Tại sao một kẻ trộm chó lại bị người ta ghét, thậm chí có thể bị đánh trong khi một kẻ ăn cắp tài sản trí tuệ lại ung dung?
Ở một thành phố biển có một quán hải sản rất nổi tiếng, mỗi lần tới thành phố tôi không bao giờ quên ghé qua làm một bữa tối thật thịnh soạn. Bẵng đi một vài năm, tôi quay trở lại thành phố đó, theo thói quen, buổi chiều muộn rời khách sạn tôi vẫy một chiếc taxi và yêu cầu bác tài chở đến quán quen nọ. Đi loanh quanh một hồi, bác tài chở tôi tới một quán ăn lạ hoắc. Bác nói: "Tới rồi đó cậu". Tôi hạ cửa sổ nhìn ra. Đây hoàn toàn không phải quán ăn mà tôi đã từng lui tới nhiều lần trước đó.
Tôi đi hẳn vào trong quán để hỏi cho cẩn thận. Hóa ra quán này mới mở cách đây ít lâu và lấy tên trùng. Tôi yêu cầu bác tài quay trở lại quán ăn cũ, đem câu chuyện quán ăn trùng tên nọ để hỏi người chủ quán, bác chủ quán đã có tuổi cười nói, họ thấy tôi bán được, đông khách, họ bèn mở ra một quán lấy tên y hệt của quán tôi, biển hiệu và thực đơn na ná của tôi, ai cũng ngỡ là cùng một chủ. Sau này còn có thêm cả loạt quán có cái tên từ tựa như thế tạo nên cả một ma trận khiến thực khách dễ nhầm lẫn.
Bỏ ra không biết bao nhiêu tiền, công sức, thời gian để xây dựng nên một thương hiệu cùng dịch vụ tốt, uy tín với khách hàng vậy mà chỉ sau một đêm thương hiệu của mình đã bị lấy đi một cách trắng trợn, ai mà không xót xa.
Vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ngày càng phổ biến. Có rất nhiều các hình thức vi phạm sở hữu trí tuệ từ xâm phạm quyền tác giả đến xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý.
Khi còn dạy ở trường đại học, có lần chấm bài của sinh viên tôi chợt thấy quen như đã đọc ở đâu rồi, lục tìm lại trên thư viện của khoa tôi tìm được bài của một sinh viên khoá trước được tái chế lại gần như y chang. Tôi gọi bạn sinh viên nọ lên hỏi. Bạn thú thực rằng do quá bận làm thêm và học các môn khác, bạn đã xào lại bài của sinh viên khoá trên để tiết kiệm thời gian.
Có lần vừa bước vào một con ngõ nọ tôi giật mình vì có chiếc xe máy điện lướt qua ngay sát người, định thần lại thì hoá ra là chiếc Vespa, nhưng Vespa điện thì làm gì có ở Việt Nam? Hoá ra là Vespa nhái. Giờ đây khi ra đường, thật dễ dàng để nhìn thấy một chiếc xe điện nhái kiểu dáng của xe Vespa, nó giống đến từng chi tiết như kiểu được cho vào máy scan và in 3D ra vậy. Hãy thử tưởng tượng xem có bao nhiêu kỹ sư bỏ bao công sức, thời gian, cả một hãng lớn bỏ biết bao tiền của để thiết kế ra một mẫu xe mới, rồi sau đó người ta mua một chiếc về làm mẫu và chép lại y chang, bán ra kiếm lời. Điều đó thật bất công và phi lý.
Một hãng mỹ phẩm có những sản phẩm tốt, bỏ tiền xây dựng thị trường, xây dựng lòng tin của khách hàng. Khi thấy sản phẩm của hãng đó bán tốt, các thương nhân khác bắt đầu sang nước láng giềng đặt làm sản phẩm có mùi tương tự, thiết kế bao bì rất giống, chỉ sai một chữ cái mà nếu nhìn qua thì không nhận ra được, thậm chí còn có những kẻ đặt làm bao bì giống hệt như hãng nọ và bán với giá rất rẻ. Điều này cũng rất phổ biến với các loại nước khoáng đóng chai.
