Chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang ở mức cao, trong đó vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn với chi phí đắt đỏ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gánh chi phí vận tải có thể khiến hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế, khó tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), sau rất nhiều nỗ lực của các bộ ngành liên quan, hiện cơ cấu giá thành vận tải hầu như không có sự thay đổi nhiều. Vận tải đường bộ vẫn đang phải đảm nhận tỷ trọng vận chuyển rất lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác. Cụ thể, vận tải ôtô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, các đơn vị vận tải hầu hết có quy mô nhỏ, manh mún, tỷ lệ xe chạy rỗng còn ở mức trên 45%... nên chi phí vận tải rất cao.

Hiện chi phí vận chuyển container loại 40feet từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.

Vận tải ôtô đảm nhiệm hơn 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hoá.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nhận định, việc giảm tỷ lệ xe chạy rỗng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện giá thành vận tải nhưng hiện vẫn đang là một bài toán rất nan giải. Một trong những giải pháp là lập sàn giao dịch vận tải VinaTrucking. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động, số lượng thành viên tham gia và các giao dịch thành công vẫn còn hạn chế; lượng hàng hóa trao đổi giao dịch trên sàn khan hiếm, các doanh nghiệp vận tải không mặn mà tham gia vì một số sàn giao dịch có thiết kế chưa thuận tiện cho người dùng, đa số còn sử dụng theo hình thức website, chưa có các ứng dụng trên thiết bị di động.

Tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 700 thành viên tham gia đăng ký Sàn Giao dịch vận tải Vinatrucking, trong đó phần lớn là thành viên chủ xe (đơn vị kinh doan vận tải), còn lại hơn 150 thành viên là chủ hàng và thành viên vãng lai, với hàng trăm chuyến hàng, chuyến xe đã được đăng ký thành công trên sàn. Tuy nhiên, thực tế những khó khăn của Sàn Giao dịch vận tải Vinatrucking (cũng là khó khăn của các sàn giao dịch khác) là sự mất cân đối giữa các thành viên tham gia khi số lượng “xe tìm hàng rất lớn” trong khi danh sách “hàng cần vận chuyển” còn ít.

Một trong những yếu tố khác khiến giá thành vận tải tăng cao là các loại phí, lệ phí trên đường. Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, việc giảm phí BOT là không khả thi. Lý do là các doanh nghiệp BOT cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải giảm giá vé cho một số loại phương tiện và chưa được tăng giá theo lộ trình trong hợp đồng dự án, lượng xe tiếp tục giảm do ảnh hưởng dịch dẫn đến doanh thu các trạm BOT càng thấp, nhiều dự án đã không đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn như quy định trong hợp đồng đã ký kết.

Vậy làm thế nào kéo giảm chi phí vận tải để giúp các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu hàng hóa khi các hiệp định thương mại có hiệu lực? Trước câu hỏi này, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, trong thời gian tới, việc kéo giảm chi phí vận tải vẫn là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành Giao thông vận tải đặt ra. Để làm được điều đó, Bộ GTVT sẽ tập trung một số giải pháp như tích cực kết nối giữa các phương thức vận tải, kết nối với các đầu mối hàng hoá lớn, các cảng biển,…; nạo vét hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tuyến đường thủy nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu để gỡ nút thắt về vấn đề kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này và để góp phần giảm bớt tỷ trọng vận tải đường bộ, giảm chi phí logistics. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào vận tải sẽ là giải pháp quan trọng, đặc biệt tổ chức Sàn giao dịch vận tải hàng hóa hiệu quả sẽ kéo giảm được chi phí vận tải đáng kể.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các Bộ, ngành địa phương sẽ tăng cường việc thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối giao thông khu vực xung quanh cảng tại các đô thị lớn và các tuyến đường ra vào khu vực các cảng biển lớn, các cảng hàng không, ga đường sắt, cảng thủy nội địa, các trung tâm tập kết hàng hóa trên cơ sở các dự án được phê duyệt. Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các cơ chế chính sách phát triển các doanh nghiệp logistics của Việt Nam ngày một lớn mạnh để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Phạm Huyền

Chính thức khôi phục hoạt động vận tải đến Đà Nẵng Chính thức khôi phục hoạt động vận tải đến Đà Nẵng
Xe ô tô kinh doanh vận tải chính thức được giảm phí đường bộ Xe ô tô kinh doanh vận tải chính thức được giảm phí đường bộ

Ngày đăng: 08:40 | 07/09/2020

/ cand.com.vn