Kẻ làm tiền giả lớn nhất thế giới
“Khởi nghiệp” bằng “nghề”… trộm cắp
Đó là một buổi sáng đầu tháng 12-2009, Frank Bourassa, người Canada đứng trong bãi đỗ xe, chăm chú quan sát cảng Montreal, Canada qua ống nhòm khi chiếc xe tải mà anh ta thuê mướn đang chuẩn bị vào cảng. Hơn 30 phút sau, thủ tục nhận hàng hoàn tất rồi 4 người trên xe nhanh chóng chất lên 5 chiếc thùng, trong đó chỉ toàn giấy trắng. Theo tờ khai hải quan, đây là giấy dùng để in thiệp mời.
Mất thêm 10 phút nữa, chiếc xe tải ra khỏi cảng, theo sau là xe của Frank. Tại đoạn rẽ nối với đường cao tốc, Frank điện thoại yêu cầu tài xế tấp vào lề đường. Chẳng có nguyên nhân gì mà chỉ là Frank muốn kiểm tra xem có bị theo dõi hay không. Khi biết chắc mọi chuyện đều an toàn, Frank bảo tài xế chạy đến thành phố Trois-Rivieres rồi vào một nhà kho. Tại đây, sau khi đưa 5 thùng gỗ xuống rồi nhận tiền công, nhiệm vụ của những người khuân vác coi như hoàn tất.
Còn lại mình Frank, anh ta lần lượt mở 5 thùng giấy rồi lấy mỗi thùng vài tờ ngẫu nghiên. Tiếp theo, Frank cầm nó đến một căn phòng ở cuối nhà kho. Tại đây, Frank sử dụng máy quét, xem xét rất kỹ từng tờ một bởi đó là loại giấy đặc biệt, kết hợp bởi cotton và vải lanh, chuyên dùng để in tiền. Sau này khi bắt Frank, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) mô tả: “Đó là loại tiền giả mà bạn không thể phát hiện bằng mắt thường nếu so với tiền thật”.
Vài tháng trước đó, Frank đã bỏ ra khá nhiều thời gian để nghiên cứu từng chi tiết của tờ 20 USD, nhất là chân dung Tổng thống Andrew Jackson và dải an toàn in chìm bên trong. Chưa hết, Frank còn vào trang web của Cục Điều tra liên bang Mỹ- FBI rồi chép lại các hướng dẫn về cách phân biệt giữa tiền giả và tiền thật.
Frank nói: “Nếu bạn mua thứ gì đó rồi trả bằng tờ 100 USD, chắc chắn người bán sẽ săm soi nhiều lần nhưng nếu bạn đưa tờ 20 USD, họ sẽ không cần nhìn lại nó lần thứ hai… Nếu để ý, bạn sẽ thấy chân dung các Tổng thống Mỹ in trên tất cả các tờ tiền với những mệnh giá khác nhau đều nhìn thẳng vào bạn dù bạn có đặt nó nghiêng về bên phải hay bên trái, chưa kể có những hoa văn họa tiết chỉ hiện lên khi bạn chiếu tia cực tím vào. Sẽ rất khó để làm giả nhưng rõ ràng tiền tệ được tạo ra bởi bàn tay con người, vì vậy con người vẫn có thể làm giả nó”.
Frank đã trải qua một tuổi thơ dữ dội. Năm học lớp 8, số tiền đầu tiên anh ta kiếm được có nguồn gốc từ chiếc nhẫn… ăn cắp của một cô giáo. 14 tuổi, mỗi tuần Frank bỏ túi cả trăm USD bằng cách cạy tủ chứa đồ dùng cá nhân của giáo viên rồi lấy những thứ giá trị. 15 tuổi, Frank bỏ nhà ra ở riêng để theo học nghề thợ máy ở một gara nhưng công việc của anh ta chủ yếu là lái những chiếc xe hơi do các băng nhóm tội phạm đánh cắp, giao cho người mua. Frank nói: “Cuộc phiêu lưu của tôi kéo dài suốt 3 năm. Tổng cộng tôi đã lái và giao khoảng 500 chiếc xe trong thời gian này”.
Năm 20 tuổi, khi đã có một số vốn, Frank chuyển sang mua bán cần sa. Hai năm sau, Frank bị bắt khi cảnh sát Canada đột kích vào trang trại trồng loại ma túy này và chủ trang trại đã khai ra Frank là một trong số khách hàng. Bị kết án 12 tháng tù nhưng Frank chỉ phải ngồi sau song sắt 3 tháng vì thỏa thuận nhận tội với bên công tố.
Ra tù, Frank mở một cửa hàng bán phụ tùng xe hơi, chủ yếu là má phanh (thắng). Nhớ lại giai đoạn ấy, Frank nói: “Tôi đã làm việc 20 giờ một ngày, dẫn đến chứng rối loạn căng thẳng cấp tính. Cuối cùng tôi nhận ra rằng kết quả chung cuộc luôn luôn giống nhau. Dù bạn làm gì chăng nữa thì đích đến vẫn chỉ là tiền. Vậy tại sao bạn lại không thử tìm cách kiếm tiền nhiều nhất…”.
