Về lâu dài, khi nhu cầu ethanol tăng cao, Việt Nam có thể cân nhắc đến việc nhập khẩu ethanol.
Lãnh đạo Bộ Công thương vừa có những chỉ đạo được coi chuẩn bị \'chạy nước rút\' cho việc khai tử xăng A92 vào đầu năm 2018, thay vào đó là xăng sinh học E5.
Trong đó, Bộ yêu cầu Vụ thị trường trong nước phối hợp với Bộ Tài chính, khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá để đảm bảo mức hấp dẫn sử dụng nhiên liệu sinh học E5 RON92; nghiên cứu cơ chế về thuế đối với nguồn ethanol nhiên liệu E100, đảm bảo chênh lệch giá của E100 nhập khẩu cao hơn 5-7% so với E100 sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, nguyên Giám đốc Nhà máy ethanol Đại Việt (Đắk Nông) đánh giá, nếu mục tiêu kể từ ngày 1/1/2018 chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 thành hiện thực thì đây sẽ là cơ hội để vực dậy các nhà máy sản xuất ethanol đang bên vờ vực phá sản của Việt Nam.
Thay thế xăng A92 bằng xăng E5 là cơ hội để nhà máy ethanol Dung Quất hồi sinh. Ảnh: Dân trí |
"Hàng loạt nhà máy ethanol đang đắp chiếu là do không tìm được đầu ra, ethanol sản xuất ra không có người mua.
Nếu xăng E5 được đưa vào sử dụng đại trà thay cho xăng A92 sẽ không thiếu các nhà đầu tư đủ năng lực đứng ra vận hành các bộ máy này.
Bởi có nhà máy rồi, quan trọng nhất là đầu ra, mà đầu ra tốt không có lý do gì không vận hành nhà máy. Chẳng qua bây giờ sản xuất ra, giá bán sản phẩm thấp, đương nhiên chẳng ai dại gì ôm những nhà máy đó", ông Toàn lý giải.
Tuy nhiên, điều quan trọng được ông Toàn lưu ý, đó là dẫu khai tử xăng A92 nhưng người tiêu dùng có nồng nhiệt đón nhận xăng E5 hay không, hay lại chuyển sang xăng A95.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nguyên Giám đốc Nhà máy ethanol Đại Việt chưa thể dự báo các nhà máy ethanol trong nước có thể đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người tiêu dùng.
"Tại thời điểm này, nếu đưa vào sử dụng, các nhà máy ethanol đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân.
Sau này khi nhu cầu của người dân tăng lên thì nhà máy cũng sẽ tăng công suất, Việt Nam còn nhiều nhà máy chưa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào sự đón nhận của người tiêu dùng", ông Toàn nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Trọng Toàn cũng đặt ra khả năng Việt Nam có thể phải nhập khẩu ethanol trong tương lai nếu xăng E5 được sử dụng thay thế hoàn toàn xăng A92 và các nhà máy trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu hoặc việc nhập khẩu có lợi hơn cho người tiêu dùng.
"Hiện ở nhiều nước trên thế giới, chi phí sản xuất ethanol rẻ hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Nguồn nhập khẩu thì có nhiều, quan trọng là giá phù hợp và chấp nhận được.
Chẳng hạn, ethanol của Brazil luôn có giá tốt nhất, cạnh tranh nhất do nguồn nguyên liệu rẻ, sản xuất với quy mô lớn, chi phí sản xuất thấp. Nếu muốn mua với số lượng lớn thì Việt Nam nên mua từ Brazil.
Ethanol Pakistan cũng có giá hợp lý, dẫu không thể so với Brazil nhưng gần hơn. Thái Lan thì khó vì trước nay Việt Nam xuất đi Thái Lan khá nhiều, giá rất tốt", ông Nguyễn Trọng Toàn đánh giá.
Riêng đối với Trung Quốc, đây là nước sản xuất xăng sinh học rất lớn, tuy nhiên nguyên Giám đốc Nhà máy ethanol Đại Việt khẳng định Trung Quốc không phải là thị trường nhập khẩu ethanol tốt của Việt Nam.
"Dẫu gần Việt Nam nhưng giá ethanol của Trung Quốc không hề rẻ. Quan trọng là chi phí sản xuất mỗi lít ethanol như thế nào.
Hiện số lượng nhà máy sản xuất ethanol của Trung Quốc đã bị giới hạn rất nhiều so với trước.
Những nhà máy nhỏ, không đảm bảo về môi trường gần như đã bị chính phủ nước này cho dừng hoạt động. Chỉ có những nhà máy hoạt động với quy mô lớn, đảm bảo về môi trường thì mới được mở rộng, phát triển.
Cách đây hơn 1 năm, vào thời điểm tôi còn làm trong ngành, giá tiêu thụ ethanol tại Trung Quốc cao hơn giá ở Việt Nam gần 4.000 đồng/lít vì họ đánh thuế nhập khẩu ethanol rất cao. Tổng cộng thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng mặt hàng này đã chiếm 17% giá thành.
Gần như Trung Quốc bảo trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Họ khuyến khích nhập nguyên liệu chứ không khuyến khích nhập thành phẩm", ông Toàn chỉ rõ.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Trọng Toàn một lần nữa khẳng định, đến thời điểm này, việc nhập khẩu ethanol hoàn toàn chưa cần tính tới bởi nếu vận hành các nhà máy ethanol, Việt Nam sẽ dư rất nhiều.
Bài toán đặt ra sau đó là bài toán về nguyên liệu. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn lát chính của Việt Nam, nếu các thương lái Trung Quốc tăng giá nhập sắn lên thì lúc đó doanh nghiệp Việt Nam lại bị khó ở khâu cạnh tranh.
Trở lại với việc đưa xăng E5 vào sử dụng thay cho xăng A92, theo ông Nguyễn Trọng Toàn, để người tiêu dùng chấp nhận một cách tự nguyện xăng sinh học, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân.
Đặc biệt, Nhà nước cần giảm mạnh thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5 vì loại xăng này góp phần bảo vệ môi trường và quyền lợi ấy phải thuộc về các nhà sản xuất ethanol.
(http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/khai-tu-xang-a92-co-cuu-duoc-nha-may-ethanol-thua-lo-3344123/)
Khởi động lại nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước và Dung Quất
Để đảm bảo kế hoạch thay thế hoàn toàn xăng RN 92 bằng xăng E5 từ ngày 1-1-2018 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ... |
Năm ngày ba người Hà Nội liên tiếp tử vong do uống rượu methanol
Trong gần một tuần, ba người bị ngộ độc rượu methanol lần lượt được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng ... |
VPI tăng hiệu suất tạo thành methanol bằng lò phản ứng xúc tác kết hợp màng NaA
Kết quả nghiên cứu “Áp dụng lò phản ứng xúc tác kết hợp màng NaA cho quá trình tổng hợp methanol từ phản ứng hydro ... |
PVN đẩy mạnh xử lý các dự án chưa hiệu quả
Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã quyết định thành lập các Tổ công tác trực tiếp xử lý các dự án ... |
Ngày đăng: 12:53 | 02/10/2017
/ Theo Thành Luân/Báo Đất việt