Hàng trăm thi hài nhiễm virus corona ở Italy đang xếp hàng chờ đến lượt được hỏa táng trong cảnh không có gia quyến bên cạnh.
Nửa đêm thứ Tư, Renzo Carlo Testa, 85 tuổi qua đời vì virus corona trong bệnh viện ở Bergamo. Năm ngày sau, thi hài của ông vẫn quàn trong quan tài và đang xếp hàng dài ở nhà thờ.
Franca Stefanelli, vợ của người đàn ông quá cố, muốn tổ chức một lễ tang tử tế. Dẫu vậy, người Italy bây giờ không được phép chọn dịch vụ mai táng kiểu truyền thống, do lệnh cấm tụ tập đám đông và hạn chế ra đường của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Dù sao thì bà và các con cũng không được có mặt bởi họ đang bị bệnh và phải cách ly.
"Thật kỳ quặc. Đây không phải cảm giác giận dữ mà là sự bất lực khi đối mặt với thứ virus này", bà Stefanelli, 70 tuổi không làm sao diễn tả hết được những cay đắng mình đang trải qua.
Khi những nhân viên y tế đưa ông Testa đi cấp cứu và để lại bà Stefanelli ở nhà dưỡng bệnh, đó là lần cuối cùng hai vợ chồng nhìn thấy nhau. Ông Testa qua đời bốn ngày sau đó và đối với bà Stefanelli, việc không được có mặt ở lễ mai táng, hay phải lựa chọn một số ít thành viên gia đình được tham dự, là điều không thể chịu đựng nổi.
"Họ làm sao có thể chọn được trong gia đình chứ? Trẻ con không được đến đó sao? Vợ của người quá cố không được đến sao? Đây là điều tồi tệ nhất", bà Stefanelli đau đớn nói.
Đại dịch Covid-19 càn quét khắp Italy, khiến đường phố trở nên trống vắng, hàng quán đóng cửa. Sáu mươi triệu dân Italy không khác gì bị giam lỏng tại nhà. Bác sĩ và nhân viên y tế khắp cả nước kiệt sức, vẫn phải căng mình suốt ngày đêm để giữ lại mạng sống cho mọi người.
Một trong những thước đo bệnh dịch là số sinh mạng mà nó tước đi. Ở Italy, nước có dân số già nhất châu Âu, con số này rất lớn với hơn 2.500 người chết, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Riêng ngày đầu tuần này, Italy có thêm hơn 300 ca bệnh Covid-19 thiệt mạng.
Số người chết ở vùng Lombardy, đặc biệt là tỉnh Bergamo ngày một nhiều lên. Đây chính là vùng "tâm dịch" của Italy.
Nhà xác của các bệnh viện đều quá tải. Thị trưởng Bergamo, ông Giorgio Gori, ra lệnh đóng cửa tất cả nghĩa trang địa phương, điều chưa từng xảy ra kể từ sau thời kỳ đệ nhị thế chiến. Quan tài được chuyển đến nhà thờ và xếp thành hàng dài chờ đến lượt hỏa táng.
"Không may là chúng tôi chẳng tìm được chỗ nào khác cả", mục sư Marco Bergamelli của nhà thờ cho biết. Cứ mỗi ngày lại có thêm hàng trăm người chết, mỗi lần hỏa táng mất hơn một giờ thì tình trạng quá tải này còn tồi tệ hơn nữa.
Quy định về tình trạng khẩn cấp quốc gia khiến tất cả các nghi lễ tôn giáo hay dân sinh, bao gồm cả tang lễ, đều bị cấm. Chính phủ chỉ cho phép các mục sư cầu nguyện trước sự có mặt của số ít gia quyến khi chôn cất và tất cả họ đều đeo khẩu trang.
Mục sư Marco, trong phần điếu văn ngắn gọn, thường cố gắng an ủi mọi người và khuyến khích sự quan tâm dành cho những người đang sống trong cảnh cô đơn.
"Bi kịch này nhắc nhở chúng ta phải yêu cuộc sống hơn", ông nói.
Ở làng Zogno gần đó, các cha xứ quyết định chỉ đánh chuông báo tử một lần mỗi ngày vì không muốn âm thanh đó vang lên liên hồi từ sáng đến tối. Ở một thị trấn khác, Casalpusterlengo, những đám tang không có người thân diễn ra nhiều vô kể.
