Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 25/9 với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”, nhìn nhận lợi thế cũng như những bất cập của khu vực này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Không thể phát triển được khi mà cơ cấu kinh tế bị không gian địa lý chia cắt, vẫn tồn tại “tinh thần” cục bộ địa phương, mạnh ai nấy chạy.
Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế hợp tác phát triển du lịch trực tuyến |
Sẽ mất một tháng để sửa cáp quang biển Việt Nam đi quốc tế |
Khu đô thị mới của Đà Nẵng (Ảnh: dulichvietnam.com.vn). |
Miền Trung, với không gian địa lý tính từ Bắc vào Nam bắt đầu từ Thanh Hóa và kết thúc ở Bình Thuận. Dải đất miền Trung dằng dặc là một dọc duyên hải với rất nhiều tiềm năng, về kinh tế biển, về phát triển đô thị, xây dựng những khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, cảng biển, du lịch...
Những năm qua, miền Trung đã có những bước tiến, đời sống người dân được cải thiện, đô thị sầm uất hơn, điển hình là Đà Nẵng với danh hiệu là “thành phố đáng sống”.
Nhưng thực tế thì tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm, nhiều người dân miền Trung vẫn bỏ xứ ra đi làm ăn sinh sống ở đất lạ quê người.
Đến mùa bão lũ, nhiều địa phương ở khu vực này lại phải xin cứu trợ. Vì vậy, tìm “bệ phóng” để miền Trung cất cánh là điều không thể chậm hơn.
Đã có nhiều nỗ lực hướng về miền Trung, nhiều bàn thảo tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung phát triển bền vững nhưng vẫn chưa hóa giải được hết những xung đột lợi ích cục bộ, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả. Đây chính là mấu chốt của vấn đề: Lợi ích cục bộ và thiếu liên kết.
Theo ông Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) thì duyên hải miền Trung như một đoàn tàu ngày một dài thêm, nhưng đầu tàu không mạnh.
“Điểm mạnh ở đây là mạnh ai nấy chạy”- ông Thiên nhận xét và cho rằng nếu vậy thì tới... 30 năm nữa miền Trung vẫn khó cất cánh. Nhận xét của ông Thiên có thể cực đoan nhưng tiếc thay lại đúng và vì thế rất cần một tư duy bứt phá, một tư duy liên kết vùng và phải phá bỏ bằng được cách nghĩ cục bộ chỉ vì tỉnh mình mà không bắt tay cùng phát triển với những tỉnh khác.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng không thể phát triển được khi mà cơ cấu kinh tế bị không gian địa lý chia cắt.
Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Vậy cơ chế chính sách liên kết đến nay còn thiếu cái gì? Động lực của vấn đề liên kết là gì? Không phải đây là lần đầu tiên các tỉnh miền Trung “ngồi với nhau” nhưng việc bắt tay vẫn rất lỏng lẻo, đó chính là do tư duy lợi ích cục bộ, chỉ chú trọng khai thác tiềm năng của tỉnh mình mà không dám “mạo hiểm” liên kết.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, muốn liên kết vùng thì phải có dàn nhạc và trong dàn nhạc phải có nhạc trưởng. Như vậy, vấn đề rất quan trọng là vai trò “nhạc trưởng” để giữ nhịp, điều tiết, phối hợp cả vùng, bởi miền Trung không chỉ là tuyến kết nối Bắc - Nam mà còn phải mở ra hướng kết nối Đông - Tây.
Nhưng, khi mà tư duy cục bộ, vì lợi ích của riêng địa phương mình vẫn còn đó thì làm sao có thể có được “cơ chế nhạc trưởng”.
Đây có lẽ là điểm mấu chốt khiến không gian kinh tế miền Trung bị chia cắt thiếu sự liên kết mà hậu quả của nó là tốc độ phát triển chậm một cách không đáng có.
Chỉ nói riêng về lĩnh vực du lịch, thì dọc dài miền Trung là nơi giàu tiềm năng nhất trong cả nước. Từ Thanh Hóa trở vào cho tới Bình Thuận, nơi nào cũng có những điểm đến thú vị nhưng sự liên kết, tạo thành một tour du lịch khép kín vẫn không được hình thành.
