Kè đê sông Lương (xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều người dân đặt câu hỏi về chất lượng của công trình được đầu tư 22 tỷ ngân sách.

Theo phản ánh của người dân xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, đầu tháng 9, hàng chục mét kè đê sông Lương thuộc dự án kè chống sạt lở và cứng hoá mặt đê đã bị sụt lún nghiêm trọng.

Tại khu vực kè bị sạt lở dài khoảng 30m, một khối lượng lớn bê tông, đất, đá bị trôi xuống sông. Những khung bê tông định hình mái đê bị đứt gãy xuống sát mặt nước, lộ ra lõi sắt.

Vị trí sạt lở kè đê sông Lương thuộc thôn Kiều Đông

Dự án này sử dụng nguồn vốn của TP Hà Nội do UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư, tổng vốn 22 tỷ đồng với chiều dài 700m.

Nhà thầu thi công dự án là công ty TNHH đầu tư xây dựng và dịch vụ Tân Đạt (địa chỉ tại huyện Thường Tín). Đơn vị giám sát là công ty CP xây dựng NHP. Theo dự kiến, đến cuối tháng này công trình sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư.

Sạt do "cõng" 400 tấn vật liệu?

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên Nguyễn Quang Khải xác nhận, đoạn sạt lở dài 28m, thuộc địa bàn thôn Kiều Đông, xã Đại Xuyên.

Theo ông, dự án kè sông Lương thuộc dự án xử lý cấp bách, nhà thầu chia thành 3 đoạn tuyến để thi công. Đoạn xảy ra sự cố thuộc đoạn tuyến 200m đầu tuyến đê, chưa được nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư. 

Dự án kè đê có tổng chiều dài 700m, vốn ngân sách 22 tỷ đồng

Nguyên nhân dẫn đến sạt lở, theo ông Khải một phần do mưa lớn, nước sông dâng cao khiến nền móng bị yếu. Nguyên nhân chính là do việc tập kết vật liệu của nhà thầu thi công xây lắp. 

"Quá trình thi công các đoạn kè thuộc dự án, công ty Tân Đạt đã tập kết tại vị trí xảy ra sạt lở hàng trăm tấn vật liệu. Theo ước tính, số vật liệu như đá dăm và các vật liệu khác khoảng 400 tấn, khiến phần mái kè bị sạt lở", ông Khải nhận định. 

Lãnh đạo Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện cho biết đã báo cáo UBND huyện, đồng thời yêu cầu nhà thầu báo cáo cụ thể về sự cố.

Đoạn sạt lở dài khoảng 30m

Theo ông Khải, mới đây, đại diện Phòng Kỹ thuật và chất lượng công trình thuộc Sở NN&PTNN Hà Nội xuống hiện trường kiểm tra hiện trạng vị trí xảy ra sự cố. Tại buổi làm việc, đại diện Sở yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế phải có báo cáo lại về hướng xử lý.

"Cơ bản thiết kế vẫn giữ nguyên theo thiết kế cũ, tuy nhiên để đảm bảo an toàn thì phải gia cố thêm hạng mục kĩ thuật. Ví dụ, trước đây theo thiết kế cọc bạch đàn cứ 1m là 5 cọc nhưng bây giờ tăng thêm gấp đôi ở bên ngoài. Dự kiến ngày 16/9 đơn vị thi công sẽ triển khai khắc phục sự cố", ông Khải nói. 

Đề xuất không sáp nhập hai phường ở phố cổ
CSGT Hà Nội phạt tiền, tước bằng lái của người cản trở đoàn xe ưu tiên
Duy Mạnh: Rất đáng buồn nếu Hà Nội FC nâng cúp ở sân không khán giả

Ngày đăng: 10:07 | 15/09/2019

/ vietnamnet.vn