Các thành viên gia đình bị chia cắt, nhiều người chết trong thời gian cách ly ở bệnh viện mà không có gia quyến hay bạn bè ở bên cạnh. Các tổ chức xã hội ở Brescia kêu gọi quyên góp máy tính bảng để các bệnh nhân có thể giữ liên lạc, hoặc trong trường hợp tệ nhất là nói lời cuối cùng với gia đình.
Tờ báo địa phương L\'Eco di Bergamo thường dành ra một trang riêng dành cho mục cáo phó, nhưng danh sách người chết trong những ngày này có lúc dài gấp 10 lần như vậy.
"Đối với chúng tôi, đó là sự chấn động về cảm xúc", Alberto Ceresoli, biên tập viên của tờ báo chia sẻ.
"Có những người chết và được chôn cất trong cô quạnh. Họ không có ai nắm tay lúc nhắm mắt và tang lễ thì chỉ được tổ chức rất hạn hẹp với phần điếu văn cầu nguyện ngắn gọn. Hầu hết gia quyến của người chết cũng bị cách ly".
Giorgio Valoti, thị trưởng của vùng đô thị Cene thuộc Lombardy, qua đời cuối tuần trước ở tuổi 70. Con trai Alessandro của ông nói rằng có tới 90 người khác cũng không qua khỏi trong ngày hôm đó ở bệnh viện Bergamo.
"Virus đang tàn sát vùng đất này. Các gia đình đang mất đi người thân. Ở Bergamo, số người chết nhiều đến mức người ta không biết phải làm gì với các thi hài", anh nói.
Ở Fibbio, một ngôi làng nhỏ ngoại ô Bergamo, một chiếc xe cấp cứu tới nhà Luca Carrara đưa người cha 86 tuổi đi vào thứ Bảy. Một ngày sau, đến lượt mẹ của ông nhập viện. Carrara, 52 tuổi, không được phép vào thăm song thân của mình vì bản thân cũng phải cách ly tại nhà với những triệu chứng nhiễm virus.
Đến thứ Ba, cha mẹ ông qua đời. Thi hài của họ được quàn tại nhà xác bệnh viện chờ hỏa táng.
Vittorio, 79 tuổi, mới mất tuần trước. Con trai cụ là Luca di Palma, 49 tuổi, gọi tới nhà tang lễ và được thông báo là không còn chỗ để thi hài nữa. Họ gửi về nhà một chiếc quan tài, vài cây nến, một cây thánh giá và một chiếc tủ bảo quản xác để gia đình tự khâm liệm. Không ai đến viếng vì sợ dịch bệnh, dù cụ Vittorio qua đời trước khi được xét nghiệm virus corona và bệnh viện cũng từ chối làm khám nghiệm tử thi.
"Thật đau đớn", ông Di Palma nói về việc phải nhìn thi hài cha mình xếp hàng chờ đến lượt hỏa táng.
Alessandro Bosi, Thư ký của Hiệp hội nhà tang lễ quốc gia, cho biết đại dịch Covid-19 là một biến cố đột ngột nằm ngoài khả năng chuẩn bị của ngành dịch vụ này. Những người làm công việc xử lý xác chết không có đủ khẩu trang và găng tay. Dù chính quyền nói rằng virus không thể lây nhiễm từ người chết sang người sống, nhưng theo lời ông Bosi, xác chết vẫn nhả khí từ phổi trong mỗi lần di chuyển.
"Chúng ta phải coi những thi hài như những trường hợp nhiễm bệnh. Nếu chúng tôi không dọn xác đi thì người ta sẽ phải gọi quân đội vào làm việc đó", ông Bosi nói.
Ở một vài nơi vùng phía Nam Italy, nơi truyền thống công giáo La Mã vẫn được đặt nặng, nghi thức mai táng là điều quan trọng không thể bỏ qua. Thông thường có khoảng 600 đến 1.000 người tham dự tang lễ. Nhà chức trách ở thị trấn Porto Empedocle vùng Sicily đã cảnh báo 48 đoàn tang lễ trong tuần trước rằng nếu vi phạm lệnh cấm của chính phủ, họ có thể bị phạt tù tới ba tháng.
Gửi những người Việt "thượng đẳng" từ ngoại quốc hạch sách ở sân bay |
Ca 68 nhiễm Covid-19 là người Mỹ lấy vợ Đà Nẵng |
Nguồn cơn cơn sốt giấy vệ sinh giữa Covid-19 |
Ngày đăng: 16:00 | 18/03/2020
/ vtc.vn