Đã rất bức xúc vì mảnh đất hơn 54.000m2 bị thu hồi, không được đền bù dù đã có kết luận của các cơ quan chức năng thì những người đi khiếu kiện ở phường 11 (TP.Vũng Tàu) bất ngờ bị cơ quan công an điều tra vì nghi là “lợi dụng chức vụ quyền hạn”.
Khu vực đất đang bị khiếu nại. Ảnh: H.A.C |
Khai hoang 30 năm trước - nay bị nghi “bao chiếm đất” nhà nước
Như Lao Động đã thông tin từ hai số báo trước về câu chuyện 15 cụ hưu trí ở phường 11, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã đệ đơn khiếu kiện nhiều nơi khi mảnh đất hơn 54.000m2 đất khai hoang từ năm 1988 bị thu hồi. Cho đến khi các cơ quan chức năng đã thống nhất phương án đền bù; Văn phòng Chính phủ đã 5 lần cho ý kiến chỉ đạo, và mới nhất là văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 7.6.2017. Tuy nhiên, UBND tỉnh BR-VT đã không giải quyết, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ.
Thông tin dự án. Ảnh: H.A.C |
Theo các tài liệu mà Lao Động có trong tay, ngày 4.3.2013, Ủy ban nhân dân tỉnh BR-VT có Công văn 1237/UBND-VP gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ TNMT có nêu “tình tiết mới” của vụ việc. Trong đó có những “điểm mới” về thân nhân của 15 người trong “tổ hưu trí”. Theo công văn thì tại thời điểm 1989 trong số 15 người được giao đất, có 7 người là cán bộ phường Phước Thắng, bao gồm Bí thư, Phó Chủ tịch, thường trực Đảng ủy, phường đội trưởng, ủy viên thư ký phường. Trong số này có ông Hoàng Thọ - lúc đó là Bí thư phường.
UBND tỉnh cho rằng: “Việc sử dụng đất của ông Hoàng Thọ cũng như một số thành viên chủ chốt khác của phường 11 tạo ra dư luận nhân dân phường 11 cho rằng họ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao chiếm đất của Nhà nước để hưởng lợi.
Trao đổi với Lao Động, ông Huỳnh Văn Tiến - một trong 15 người dân khiếu kiện - cho rằng nhận định này chẳng khác nào cố tình không bồi thường cho chúng tôi mà còn gắn thêm tội để chúng tôi nhụt chí không đòi hỏi nữa. “Thời điểm 1985, Luật Đất đai đã cụ thể hóa lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước kêu gọi người dân trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Luật cho phép giao đất trống cho cả công nhân, viên chức sản xuất không hạn chế về diện tích mà căn cứ vào khả năng sử dụng để trồng cây gây rừng và chăn nuôi. Vậy sao tỉnh BR-VT lại cho rằng một số thành viên trong nhóm hưu trí đã lợi dụng chức vụ quyền hạn bao chiếm đất của Nhà nước để trục lợi. Thời điểm chúng tôi được giao đất (1989) thì đất đai Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất đâu mà nói chúng tôi lợi dụng chức vụ quyền hạn. Diện tích chúng tôi đòi bồi thường là do chính sách của Đảng và Nhà nước thay đổi để mọi người dân đang sử dụng đất được hưởng lợi”.
Hơn nữa, theo ông Tiến, tại sao trong 10 năm khiếu nại, việc một số người trong chúng tôi từng là cán bộ phường ở thời điểm giao đất sao không điều tra mà giờ đây đưa cảnh sát điều tra vào cuộc?
Trên thực tế “phát hiện mới” này của UBND tỉnh BR-VT tại Công văn 1237 cũng bị Bộ TNMT bác bỏ tại Công văn 2583 ngày 8.7.2013 và “giữ nguyên quan điểm như đã báo cáo Thủ tướng trước đây”.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ với Thủ tướng ngày 6.9.2013 cũng cho rằng văn bản 1237 của BR-VT không có tình tiết mới và đề nghị UBND tỉnh BR-VT tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng (trong văn bản 6406 ban hành ngày 4.9.2011).
