Sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria đã mở ra một mặt trận mới cho cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Trung Đông. Thay vì Iran và Nga đóng vai trò có ảnh hưởng nhất ở Syria, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia, tạo tiền đề cho một cuộc đối đầu gay gắt ở Syria.

Cuộc ganh đua mới nổi

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã ủng hộ cuộc tấn công do nhóm phiến quân Sunni, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lãnh đạo để lật đổ Tổng thống al-Assad, bất chấp các đồng minh truyền thống là Syria, Iran và Nga. Tehran đã ám chỉ rằng nếu không có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, HTS sẽ không thể đạt được sự tiếp quản dữ dội của mình.

Với sự ra đi của ông al-Assad, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là đang định vị mình là nhà lãnh đạo trên thực tế của thế giới Hồi giáo Sunni. Ông cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những cường quốc thống trị trong khu vực.

Ông Erdogan từng nói rằng Đế chế Ottoman bị chia cắt sau thất bại trong Thế chiến thứ nhất, một số thành phố của Syria, bao gồm Aleppo và Damascus, có khả năng đã là một phần lãnh thổ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã mở lại Đại sứ quán của mình tại Damascus và đề nghị giúp HTS định hình trật tự ở Syria.

Các chiến binh người Kurd đứng gác khi quân đội Mỹ chiếm giữ các vị trí ở miền Bắc Syria vào năm 2017

Các chiến binh người Kurd đứng gác khi quân đội Mỹ chiếm giữ các vị trí ở miền Bắc Syria vào năm 2017

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào của HTS đối với nhóm thiểu số người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Đông Bắc Syria, bởi họ ủng hộ nhóm ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Israel đã lợi dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để thúc đẩy tham vọng lãnh thổ và an ninh của mình. Họ đã tiến vào Cao nguyên Golan chiến lược thuộc Syria đồng thời pháo kích vào các tài sản quân sự trên khắp Syria.

Bộ trưởng ngoại giao Israel cho biết, việc phá hủy những tài sản này - bao gồm kho đạn dược, máy bay chiến đấu, tên lửa và cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học - là cần thiết để đảm bảo chúng không rơi vào “tay những kẻ cực đoan” có thể gây ra mối đe dọa cho Nhà nước Do Thái.

Quân đội Israel tuần tra dọc biên giới giữa Israel và Syria vào đầu tháng 12-2024

Quân đội Israel tuần tra dọc biên giới giữa Israel và Syria vào đầu tháng 12-2024

Thổ Nhĩ Kỳ coi hành động gần đây của Israel ở Syria và Cao nguyên Golan là hành vi chiếm đất. Các nước Ả rập cũng lên án hành động của Israel, yêu cầu tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Về mặt nguyên nhân, Israel rõ ràng lo ngại rằng Syria có thể biến thành một quốc gia thánh chiến, bất chấp thực tế là thủ lĩnh HTS Ahmad al-Sharaa (còn được gọi là Abu Mohammad al-Jolani) ám chỉ rằng ông không muốn xung đột với Israel. Ông cũng cam kết không cho phép bất kỳ nhóm nào sử dụng Syria để tấn công Israel. Đồng thời, ông al-Sharaa đã kêu gọi Israel rút quân khỏi lãnh thổ Syria theo thỏa thuận năm 1974.

Xung đột cấp độ mới

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã chỉ trích Israel và sự căng thẳng giữa đôi bên leo thang đáng kể từ khi nổ ra xung đột ở Gaza. Ông Erdogan đã kêu gọi một mặt trận Hồi giáo Ảrập để ngăn chặn Israel ở Gaza. Ông cũng chỉ trích việc Israel tấn công lực lượng Hezbollah ở Lebanon vào đầu năm nay. Tương tự, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích ông Erdogan trong nhiều năm.

Binh sĩ Mỹ kiểm tra cơ sở khai thác dầu ở ngoại ô Rumaylan, thuộc tỉnh Hasakeh ở phía Đông Bắc Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích vào ngày 28-10

Binh sĩ Mỹ kiểm tra cơ sở khai thác dầu ở ngoại ô Rumaylan, thuộc tỉnh Hasakeh ở phía Đông Bắc Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích vào ngày 28-10

Trong khi đó, Washington, đồng minh của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, đã nỗ lực ngoại giao để đảm bảo rằng HTS đưa Syria đi theo hướng có lợi. Họ rất muốn thấy một hệ thống quản trị hậu Assad phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Những lợi ích này bao gồm sự ủng hộ của HTS đối với các đồng minh người Kurd ở đông bắc Syria và sự hiện diện liên tục của 1.000 quân Mỹ ở quốc gia này. Mỹ cũng muốn HTS tiếp tục ngăn chặn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo chớp cơ hội để hồi sinh.

Một số nhà quan sát không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Israel biến cái mà họ gọi là sự chiếm đóng tạm thời của mình đối với khu phi quân sự ở phía Syria của Cao nguyên Golan thành một cuộc chiếm hữu lãnh thổ vĩnh viễn. Không hẳn đó là một cuộc chiến mới nhưng mức độ thù địch lẫn nhau chắc chắn đạt đến một cấp độ mới.

Lực lượng có vũ trang hiện diện ở Thủ đô Damascus, Syria vào ngày 13-12-2024

Lực lượng có vũ trang hiện diện ở Thủ đô Damascus, Syria vào ngày 13-12-2024

Tương lai ổn định ở Syria phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các nhà lãnh đạo HTS có thể thiết lập một hệ thống chính trị toàn diện và thống nhất hay không.

https://www.anninhthudo.vn/israel-va-tho-nhi-ky-doi-dau-gay-gat-o-syria-post598807.antd

Ngày đăng: 14:09 | 19/12/2024

Yên Vũ / ANTD