Michael Jauernik, 71 tuổi, có “bài phát biểu” dài hơn 20 tiếng đồng hồ để trì hoãn việc xét xử khi được nói lời sau cuối trước khi tuyên án.
Bản án ngày 7/10 tại tòa án quận Hamburg cho biết Michael bị phạt 12 năm 6 tháng tù vì thực hiện ba vụ cướp ngân hàng trong năm 2011-2019 và bắn bị thương nghiêm trọng một nhân viên ngân hàng. Tổng tiền Michael lấy được ước tính 25.000 bảng Anh.
Theo bản án, Michael bắt đầu cướp ngân hàng vào thập niên 1970 và luôn quay lại "nghề cũ" dù nhiều lần đi tù. Trong những năm 1980, Michael nổi tiếng với biệt danh "Kẻ cướp thứ Năm" vì luôn cướp ngân hàng gần sát giờ đóng cửa vào thứ băm.
Tham dự phiên tòa trong bộ vest và kính râm, Michael "ôn" lại chiến tích quá khứ và tỏ ra bực tức về sự yếu kém của điều tra viên, cho rằng mình nắm nhiều kiến thức pháp lý hơn luật sư bào chữa và thông minh hơn bất cứ ai trong cơ quan cảnh sát hình sự. Michael tự nhận là tên trộm không dùng bạo lực với tài phá két và chỉ bị bắt vì cảnh sát gặp may.
Michael Jauernik nói tại tòa. Ảnh: Daniel Bockwoldt/dpa. |
Tiếp theo, Michael trình bày về lịch tập luyện thể thao trong tù (gồm ba lần đứng lên ngồi xuống và chạy bộ 5 km mỗi ngày) để giữ sức khỏe trong quá trình tạm giam chờ xét xử. Để hợp thức hóa hành động cướp ngân hàng, Michael chỉ ra những bê bối gần đây của ngành ngân hàng tại Đức và nói mình "không cướp của siêu thị hoặc của bà già".
Khi "bài phát biểu" của Michael chạm mốc 5 ngày với tổng thời lượng hơn 20 tiếng, thẩm phán phụ trách yêu cầu cắt ngắn phần nói lời sau cuối của bị cáo và chuyển sang phần tuyên án. Thẩm phán nói lấy làm tiếc khi không yêu cầu Michael dừng sớm hơn vì bị cáo nói lặp nhiều lần và "vi phạm quy định nghiêm trọng". Vị này cũng cho rằng Michael mắc chứng rối loạn nhân cách, yêu bản thân thái quá, án tù khó có khả năng thay đổi suy nghĩ của ông ta.
Sau khi bị yêu cầu dừng nói, Michael khẳng định đã phá kỷ lục, nhưng thư ký tòa án cho biết trước đó có hai bị cáo có lời nói sau cùng còn dài hơn.
Cơ quan công tố nhận định Michael sẽ dành phần cuối cuộc đời trong tù. Còn luật sư của bị cáo nói sẽ kháng cáo.
Theo quy định pháp luật Đức, bị cáo có cơ hội nói lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án và thường dùng cơ hội này để tỏ ra hối lỗi hoặc không nói gì.
Quốc Đạt (Theo The Guardian, The Times)
Ngày đăng: 10:48 | 15/10/2019
/ vnexpress.net