Khi Thế chiến II dần đến hồi kết, Nhật từng theo đuổi "Chiến dịch Hoa anh đào ban đêm", nhằm phát tán bọ chét mang bệnh dịch hạch vào Mỹ.
Với sự ra đời của Nghị định thư Geneva vào năm 1925, trong đó cấm sử dụng các loại khí độc và gây ngạt cùng những vũ khí sinh học khác, chính quyền đế quốc Nhật Bản lại càng tin vào sức mạnh của phương án tác chiến này.
Vì vậy, họ quyết định xây dựng chương trình vũ khí sinh học vào thập niên 1930, đồng thời thành lập sư đoàn chiến tranh sinh học có tên Đơn vị 731 do tướng Shiro Ishii, một nhà vi sinh vật học, chỉ huy.
Sau khi quân Nhật chiếm đóng những vùng đất rộng lớn tại Trung Quốc vào đầu những năm 1930, Đơn vị 731 quyết định xây cơ sở ở thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc khu vực Mãn Châu. 8 ngôi làng bị giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các thí nghiệm sinh học trên dân thường Trung Quốc, gây ra những hoạt động vô nhân đạo nhất thế kỷ 20.
Cơ sở thí nghiệm tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, của Đơn vị 731 thuộc lực lượng đế quốc Nhật trong Thế chiến II. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Tới tháng 10/1940, lực lượng đế quốc Nhật bắt đầu thử nghiệm chiến tranh dịch hạch. Chúng ném những quả bom chứa bọ chét nhiễm bệnh xuống thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, và Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Qiu Mingxuan, người sống sót sau thảm kịch và trở thành một nhà dịch tễ học, ước tính ít nhất 50.000 cư dân đã thiệt mạng trong các cuộc oanh tạc này.
"Tôi vẫn nhớ sự hoảng loạn của mọi người. Ai cũng đóng cửa kín mít và sợ ra ngoài. Các trường học và cửa hàng ngừng hoạt động. Nhưng đến tháng 12 năm đó, máy bay Nhật gần như ngày nào cũng đến thả bom, khiến chúng tôi không thể duy trì việc phong tỏa. Mọi người chạy về vùng nông thôn và mang theo mầm bệnh", Qiu kể lại.
Sau hoạt động được đánh giá là thành công tại các đô thị Trung Quốc, "vũ khí tử thần" của Đơn vị 731 được đặt vào trạng thái sẵn sàng cho chuyến đi dài băng qua Thái Bình Dương tới Mỹ.
Ban đầu, Nhật dự định phóng những quả bom khinh khí cầu lớn, dựa vào các luồng gió xoáy để tới Mỹ. Tại thời điểm đó, họ đã thả thành công khoảng 200 bom khinh khí cầu vượt đại dương, giết chết 7 người Mỹ. Washington được cho là đã che giấu các báo cáo về sự việc.
Tuy nhiên, "Chiến dịch Hoa anh đào Đêm" sau đó lại chuyển sang tính toán phương án sử dụng những phi công cảm tử, với đòn tấn công phủ đầu vào California. Toshimi Mizobuchi, người huấn luyện các tân binh của Đơn vị 731, đã lên kế hoạch đưa 20 người, nằm trong số 500 tân binh mới đến Cáp Nhĩ Tân vào năm 1945, lên một tàu ngầm tới bờ biển phía nam bang California, sau đó triển khai máy bay để đưa họ xâm nhập vào thành phố San Diego.
Theo kế hoạch, hàng nghìn con bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch sẽ được rải trên đất Mỹ sau khi các phi công cảm tử lao máy bay xuống đây. Chiến dịch được ấn định vào ngày 22/9/1945.
Đối với nhân chứng Ishio Obata, người được chỉ định làm chỉ huy lực lượng tấn công, nhiệm vụ này gây cảm giác man rợ đến mức nhiều thập kỷ sau ông vẫn khó có thể hồi tưởng lại. "Đó là một ký ức khủng khiếp đến mức tôi không muốn nhớ lại. Tôi không muốn nghĩ về Đơn vị 731. Chiến tranh đã trôi qua hàng chục năm. Xin hãy để tôi im lặng", ông nói.
May mắn thay, "Chiến dịch Hoa anh đào Đêm" không bao giờ trở thành hiện thực.
Lực lượng đổ bộ đặc biệt của hải quân Nhật đeo mặt nạ phòng độc trong trận chiến tại Thượng Hải, Trung Quốc, hồi tháng 8/1937. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Một chuyên gia hải quân Nhật Bản tuyên bố lực lượng này sẽ không bao giờ chấp nhận nhiệm vụ, đặc biệt vào nửa sau năm 1945. Khi đó, sứ mệnh bảo vệ các hòn đảo chiến lược của Nhật được đánh giá quan trọng hơn nhiều so với tiến hành tấn công Mỹ.
Sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào đầu tháng 8/1945, bằng chứng về những thí nghiệm của Đơn vị 731 cũng lộ diện. Tuy nhiên, Washington vẫn cấp quyền miễn trừ cho Ishii, chỉ huy đơn vị, để đổi lấy những nghiên cứu của ông.
Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc "Chiến dịch Hoa anh đào Đêm" đã gần với hiện thực đến mức nào. Trong một cuộc họp quan trọng vào tháng 7/1944, tướng Hideki Tojo của đế quốc Nhật đã bác bỏ kế hoạch sử dụng chiến tranh vi trùng để chống lại Mỹ. Ông nhận thấy Nhật đang rất gần với nguy cơ bị đánh bại, nên việc sử dụng vũ khí sinh học chỉ làm leo thang đòn trả đũa của Mỹ.
Trước khi chết vì ung thư vòm họng vào năm 1959, cuộc sống của tướng Ishii khá yên bình. Nhiều cấp dưới của ông trong bộ máy chỉ huy Đơn vị 731 sau này được nâng lên những vị trí quyền lực lớn hơn trong chính phủ Nhật Bản. Một người từng giữ chức thống đốc Tokyo, người khác là lãnh đạo Hiệp hội Y tế Nhật Bản.
Nhiều thập kỷ sau chiến tranh, khi được hỏi về những hành động man rợ với dân thường trong quá khứ, một bác sĩ thuộc Đơn vị 731 giải thích rằng một số phương pháp thí nghiệm là cần thiết để đảm bảo tính chính xác của nghiên cứu. Với những trường hợp đối tượng thí nghiệm là trẻ em, người này biện minh rằng "có lẽ cha của chúng là gián điệp". "Trong chiến tranh, bạn phải giành chiến thắng", y cho hay.
Sự can thiệp của tướng Tojo được cho là giúp ngăn chặn một cuộc thảm sát dân thường Mỹ. Hơn một tuần sau khi đế quốc Nhật đầu hàng, ông đã cố tự sát bằng súng lục, nhưng được cứu sống. Ba năm sau, Tojo bị một tòa án quốc tế xử treo cổ vì phạm tội ác chiến tranh.
Ánh Ngọc (Theo ATI)
Ngày đăng: 14:35 | 31/08/2020
/ vnexpress.net