Một nhạc sĩ sáng tác một bản nhạc, một thời gian sau thấy một bài hát khác có giai điệu rất giống bài hát của mình. Một nghệ sĩ vẽ được một bức tranh đẹp, sau đó thấy tranh của mình bị nhân bản vô tính và bán tràn lan trên vỉa hè. Một đạo diễn sáng tạo ra một tác phẩm sân khấu, sau đó thấy một vở khác rất giống vậy nhưng mang tên một đạo diễn hoàn toàn khác. Thực tế muôn hình muôn vẻ cũng như muôn hình vạn trạng của việc đánh cắp tài sản trí tuệ vậy.
Đánh cắp tài sản trí tuệ hay xảy ra nhất khi người sáng tạo, nhà phát minh không hoặc chưa kịp đăng ký sở hữu bản quyền, nhưng ngay cả khi các phát minh, sáng chế, giải pháp bữu ích, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu, quyền sáng chế, sáng tạo nghệ thuật đã được đăng ký sở hữu bản quyền hẳn hoi người ta cũng không ngần ngại xâm phạm.
Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sau khi phát hiện hơn hàng ngàn thùng "Bia Saigon Vietnam" có mẫu mã tương tự "Bia Saigon" - nhãn hiệu bia nổi tiếng được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Điều đáng nói là những người vi phạm bản quyền đều là những người cũ của Sabeco, họ đã từng làm việc ở đó, họ hiểu rõ mọi qui trình. Sau khi nghỉ việc tại Sabeco, họ lập ra công ty có tên gần giống, thiết kế sản phẩm giống đến mức nhìn qua cứ tưởng là một và từ đó phân phối, bán hàng trục lợi. Họ biết việc mình làm là xâm phạm bản quyền nhưng họ vẫn cứ làm.
Sự thoải mái xâm phạm có thể đến từ việc xử phạt các vi phạm còn quá nhẹ, không đủ tính răn đe, trong khi lợi nhuận quá lớn. Anh bạn tôi là người sáng lập của một công ty sách, anh và các đồng nghiệp mua bản quyền, dịch, chỉnh sửa, lấy giấy phép, thiết kế, in ấn, phát hành, làm tất cả các công việc hậu cần cực nhọc mới có được một đầu sách chất lượng. Vậy nhưng khi mới phát hành ra thị trường, những kẻ in sách lậu chỉ cần chọn những đầu sách bán chạy nhất, in lậu và bán kiếm lời. Sách lậu gây thiệt hại nặng nề cho sách thật. Một CEO của một công ty sách đã chua chát thốt lên rằng : "Sách giả không những vi phạm nghiêm trọng Luật Xuất bản, Sở hữu trí tuệ, làm thất thu ngân sách Nhà nước mà còn làm xói mòn nền văn hóa đọc, dân trí trong hiện tại và tương lai. Tiêu thụ và tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách in lậu ở Việt Nam là góp phần giết chết sự phát triển tri thức của đất nước và dân tộc".
Trong cuộc chiến chống sách giả, công ty sách đã công bố danh sách vài chục trang chuyên bán sách giả trên mạng xã hội, nhiều trang trong đó bị cộng đồng báo cáo với Facebook và bị đóng cửa nhưng vẫn còn hành chục trang với lượng thích lên đến cả trăm ngàn vẫn ngang nhiên tồn tại. Cuộc chiến xem ra còn nhiều cam go.
