Sáng nay, TAND tỉnh Hà Giang tuyên án đối với 5 bị cáo trong vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh này, mức án cao nhất là 8 năm tù.
Sáng 25/10, sau 5 ngày nghị án, TAND tỉnh Hà Giang tuyên án các bị cáo liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.
Lúc 8h20, chủ tọa Vương Thị Thu Hà công bố quyết định của HĐXX.
HĐXX xác định trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang) giữ vai trò chủ mưu.
Toàn cảnh phiên tòa sáng nay. |
Theo danh sách công bố kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, có 318 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm.
Cơ quan điều tra kết luận Vũ Trọng Lương - nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi các môn được nâng điểm.
Trong số đó, có 102 bài thi môn toán, 85 bài thi môn Vật lý, 56 bài thi môn hóa học, 7 bài thi môn lịch sử, 1 bài thi môn địa lý, 50 bài thi môn tiếng Anh, và 8 bài thi môn Sinh học.
Thí sinh được nâng điểm cao nhất có số báo danh 05000592, được nâng tổng cộng 29,95 điểm cho 4 môn trắc nghiệm (Toán, Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ).
Thí sinh được nâng ít nhất có số báo danh 05000398, được nâng 2,2 điểm cho một môn. Quá trình can thiệp nâng điểm cho các thí sinh môn trắc nghiệm chỉ do một mình Vũ Trọng Lương thực hiện.
Qua đó, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang) nhận mức án 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) nhận mức án 7 năm tù.
Bị Cáo Nguyễn Thanh Hoài lĩnh 8 năm tù. |
Còn đối với bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang), HĐXX xét thấy, tại biên bản làm việc với Đoàn thanh tra Bộ GĐ&ĐT ngày 16/7/2018, bị cáo đã thừa nhận việc nhờ Hoài xem xét, nâng điểm Ngữ văn cho từng thí sinh.
Các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng cho thấy bị cáo Chính đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh thí sinh có mặt tại tòa cũng thừa nhận họ đã nhờ bà Chính nâng điểm cho con mình để vào được trường xét tuyển theo nguyện vọng nhưng kết quả không được nâng. Căn cứ lời khai của Nguyễn Thanh Hoài và nhân chứng, người liên quan, HĐXX xác định bị cáo Chính đã phạm tội. Do đó, tòa bác đề nghị của luật sư kiến nghị tuyên bị cáo Chính không phạm tội.
Bị cáo Triệu Thị Chính bị tòa tuyên phạt 2 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Đối với bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang), HĐXX nhận thấy bị cáo lợi dụng mối quan hệ công tác thường xuyên giữa Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang và Sở GD&ĐT nên nhờ bị cáo Hoài sửa điểm thi cho 20 thí sinh.
Quá trình tố tụng, bị cáo Dung thừa nhận nhờ bị cáo Hoài giúp đỡ các thí sinh nâng điểm thi. Lời khai của bà Dung phù hợp với những gì Nguyễn Thanh Hoài khai nhận.
Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 2 năm tù về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi".
Bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) bị đề nghị xử phạt từ 1 năm tù treo về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.
Hiệu phó nhận 300 triệu đồng để nâng điểm thi |
Vì sao cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Trần Xuân Yến bị bắt giam? |
Vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị xem xét kỷ luật trong đợt 2 |
Ngày đăng: 10:39 | 25/10/2019
/ vtc.vn