Nhiều "ông lớn" công nghệ mong Biden đắc cử với hy vọng ông có lập trường thân thiện với thung lũng Silicon, nhưng ứng viên đảng Dân chủ có thể không làm vậy.

CEO David Barrett không hề có ý định tạo ra Expensify với mục đích kêu gọi ủng hộ chính trị. Nhưng trong 4 năm qua, quá nhiều thứ đã thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngày 22/10, hai tuần trước ngày bầu cử chính thức tại Mỹ, đích thân Barrett gửi email thuyết phục đừng bỏ phiếu cho Trump tới gần 10 triệu khách hàng của công ty. "Lá phiếu bầu cho Biden chính là lá phiếu ủng hộ nền dân chủ. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc tấn công chưa từng có nhắm vào nền tảng của xã hội dân chủ", Barrett viết.

Email trên có vẻ bất thường, nhưng tâm trạng của CEO Expensify không hề khó gặp ở thung lũng Silicon. Theo dữ liệu từ OpenSecrets, các công ty công nghệ là những nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử của Joe Biden. Riêng Alphabet, công ty mẹ của Google, đã quyên góp 3,7 triệu USD cho Ủy ban vận động tranh cử của ông Biden. Đối với chiến dịch của ông Trump, không một nhà quyên góp nào đến từ ngành công nghệ, nhà tài trợ số một là Bưu điện Mỹ, tiếp theo là Bộ Quốc phòng.

3446 joe 9102 1604646894
Google, Microsoft, Amazon, Apple và Facebook là 5 trong số 7 doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch của Biden. Ảnh: Inc.

Ủng hộ của giới công nghệ Mỹ dành cho đảng Dân chủ không phải hiện tượng mới. Hai cựu Tổng thống trước đó là Bill Clinton và Barack Obama cũng nhận được hỗ trợ tài chính lớn từ các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon. Chiến lược của cả hai đều là mở rộng tiềm năng của Internet và đầu tư mạnh vào nghiên cứu.

Có rất nhiều lý do khiến thung lũng Silicon hay ngành công nghệ Mỹ muốn ông Biden thắng cử lần này. Một yếu tố quan trọng là kỳ vọng ông sẽ đảo ngược chính sách gây tổn hại và tách rời ngành công nghệ Mỹ và Trung Quốc mà Tổng thống Trump đang áp dụng.

Tuy nhiên, quan điểm của Biden với thung lũng Silicon cũng có thể khác biệt hoàn toàn với những người tiền nhiệm. Ứng cử viên 77 tuổi này đã không ít lần công khai chỉ trích Facebook và cho rằng những tập đoàn độc quyền và có quá nhiều quyền lực nên bị chia nhỏ.

Darrell West, chuyên gia tại Viện Brookings, cho biết: "Sẽ có nhiều sự giám sát cũng như điều luật chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ. Nhiều thập kỷ qua, họ đã được hưởng mức thuế thấp cùng nhiều ưu đãi từ chính quyền. Trong những năm tới, tình hình có thể sẽ khác. Đảng Dân chủ đã có quan điểm khác về mối quan hệ với các doanh nghiệp công nghệ".

Khác một số ứng viên của đảng Dân chủ thường lấy các vấn đề liên quan đến công nghệ làm chủ đề tranh luận chính, Biden hiếm khi đề cập về công nghệ trong các bài vận động tranh cử của mình. Ông được xem là một chính trị gia có chủ trương khá ôn hòa. Ông từng không công khai ủng hộ việc thực thi luật cạnh tranh triệt để chống lại những công ty như Google và Facebook, mà chỉ nói rằng chính phủ nên "lo lắng về việc tập trung quá nhiều quyền lực ở một công ty".

Tuy nhiên, những người theo sát chính sách cho rằng điều này không có nghĩa là thung lũng Silicon có thể thư giãn nếu ông Biden đắc cử. "Điều mà nhóm của ông Biden đang tập trung vào là làm thế nào để tái cân bằng nền kinh tế Mỹ, để nó trở nên công bằng hơn và chống độc quyền chính là một phần của câu trả lời", một cựu quan chức chính quyền Obama hiện làm việc trong ngành công nghệ cho biết.

Theo West, đường lối cứng rắn đối với các doanh nghiệp công nghệ thường xuất hiện ở các chính trị gia phe cánh tả của đảng Dân chủ. "Họ sẽ ép Biden đưa ra quyết định thiên về phía cánh tả. Dù ông là một người theo đường lối ôn hòa, để duy trì liên minh của mình, chắc chắn Biden phải phần nào khắt khe hơn với giới công nghệ", West nói.

Dẫu vậy, các "gã khổng lồ" công nghệ có thể sẽ không coi đây là lý do để phản đối Biden. Tháng trước chính quyền Trump buộc tội Google vi phạm luật chống độc quyền và cũng đang chuẩn bị nhắm tới Facebook. Nhưng bất kỳ cáo buộc độc quyền nào từ chính quyền cũng đều phải được thông qua tại tòa án để có hiệu lực, trong khi các thẩm phán trong lịch sử luôn luôn khoan hồng trong các vấn đề chống độc quyền.

Dưới thời Biden, một số lĩnh vực công nghệ cụ thể cũng có khả năng bị điều chỉnh, như quyền riêng tư, trí tuệ nhân tạo và cách các công ty truyền thông xã hội hoạt động.

Rob Atkinson, người đứng đầu Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ Thông tin Washington, hiện dẫn đầu nhóm tư vấn chính sách cho chiến dịch Biden. Ông cho biết các công nghệ AI sẽ được áp dụng với mục đích ngăn thành kiến về chủng tộc hoặc giới tính xuất hiện trên Internet.

"Trọng tâm hàng đầu của chính quyền Biden sẽ là công bằng chủng tộc. Các nhóm vận động ngoài kia đang biểu tình rằng nhiều hệ thống AI có thành kiến với các nhóm chủng tộc thiểu số", ông nói.

Biden cũng đã hứa sẽ đánh thuế doanh nghiệp cao hơn và đặc biệt là thách thức các khoản lợi nhuận được lưu trữ ở nước ngoài. William de Gale, Cựu Giám đốc quỹ BlackRock, cho biết điều này có khả năng ảnh hưởng đặc biệt đến các công ty công nghệ lớn.

Biden luôn muốn chứng tỏ mình khác Obama và chính sách về công nghệ thường là một trong những vấn đề mà cả hai khác nhau. Nếu thực sự những "người khổng lồ" của thung lũng Silicon nghĩ một khi Biden lên nắm quyền, thời kỳ tươi sáng của họ trước năm 2016 sẽ quay lại, khả năng cao họ đã nhầm.

Một cựu quan chức nói: "Vẫn còn rất nhiều người có quan điểm giống Obama nhưng đất nước này đã thay đổi rất nhiều. Xu hướng chống lại các công ty công nghệ là có thật".

Ông Joe Biden chuẩn bị thế nào cho kịch bản chiến thắng? Ông Joe Biden chuẩn bị thế nào cho kịch bản chiến thắng?
Ông Biden chỉ còn thiếu 6 phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống Mỹ Ông Biden chỉ còn thiếu 6 phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống Mỹ
Thế giới chia rẽ vì bầu cử Mỹ Thế giới chia rẽ vì bầu cử Mỹ

Ngày đăng: 09:30 | 07/11/2020

/ vnexpress.net