Dù có đủ điều kiện tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo thẩm quyền, chức năng nhưng một số đơn vị không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, qua kiểm tra, khảo sát trực tiếp và ghi nhận phản ánh của dư luận về việc thực hiện quy định của Nghị định 104/CP của Chính phủ cho thấy, phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, chức năng dù có đủ điều kiện tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Việc này gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, gây “mất niềm tin” của người dân đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Bộ Công an đề nghị các ngành thực hiện nghiêm túc quy định về việc sử dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, không yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận thông tin cư trú |
Theo thống kê của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, đến thời điểm hiện tại có 60/63 địa phương đã kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để khai thác thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Hiện chỉ còn 3 tỉnh chưa kết nối là Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn. Một số địa phương có kết quả khai thác, xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư cao như Hà Nội, TP. HCM, Long An, Yên Bái, Điện Biên và Tuyên Quang. Nhưng cũng còn nhiều địa phương mặc dù đã kết nối, đủ điều kiện kết nối nhưng vẫn hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho rằng, nguyên nhân khiến các địa phương hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư xuất phát từ việc các bộ, ngành chưa cắt giảm thủ tục hành chính theo ngành dọc, vẫn còn tư tưởng gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
Để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính công, Luật Cư trú năm 2020, trong đó có quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023, trước đó Bộ Công an đã hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như các điều kiện kỹ thuật để các bộ, ngành, địa phương khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chuẩn bị các điều kiện, giải pháp phục vụ quy định của Luật Cư trú về bỏ sổ hộ khẩu giấy và tạm trú giấy.
“Có hai phần việc quan trọng và khó nhất, đó là xây dựng hạ tầng dữ liệu và pháp lý thực hiện Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạm trú giấy thì Bộ Công an đã hoàn thành trước thời điểm 1-1-2023”, Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định.
Nghị định 104/CP của Chính phủ đã quy định cụ thể việc cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Bộ Công an cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các địa phương kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo tổ chức, cá nhân thuộc ngành dọc của mình thực hiện nghiêm túc quy định về việc sử dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, không yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận thông tin cư trú.
Ngày đăng: 13:56 | 27/02/2023
Châu Anh / ANTD