng thấp, thời gian thực hiện kỹ thuật không quá 5 phút. Khi đó, bác sĩ lấy mục tiêu là căn bệnh cụ thể, cố gắng tìm những tổn thương chính để củng cố chẩn đoán, không đủ thời gian để phát hiện những mầm bệnh mới chớm.

Tôi biết đội ngũ y tế ở Việt Nam rất giỏi, nhưng bác sĩ giỏi của chúng ta mới chỉ dừng ở mức phát hiện và chữa được những bệnh nan y. Để trở thành bác sĩ xuất sắc, nghĩa là chẩn đoán được những người sắp có bệnh và chữa cho họ trở thành không có bệnh, đòi hỏi phải có sự cải cách y tế.

Một chìa khóa quan trọng của cải cách, theo tôi, là thay đổi cơ chế chính sách, đảm bảo trả thù lao cho nhân viên y tế đúng với cống hiến của họ.

Triết gia và cũng là cha đẻ kinh tế học Adam Smith từng nói rằng, bác sĩ nên được trả thù lao rất cao trong xã hội, vì sức khỏe là thứ quý nhất người bệnh giao vào tay họ. Tôi thấy ở Mỹ, châu Âu hay ở Nhật và Hàn Quốc, nhân viên y tế được trả lương cao nhất. Họ không phải lo nghĩ về tiền bạc. Bác sĩ là nhóm người giàu có và được tôn trọng, thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội.

Ở Việt Nam, nói đến thu nhập của bác sĩ, chúng ta nghĩ ngay đến tệ nạn phong bì, hay việc chỉ định xét nghiệm và chụp chiếu không cần thiết. Tôi đến nhiều bệnh viện tuyến dưới thấy khá vắng bệnh nhân. Ngược lại, người dân xếp hàng dài nơi quầy đăng ký ở các bệnh viện lớn. Họ đợi hàng giờ trước cửa phòng khám, cuối cùng chỉ được gặp bác sĩ hai, ba phút, rồi cầm về một cái đơn có rất nhiều thuốc trong sự hoang mang.

Vậy nhưng, đồng nghiệp của tôi ở tuyến dưới phải vất vả bươn chải kiếm sống, ở tuyến trên lại không hài lòng với công việc và thu nhập. Ai cũng cảm thấy nghề của mình bị coi thường và phải đối diện với sự rủi ro rất cao.

Nếu không có sự phân cấp "thứ bậc" rõ rệt giữa các khu vực, trong khi nguồn lực y tế lại tập trung, sẽ dẫn tới tình trạng bệnh nhân tiếp tục đổ xô đến các bệnh viện lớn, dù không bệnh nặng nhưng vẫn cố tìm đến các chuyên gia nổi tiếng. Đó là lý do 45% các bệnh viện hạng I đang quá tải nghiêm trọng, người bệnh ở đó chỉ được khám qua loa, trong khi 55% bệnh viện hạng II không có bệnh nhân nhưng vẫn chịu áp lực rất cao vì người bệnh đòi chuyển tuyến.

Bác sĩ là một nghề đặc biệt, phải chăm chỉ học tập và rèn luyện hơn 10 năm mới tạm coi là đủ kiến thức, đủ đạo đức, đủ thận trọng; từ đó mới được phép thực hành khám chữa bệnh độc lập. Nhưng trong hệ thống y tế cào bằng, số bệnh nhân luôn rất lớn, công việc quá tải, tinh thần căng thẳng, rất khó tránh sai sót, để xảy ra tai biến.

Nền Y tế hôm nay đang thực hiện tự chủ, nghĩa là các bệnh viện công phải đối mặt với vấn đề không được ngân sách chi trả, trong khi bảo hiểm y tế hỗ trợ không đủ, giá dịch vụ y tế đổ đồng với mức thấp, đó là thách thức rất lớn với bất cứ bệnh viện nào. Thực tế, mổ ruột thừa cũng phải bù lỗ. Một ca mổ nội soi ruột thừa có giá khoảng 2,5 triệu đồng. Để tồn tại, các bệnh viện phải dựa vào việc kê đơn thuốc quá mức kèm thực phẩm chức năng, mua sắm thiết bị rẻ tiền, tăng sử dụng vật tư tiêu hao, chấp nhận hạ chất lượng dịch vụ để tăng số bệnh nhân.

Tôi cho rằng, thực hiện cải cách y tế tức phải nhìn thấy bác sĩ, bên cạnh bệnh nhân, là hạt nhân thúc đẩy cải cách. Ưu tiên trước nhất là thiết lập hệ thống tổ chức khoa học nhằm huy động tối đa nhiệt huyết, cải thiện thu nhập cũng như địa vị xã hội của bác sĩ.

Một hệ thống y tế có sự "phân cấp" giá dịch vụ hợp lý là tiền đề đảm bảo bác sĩ có thu nhập cao và hợp pháp. Nhưng thu nhập đó phải đến từ chuyên môn, kỹ năng chẩn đoán và điều trị, chứ không phải dựa vào việc bán thuốc kèm thực phẩm chức năng, càng không thể dựa vào việc khám chữa quá nhiều bệnh nhân.

Và trong sự phân cấp đó, người bệnh muốn khám giá rẻ vẫn có lựa chọn đảm bảo chất lượng của mình chứ không bị gạt ra ngoài lề.

Đúng là có tồn tại một số bác sĩ đại gia, nhưng con số đó rất ít, ở vài bệnh viện lớn, ngược lại với số đông bác sĩ trên cả nước. Khi nào vẫn còn nghịch lý nhân viên y tế so sánh mức lương với công nhân, nông dân, thậm chí với cả lao động phổ thông, cái giá mà người bệnh phải trả sẽ còn đắt. Bác sĩ sống không thoải mái với thu nhập của mình thì người bệnh cũng chẳng thể vui.

Nếu bảo hiểm y tế đưa ra nhiều gói định mức, dịch vụ y tế cũng đưa ra nhiều nấc giá khác nhau, từ mức thấp như khám chữa bệnh thường quy, đến mức cao gấp hàng chục lần như khám hội chẩn và điều trị chuyên gia, thậm chí gấp vài chục lần với chuyên gia cao cấp và thiết bị đặc biệt, thì đó là cách cung cấp sự lựa chọn tốt nhất cho người bệnh. Cũng bằng tư duy không cào bằng, người bệnh và nhân viên y tế mới được đảm bảo quyền lợi, nền y tế mới thực sự mở được cánh cửa mang tên cải cách.

Trần Văn Phúc

Bệnh viện Bạch Mai bị Bệnh viện Bạch Mai bị "tuýt còi" tăng giá dịch vụ
Từ 4-5, bệnh viện Bạch Mai bắt đầu nhận khám trở lại nhưng vẫn hạn chế số lượng Từ 4-5, bệnh viện Bạch Mai bắt đầu nhận khám trở lại nhưng vẫn hạn chế số lượng
Được gỡ phong tỏa nhưng phải tới đầu tháng 5-2020, bệnh viện Bạch Mai mới khám ngoại trú trở lại Được gỡ phong tỏa nhưng phải tới đầu tháng 5-2020, bệnh viện Bạch Mai mới khám ngoại trú trở lại

Ngày đăng: 09:44 | 15/03/2021

/ vnexpress.net