Triệu phú tiền giả
Sau khi bán xong cửa hàng phụ tùng xe hơi, Frank bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật làm tiền giả. Bằng cách thuê một nhà kho vốn dùng để chứa lúa mỳ ở ngoại ô thành phố Trois-Rivieres, Frank vùi đầu vào tờ 20 USD. Khi đã nắm được tất cả những chi tiết, Frank mua một máy in offset Heidelberg bốn màu với giá 125.000 USD, một máy in Heidelberg một màu 24.000 USD, hai máy ép trục lăn để dập nổi một số chi tiết trên tờ tiền, 20 máy in phun Ricoh với loại mực đặc biệt chuyên dùng để in số sêri. Ngoài ra còn có máy cắt giấy công nghiệp, máy đếm giấy, máy đóng đai cùng nhiều thứ khác, tất cả tốn hơn 300.000 USD.
Về giấy dùng để in tiền, mặc dù đã biết công thức của nó là 75% cotton và 25% vải lanh nhưng Frank không thể đến những xưởng làm giấy để đặt họ sản xuất vì sẽ gây ra sự nghi ngờ, chưa kể loại giấy ấy trong quá trình gia công thì còn cần phải thêm vào một số hóa chất để tạo ra ảnh mờ khi soi nó trước ánh sáng, cũng như những mảnh bảo mật nhỏ li ti màu đỏ và xanh dương nằm lẫn lộn trong tờ giấy.
Frank nói: “Suốt năm 2008, trên mạng Internet, tôi tiếp cận với nhiều công ty giấy ở châu Á, châu Âu dưới cái tên giả là Thomas Moore, quản lý của công ty The Letter Shop, chuyên về văn phòng phẩm, trụ sở tại tỉnh Quebec, Canada. Trong những lần tiếp xúc này, tôi cho họ biết có một khách hàng cao cấp của công ty muốn đặt làm một loại giấy viết thư đặc biệt bằng cotton và vải lanh. Tuy nhiên sau khi nghe tôi nói, tất cả đều cùng có câu trả lời: “Cotton và vải lanh ư? Giống như giấy in tiền ấy à?” rồi họ cắt liên lạc”.
Cuối cùng, tháng 1-2009, Fran tìm được Công ty Artoz ở Lenzburg, Thụy Sĩ. Bằng cách bịa ra một doanh nghiệp ma chuyên về đầu tư thương mại tên là Keystone, muốn đặt nhà máy Artoz sản xuất một lô giấy in chứng chỉ trái phiếu để chống làm giả. Khả năng thuyết phục của Frank giỏi đến nỗi giám đốc nhà máy giấy Artoz tin rằng chứng chỉ trái phiếu của doanh nghiệp Kestone có mệnh giá mỗi tờ 20 USD nên ông này đã đồng ý cho thêm hóa chất chống tia cực tím, làm nổi ảnh mờ khi soi dưới ánh sáng đồng thời kèm thêm dải băng bảo mật có dòng chữ in chìm “USA TWENTY” vào giấy theo quy cách mà Frank nêu ra.
Tháng 3-2009, số giấy để có thể in ra 250 triệu USD được công ty Artoz chuyển đến cảng Montreal, Canada cho Frank với giá 75.000 USD. Còn làm cách nào để Frank tạo bản in và nhất là hình mờ của Tổng thống Andrew Jackson trên tờ tiền thì Frank không nói. Ngay cả Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) sau khi bắt Frank cũng không công bố công khai, có lẽ vì e ngại những tổ chức tội phạm bắt chước nhưng RCMP thừa nhận rằng “tờ 20USD được làm giả rất tinh vi, không thể phát hiện nếu không kiểm tra bằng những thiết bị đặc biệt chuyên dùng”.
Hoàn tất việc làm tiền giả, Frank tiến hành tìm mối tiêu thụ. Theo Frank, nguyên tắc của anh ta là “không bán cho người trong nước, hãy để người ở xa tiêu tiền của bạn”. Cũng vẫn trên mạng Internet, Frank tìm được 4 người nước ngoài đồng ý mua và đơn đặt hàng đầu tiên của họ là 10.000 USD. Frank nói: “Ôi trời! Chẳng lẽ tôi lại đi bán lẻ hay sao, không thể nào”. Tuy nhiên sau khi biết rằng 10.000 USD ban đầu chỉ để họ kiểm chứng xem có thể xài được hay không rồi tiếp theo, mỗi tuần mỗi người sẽ lấy 1 triệu USD thì Frank đồng ý với giá cứ 1 triệu USD tiền giả, Frank thu lại 300.000 USD tiền thật.
Tuy nhiên, sau khi nhận 10.000 USD tiền giả rồi chuyển cho Frank 3.000 USD tiền thật, 4 người khách lạ cắt đứt mọi liên lạc với Frank mà lý do là một trong 4 người này đem tiền giả đi đánh bạc tại Las Vegas, bang Nevada, Mỹ, và bị phát hiện. Frank nói: “Lúc ấy, tôi không hề biết chuyện này chứ nếu biết, chắc chắn tôi sẽ thay đổi cách mua bán”.
