Các chuyên gia văn hóa cho rằng ‘văn hóa ồn ào’ xuất phát từ sự nhận thức kém trong giao tiếp của một bộ phận người dân, họ thoải mái làm việc mình thích mà không để ý đến những người xung quanh.
Do nhận thức kém
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng trước đây khái niệm ô nhiễm tiếng ồn hay còn được nói theo cách khá châm biếm là “văn hóa ồn ào vô tội vạ” không được nhiều người biết đến cho lắm, thay vào đó người ta quan tâm đến ô nhiễm không khí, nước…
Trong các đám tiệc, người ta thường thấy chuyện ca hát say sưa thế này... Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
“Đơn giản như việc một gia đình mở tiệc tùng, ca hát với cường độ lớn sẽ gây ảnh hưởng đến những người sống xung quanh, trong phạm vi gần. Việc này nếu cứ lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thính lực và cuộc sống của nhiều người”, TS Hiệu lấy ví dụ.
Theo TS Hiệu, nguyên nhân chính của “văn hóa ồn ào” này xuất phát từ sự nhận thức kém trong giao tiếp của một bộ phận người dân, trong khi đây là một trong những quy tắc ứng xử cơ bản mà một người cần có. Một số người thoải mái thể hiện và làm những điều mình thích mà không để ý rằng những điều đó đang làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Quá giới hạn thì… vỡ trận!
Đồng quan điểm, một thạc sĩ văn hóa chuyên ngành Văn hóa, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, ngoài nguyên nhân do ý thức của người dân thì nguyên nhân khác của “văn hóa ồn ào” là do việc quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng như việc giáo dục về lối sống văn minh cho người dân.
Vị chuyên gia này chia sẻ, khi âm thanh trong môi trường sống vượt quá giới hạn chịu đựng về tâm lý cũng như thể lực của một người thì sẽ làm con người cảm thấy tâm trạng khó chịu, bực bội, nặng hơn có thể là gây ra hiện tượng điếc tạm thời, thậm chí là vĩnh viễn.
Trong khi đó, TS Hiệu còn chỉ ra thêm: “Không ít những trường hợp nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến việc người dân gây gổ, đánh nhau chỉ vì bực tức bởi phải “chịu trận” từ sở thích ca hát của người khác. Có thể hiểu đơn giản là khi tâm lý, thể lực của một người bị dồn đến ngưỡng giới hạn thì mọi thứ sẽ… vỡ”.
Theo TS Hiệu, các cơ quan ban ngành có thể đặt ra thêm quy định như cấm hoạt động gây tiếng ồn ở các khu dân cư, nơi công cộng; ngoài ra, để nâng cao ý thức của người dân thì cần chú trọng việc tuyên truyền lối sống văn minh trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên và cả các công nhân, viên chức, nếu có thể. Và quan trọng nhất vẫn chính là sự tự nhận thức của người dân và hình thức quản lý của chính quyền.
Người dân gọi trực tiếp cho Chủ tịch phường để \'tố\' việc hát karaoke ồn ào Ông Đỗ Duy Thụy, Chủ tịch UBND phường Bình Khánh (Q.2, TP.HCM), cho biết trên địa bàn phường không có tiệm karaoke nhưng người dân hát hò ở quán xá hay tiệc tùng thì vẫn diễn ra. Theo ông Thụy, người dân biết được quy định không được mở nhạc ồn ào sau 22 giờ đêm nên đến giờ này nhà nào còn ồn ào là người dân xung quanh lại gọi trực tiếp vào số của Chủ tịch phường từ khoảng 10 giờ đến 12 giờ đêm để nhờ giải quyết. “Khi nhận điện thoại, tôi sẽ báo qua công an phường để công an xuống kêu chủ nhà ra nhắc nhở. Ai được nhắc nhở cũng vui vẻ tắt nhạc và nói do hôm nay vui quá đà. Thực tế vậy nên chúng tôi chưa lập biên bản trường hợp nào. Hơn nữa để giữ hòa khí xóm làng thì những nhà mở nhạc hay hát karaoke như vậy biết là những nhà xung quanh báo rồi nên mình nhắc nhở khéo léo để người dân chấp hành”, ông Thụy cho hay. |
Karaoke xóm, màn "tra tấn" nhiều người khóc ròng - Kỳ 2: Ám ảnh "Đắp mộ" cuối tuần
Nhiều người dân sống tại một số chung cư ở TP.HCM luôn trong tình trạng như bị tra tấn mỗi khi hàng xóm cất tiếng ... |
Karaoke xóm, màn "tra tấn" nhiều người khóc ròng
Âm nhạc và đặc biệt là karaoke mang đến niềm vui và phút thư giãn hạnh phúc cho nhiều người. Nhưng karaoke xóm, đặc biệt ... |
Ngày đăng: 20:00 | 08/03/2018
/ Báo Thanh Niên