Mỹ từng bắt giám đốc điều hành IMF nhưng họ không hành động âm thầm như cách Trung Quốc xử lý vụ chủ tịch Interpol.
Mạnh Hoành Vỹ tại cuộc họp của Interpol tại Pháp tháng 3/2017. |
Một năm trước, Chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vỹ lắng nghe Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong một cuộc họp của tổ chức rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trong việc thực thi pháp luật toàn cầu. Trung Quốc là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới và "tuân theo các quy tắc quốc tế", ông Tập nói.
Giờ đây ông Mạnh đã bị bắt vì cáo buộc tham nhũng. Trung Quốc không đưa ra chi tiết về cáo buộc sai phạm hay cho biết những hành vi đó diễn ra trước hay sau khi ông được bầu làm chủ tịch Interpol năm 2016.
Để giải thích cho việc bắt Mạnh Hoành Vỹ, Global Times, được quản lý bởi báo đảng People\'s Daily đã đăng bài viết nhấn mạnh ngoài vị trí chủ tịch Interpol, ông Mạnh còn là thứ trưởng công an Trung Quốc, chịu sự giám sát của Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan chống tham nhũng. "Vị trí của ông tại Interpol không phải là lá chắn để trốn tránh luật pháp Trung Quốc", bài viết trên Global Times có đoạn.
Tờ này nhắc đến việc giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn năm 2011 bị cảnh sát Mỹ bắt vì cáo buộc tấn công tình dục người dọn phòng Nafissatou Diallo trong khách sạn ở khu trung tâm Manhattan. "Kahn khi đó được coi là ứng viên sáng giá cho vị trí tổng thống Pháp, vì thế vụ kiện thậm chí còn ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử. Cảnh sát Mỹ bắt ông ấy mà không xem xét vị trí cao cấp của ông ấy trong IMF", Global Times viết.
Tuy nhiên, Michael Caster, nhà nghiên cứu sống ở Bangkok, nhận xét rằng trường hợp của Strauss-Kahn và Mạnh Hoành Vỹ không giống nhau. "Vụ Strauss-Kahn được xử lý một cách rõ ràng, khác với cách hành động của Trung Quốc", ông đánh giá.
Strauss-Kahn bị cảnh sát Mỹ bắt vào ngày 14/5/2011 khi chuẩn bị lên máy bay về Paris và Washington đã thông báo với IMF. Ông bị khởi tố vào ngày 18/5/2011, được tại ngoại với số tiền bảo lãnh là một triệu USD. Ông bị quản thúc trong một căn hộ ở New York. Strauss-Kahn từ chức tại IMF vào ngày bị khởi tố.
Strauss-Kahn bị buộc tội vào ngày 6/6/2011 nhưng không nhận tội. Cuối tháng 6/2011, New York Times đưa tin vụ kiện có thể bị hủy vì độ tin cậy của lời khai nạn nhân. Cảnh sát New York nói rằng cô đã nhiều lần nói dối kể từ khi đưa ra tuyên bố đầu tiên.
Diallo sau đó thừa nhận nói sai thông tin nhưng đổ lỗi cho người phiên dịch. Strauss-Kahn ngừng bị quản thúc tại gia vào ngày 1/7/2011. Công tố viên đệ đơn hủy các cáo buộc chống lại Strauss-Kahn với lý do lời kể của bị can đáng nghi và bằng chứng không đủ thuyết phục. Thẩm phán thông qua yêu cầu này vào ngày 23/8/2011.
Strauss-Kahn một tháng sau đó thừa nhận hành vi của mình với Diallo "không phù hợp" nhưng không có ép buộc hay bạo lực. Diallo tiếp tục đệ đơn kiện dân sự đòi Strauss-Kahn bồi thường. Ông dàn xếp với cô này bằng một khoản tiền không tiết lộ.
Trong khi đó, ông Mạnh đã bị cho là "mất tích" trong vài ngày vì Trung Quốc giữ im lặng về tung tích của ông. Vợ ông Mạnh thông báo với giới chức Pháp và tổ chức họp báo về việc chồng biến mất. Interpol cũng không có thông tin, khiến Tổng thư ký Interpol Juergen Stock phải gửi yêu cầu để Trung Quốc thông báo về tình trạng Mạnh Hoành Vỹ. Vài ngày sau khi truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ, Trung Quốc mới thừa nhận họ đã bắt ông và nộp đơn từ chức của ông cho Interpol.
Tháng 1/2013, khi mới đảm nhận vị trí tổng bí thư Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên bố rõ ràng rằng "lồng sắt" các quy định phải được xây dựng để ngăn cản lạm dụng quyền lực. Sau đó, ông khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng đả hổ diệt ruồi, khiến một loạt quan chức cấp cao ngã ngựa.
Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc có quy trình Lưu trí, tức là các điều tra viên có quyền triệu tập thẩm vấn bất cứ cá nhân nào bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng, bao gồm những đối tượng bị tình nghi đưa và nhận hối lộ. Sau khi thẩm vấn, NSC được phép bí mật giữ nghi phạm tham nhũng trong ba tháng để điều tra và có thể gia hạn thêm ba tháng. Điều tra viên cũng có thể đóng băng tài sản và lục soát nơi ở, nơi làm việc của nghi phạm mà không cần lệnh từ tòa án hay viện kiểm sát.
Vì vậy, Trung Quốc giải thích rằng việc họ âm thầm bắt ông Mạnh là hoàn toàn đúng luật. Trong khi đó, nhiều chuyên gia chỉ trích việc họ không thông báo cho Interpol. "Hành động này là không tôn trọng Interpol", Bruno Min, cố vấn chính sách cao cấp tại Fair Trials, nhóm nhân quyền có trụ sở tại Anh, bình luận.
Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng Lưu trí là biện pháp cần thiết để các cuộc điều tra chống tham nhũng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Nicholas Bequelin, từ tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại NSC có thể lạm dụng quyền hạn và áp dụng các biện pháp cực đoan để buộc nghi phạm nhận tội.
"Họ nói rằng chống tham nhũng là nhốt sức mạnh vào một cái lồng", Luo Changping, cựu phóng viên điều tra tham nhũng Trung Quốc nói. "Nhưng ai sẽ giám sát hành động của cơ quan chống tham nhũng và trông chừng cái lồng? Đó là vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết".
Trong khi đó, Global Times cho rằng truyền thông phương Tây thổi phồng sự kiện và không tôn trọng sự khác biệt giữa luật pháp Trung Quốc và phương Tây.
New York Times đánh giá với vụ bắt ông Mạnh, Trung Quốc đã tự giáng đòn vào nỗ lực chứng minh họ sẵn sàng đảm nhận những vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề toàn cầu.
"Hãy tưởng tượng tổng thư ký Liên Hợp Quốc là người Trung Quốc và một ngày ông ấy đột nhiên biến mất", Caster nói. "Việc Trung Quốc sẵn sàng hành động vượt ra ngoài quy trình tiêu chuẩn quốc tế thực sự đáng lo ngại".
Cựu chủ tịch Interpol - từ người săn cáo đến con cáo bị săn
Cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoằng Vĩ, người từng gây lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng Interpol cho chiến dịch “săn cáo” chống ... |
Cái giá Trung Quốc có thể phải trả khi âm thầm bắt Chủ tịch Interpol
Việc bí mật bắt Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ để điều tra có thể hủy hoại thể diện và nỗ lực vươn ảnh hưởng ... |
Ngày đăng: 12:30 | 09/10/2018
/ VnExpress