Sau vài lần tiếp xúc với một số băng nhóm buôn bán ma túy nhưng họ không mặn mà gì với việc “xài đồ giả” nên cuối cùng, ngày 5-12-2012, Frank đành phá bỏ những quy tắc do mình đặt ra. Sau khi liên hệ với Eric Lefebvre, người ở cùng thành phố Trois-Rivières, chuyên trộm cắp xe tải, Frank bán cho Eric 100.000 USD tiền giả. Hôm sau Eric mua thêm 100.000 USD nữa. Cả 2 lần ấy, Frank đều tự tay đem tiền đến cho Eric mà không ngờ rằng Eric là chỉ điểm viên của RCMP.
Trở thành chuyên gia nhận biết… tiền giả
Ngay trước bình minh ngày 23-5-2012, Frank thức dậy trong căn hộ của cô bạn gái bởi những tiếng động ầm ĩ và tiếng hò hét. Mặc chiếc quần jean rách và chiếc áo thun cũ, Frank xuống cầu thang, mở cửa. Trước mặt anh ta là hơn 10 đặc vụ RCMP, 2 sĩ quan Interpol và 2 sĩ quan FBI. Sau khi còng tay rồi đọc cho Frank nghe một số điều về quyền của anh ta, RCMP cùng FBI tiến hành khám xét. Kết quả họ thu được 949.000 USD tiền giả, 5 máy tính, một khuôn đồng có hình Tổng thống Andrew Jackson, bút phát tia cực tím, nhiều bản in có hình tờ 20 USD chưa hoàn chỉnh nhưng lúc ấy RCMP và FBI không biết vẫn còn 200 triệu USD tiền giả mà Frank giấu tại nhà kho chứa lúa ở ngoại ô thành phố Trois-Rivieres.
Trong các cuộc hỏi cung, Frank luôn phủ nhận việc mình làm tiền giả. Chỉ đến lúc RCMP đưa ra chứng cứ về việc Frank giao tiền giả cho Eric, được quay từ trên trực thăng thì anh ta choáng váng, nhất là lúc một sĩ quan FBI cho biết sau khi tòa án Canada xét xử, Frank sẽ bị dẫn độ sang Mỹ để truy tố với 4 tội danh, trong đó mỗi tội danh sẽ nhận 20 năm tù và tổng cộng ít nhất cũng là 60 năm tù thì Frank hoàn toàn suy sụp.
Ngày 9-12-2013, vài phút trước khi tòa án Canada mở phiên sơ thẩm, Frank thỏa thuận nhận tội rồi tiết lộ với luật sư của anh ta về số tiền 200 triệu USD giả mà anh ta còn cất giấu bởi lẽ nếu các cơ quan chức năng tìm ra số tiền này trước khi Frank khai thì thỏa thuận nhận tội sẽ tan thành mây khói. Hơn một tiếng sau đó, đặc vụ RCMP, Interpol, FBI tròn mắt khi chứng kiến những máy móc, thiết bị và thùng các-tông chứa đầy những tờ 20 USD y như thật.
Ngày 31-1-2014, công tố viên tòa án Canada hủy mọi cáo buộc với Frank. Tổng cộng anh ta chỉ ngồi tù 6 tuần vì sau nhiều dàn xếp, Frank đồng ý cộng tác với RCMP và FBI trong việc nhận diện tiền giả. Một thử nghiệm cho thấy khi trộn lẫn 12 tờ USD giả nhiều mệnh giá khác nhau với 100 tờ tiền thật thì chỉ trong vài phút, Frank đã chỉ chính xác cả 12 tờ. Một sĩ quan FBI cho biết “hình như anh ta có mắt trên mỗi đầu ngón tay. Chỉ cần cầm tờ tiền lên, nhìn thẳng rồi nhìn nghiêng và vuốt qua vuốt lại vài lần, anh ta đã nói nó là đồ giả”.
Hiện tại, Frank vẫn làm công việc phát hiện tiền giả cho Canada, Mỹ cùng một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, anh ta còn hợp tác với nhiều ngân hàng và nhiều doanh nghiệp trong việc chống tiền giả. Một lần vui miệng, Frank nói: “Thật ra tôi làm giả những 250 triệu USD. Ngoài gần 1 triệu thu được ở nhà bạn gái tôi và 200 triệu tôi tự nguyện giao nộp, 210 nghìn USD bán cho 4 người nước ngoài và bán cho Eric Lefebvre, tôi vẫn còn lại 40 nghìn…” nhưng Frank cho biết anh ta đã hủy hết: “Tôi rất may mắn vì bây giờ tôi vẫn còn ngồi ở đây chứ nếu không, đời tôi sẽ tàn sau song sắt nhà tù ADX Florence (là nhà tù liên bang an ninh nhất nước Mỹ)”.
Vũ Cao (Theo Canadian News)
Chuyện hậu trường vụ án mua bán và sản xuất tiền giả ở Hà Nội |
Vụ triệt phá điểm sản xuất tiền giả ở Cần Thơ: Thu giữ máy móc, các khổ giấy in hình tiền |
Ngày đăng: 20:07 | 26/02/2022
/ antg.cand.com.vn