Dù vậy, 4 năm sau, tức là tại cuộc họp giữa Bộ TNMT và Thường trực Tỉnh ủy BR-VT ngày 23.3.2017, câu chuyện những người dân đi khai hoang 30 năm trước bị cho rằng “lợi dụng chức vụ quyền hạn” được xới lên để cảnh sát điều tra vào cuộc.
Ông Nguyễn Văn Ký, 86 tuổi, đang sống hàng chục năm trên mảnh đất bị thu hồi. Ảnh: H.A.C |
Mất ăn mất ngủ vì bị điều tra
Trao đổi với Báo Lao Động chiều 23.10, ông Tiến cho biết thêm: “Trong tháng 10.2017, công an đã đến nhà tôi làm việc để xác minh dấu hiệu lợi dụng chức quyền. Trong khi thực tế vào thời điểm đó, đất chúng tôi xin được cơ quan nhà nước cấp, chúng tôi khai hoang, trồng cây, nộp thuế đầy đủ, đến nay Nhà nước thu hồi lại còn chưa được bồi thường đồng nào thì sao mà chúng tôi lợi dụng chức quyền được, chúng tôi chịu thiệt thòi quá! Không chỉ vậy, bỗng dưng gia đình chúng tôi đang yên ổn thì công an tới làm việc, tôi cảm thấy bị “áp lực” thần kinh. Sự việc khiến chúng tôi suy nghĩ, nhiều đêm mất ngủ do còn dư luận của hàng xóm dị nghị, tự nhiên nhà ông Tiến có công an tới làm việc… đã ảnh hưởng tới danh dự của chúng tôi.
Còn ông Nguyễn Văn Tổng (78 tuổi) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, ông nhiều lần bị tai biến phải nằm nhà nhưng cũng “lao đao” vì thư mời của Cơ quan Công an. Ông Tổng cho biết: “Tôi đã hai lần được công an mời làm việc, nhiều người khác cũng được mời nữa, công an hỏi về nguồn gốc đất chúng tôi đang khiếu nại và còn hỏi cả nhân thân của tôi nữa, khiến chúng tôi rất bức xúc”.
Chiều 23.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT - cho biết: Đây là vụ việc rất phức tạp và chúng tôi làm việc có cơ sở, theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy BR-VT.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về kết quả xử lý khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tổng và 14 hộ dân tại P.11 (TP.Vũng Tàu) thì ông Tịnh cho biết: Vụ việc phải tiếp tục chờ đợi, Thanh tra tỉnh đang làm việc và hồ sơ cũng đã giao cho Cơ quan Điều tra, khi có kết quả sẽ thông báo. Đối với các chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết vụ việc, ông Tịnh cho biết vẫn đang thực hiện nhưng phải thực hiện đúng luật, do vụ việc có dấu hiệu vi phạm nên chúng tôi phải tích cực làm rõ để báo cáo Chính phủ - ông Tịnh cho biết. Đối với dự án Sài Gòn Atlantis Hotel, ông Tịnh cũng cho biết đang tiếp tục triển khai xử lý. Chúng tôi đang có phương án để giải quyết khó khăn do họ thiếu năng lực.
Chủ tịch Đà Nẵng nói về sai phạm trong quản lý đất đai
Ông Thơ nhìn nhận: \'Sự việc xảy ra rồi, xử lý rồi nhưng người đứng đầu cũng bị xử lý nặng. TP chúng ta còn ... |
Những dự án nào tại Sơn Trà sẽ bị \'thanh tra toàn diện\'?
Tổng cộng có 18 dự án sẽ được ngành chức năng liên quan “thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp ... |
http://laodong.vn/phap-luat/khai-hoang-dat-da-khong-duoc-boi-thuong-con-bi-moi-lam-viec-571765.ldo
Ngày đăng: 10:30 | 24/10/2017
/ Hà Anh Chiến - Minh Thành/Báo Lao động