Dù là hữu ý hay vô tình thì người sáng tạo, nhà phát minh sáng chế hay người có tài sản trí tuệ bị đánh cắp đều bị thiệt hại. Chỉ có điều là thiệt hại lớn hay nhỏ mà thôi. Còn đối với hàng nhái, thương hiệu nhái thì không chỉ người chủ thương hiệu mà người tiêu dùng cũng bị thiệt hại, đôi khi người tiêu dùng còn bị nguy hiểm vì hàng kém chất lượng.
Khi đi ăn cắp bất kỳ một thứ gì thì rõ ràng kẻ ăn cắp rất đáng bị lên án bất kể đó là tài sản hữu hình hay vô hình. Tuy nhiên ở ta ăn cắp tài sản vô hình luôn có xu hướng ít bị ghét hơn ăn cắp tài sản hữu hình.
Có những hình thức ăn cắp tài sản trí tuệ rất tinh vi, khi tôi còn làm trong công ty tư vấn, có công ty nọ muốn thay đổi chiến lược kinh doanh, họ mời một số các công ty tư vấn khác nhau đến trình bày các ý tưởng, sau đó họ gom những ý tưởng hay ở mỗi bản chào hàng rồi chọn công ty có giá chào rẻ nhất để thực hiện. Cũng có khi họ tự thực hiện luôn, chả tốn đồng nào. Tất nhiên loại công ty này chỉ làm vậy được một lần, người ta sẽ tránh xa.
Về mặt đạo đức, trong sở hữu tài sản trí tuệ không phải là tại vì anh không đăng ký bản quyền thì tôi lấy, anh làm gì được tôi? Đó là ăn cắp. Nó cũng giống như một chiếc xe đạp để ngoài đường, dù không có khoá nó vẫn là tài sản của một ai đó và khi người nào lấy nó đi thì anh ta là một kẻ cắp. Ở các nước phát triển việc vi phạm bản quyền là rất nghiêm trọng và học sinh được giáo dục về việc này từ khi còn rất nhỏ, những bài tập lấy thông tin mà không ghi trích dẫn sẽ bị đánh trượt ngay lập tức. Nhưng ở ta thì việc này hoàn toàn chưa được chú trọng. Và khi người lớn vẫn vô tư vi phạm bản quyền thì trẻ em sẽ coi đó như một điều dĩ nhiên và sự vi phạm bản quyền sẽ diễn ra trên phạm vi rộng.
Với vi phạm bản quyền thì một biện pháp riêng lẻ không thể hạn chế được, nó cần sự kết hợp từ nhiều phía, nhiều thành phần xã hội với nhiều phương án kết hợp. Chúng ta cần sự giáo dục từ các cấp phổ thông về việc nhận biết và không vi phạm bản quyền, cần giáo dục nhận thức việc đăng ký bản quyền cho các sáng tạo, phát minh, thương quyền, thương hiệu, nhãn hiệu.
Mỗi người phải tự ý thức được việc bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình và không vi phạm sở hữu trí tuệ của người khác. Ta cũng cần sự lên tiếng của cộng đồng lên án kẻ ăn cắp tài sản trí tuệ, sự tẩy chay của người tiêu dùng với những thương hiệu nhái, hàng nhái nhãn hiệu và cuối cùng là cần có hệ thống những qui định rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm khắc trong việc xử phạt vi phạm bản quyền.
Có thế chúng ta mới mong tiến đến sự văn minh trong xã hội, văn minh trong ngành công nghiệp sáng tạo nói chung, làm động lực cho phát triển kinh tế, văn hoá và thu hút các nhà đầu tư.
Quế Ngọc Hải xin lỗi sau vụ “vi phạm bản quyền hình ảnh”
Cầu thủ của CLB Viettel gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sau khi đăng tải một ... |
Vi phạm bản quyền trên Youtube ngày càng nóng tại Việt Nam
Các trận đấu của Đội tuyển Việt Nam đang phải đối mặt với vấn nạn livestream cũng như sử dụng nội dung lậu tràn lan, ... |
Ngày đăng: 09:53 | 01/10/2020
/ vnexpress.net