Bởi thế, đến Quảng Bình cũng chỉ là đến với Phong Nha-Kẻ Bàng, Sơn Đoòng chứ không vượt quá “chút xíu” nữa để vào thành cổ Quảng Trị, hay là trở ra thăm thành Nhà Hồ, suối cá thần ở Thanh Hóa.
Lại càng không dấn thêm để thăm cố đô Huế, ra bãi biển Lăng Cô, lên Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), Bà Nà (Đà Nẵng), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ghềnh Ráng (Bình Định), ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên), vịnh Vân Phong, Suối Tiên (Khánh Hòa), bãi biển Ninh Chữ (Ninh Thuận), Cà Ná (Bình Thuận). Nhắc đến một loạt địa danh để thấy khu vực này quá đẹp, nhưng đó vẫn là vẻ đẹp đơn lẻ của từng mỹ nữ đơn độc với tư duy AQ theo kiểu “em xinh em đứng một mình cũng xinh”.
Miền Trung, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ lại còn có thế mạnh liên kết với Tây Nguyên. Từ Quảng Trị trở vào, tỉnh nào cũng có đường lên Tây Nguyên trù phú.
Nhưng thực ra, nhiều chục năm qua, người duyên hải Nam Trung bộ lên Tây Nguyên làm ăn đơn lẻ là nhiều, còn thì sự liên kết thật hiếm hoi.
Lợi thế địa lý đã không được phát huy, thay vào đó không gian địa lý (hay nói đúng hơn là hạn chế của tư duy) đã tạo ra sự cách bức.
Những dãy núi, những con đèo, những dòng sông trong tự nhiên không thể thay đổi được, cái chính phải là sự thay đổi của tư duy, một tư duy cởi mở với tầm nhìn xa rộng. Chỉ có như vậy thì sự ngăn cách địa lý mới không bó hẹp sự phát triển.
Theo ông Trần Đình Thiên, vấn đề liên kết phát triển kinh tế miền Trung đã trải qua 6 năm, tuy đạt được một số kết quả và có thêm một số địa phương tham gia; nhưng đó cũng chỉ là sự “cơi nới” cho rộng mà không tạo ra động lực phát triển thì không giải quyết được vấn đề; sự “ấm ức” vẫn còn nhiều.
Cùng với một tư duy đổi mới cho liên kết vùng, một “nhạc trưởng” thì một vấn đề cũng rất thiết thực được đặt ra: Đó là sự vào cuộc của doanh nghiệp. Nếu không có doanh nghiệp thì không đủ vốn phát triển và cũng không tăng tốc được.
Theo TS Trần Du Lịch thì xét cho cùng mọi liên kết đều từ doanh nghiệp. Tương tự, ông Huỳnh Tấn Vinh- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng- người nổi tiếng qua vụ “chết cũng bảo vệ Sơn Trà”- cho rằng nếu doanh nghiệp đứng ngoài cuộc thì sẽ không có người thực hiện. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải bằng cách xin-cho, mà phải bằng cơ chế. Doanh nghiệp phải là trung tâm của sự phát triển kinh tế miền Trung.
“Liên kết phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Lâu nay lãnh đạo các địa phương ngồi với nhau chỉ ở góc độ quản lý nhà nước, trong khi có liên kết được hay không thì lại nằm ở các doanh nghiệp”- theo ông Vinh.
Miền Trung cất cánh, ai cũng kỳ vọng điều đó. Nhưng muốn thế phải thay đổi tư duy. Lãnh đạo các địa phương phải “ngồi lại với nhau” một cách thật lòng chứ không phải chỉ là những lần gặp mặt định kỳ.
Đã đến lúc phải có “nhạc trưởng” với nhiệm vụ kết nối, điều phối. Phải có cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn, làm ăn lớn, làm ăn lâu dài.
Nhân đây cũng cần nói thêm, nếu không bắt tay nhau để cùng phát huy nội lực, thì rất có thể dọc biển miền Trung sẽ ngày càng xuất hiện thêm những khu nghỉ dưỡng, những khu du lịch sang trọng, những khu đô thị mới, những khu công nghiệp hoành tráng không phải của người Việt Nam mình.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/ket-noi-dia-ly-bang-tu-duy-lien-ket-380834
Ngày đăng: 14:00 | 27/09/2017
/ Hà Trọng Nghĩa/daidoanket.vn