Israel lo lắng vì Mỹ không có những động thái quyết liệt với Iran, trong khi Saudi Arabia và UAE lặng lẽ bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với Tehran.
Liên minh chống Iran bất thành, đồng minh Mỹ lặng lẽ đàm phán với Tehran
Các nguồn tin chính trị-quân sự của DEBKAfile (Israel) cho biết, hai quốc gia Ả rập có ảnh hưởng lớn nhất ở vùng Vịnh là Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đã âm thầm bắt tay vào các cuộc đàm phán với Tehran, sau khi chờ đợi vô ích trong hai tháng để các lực lượng Mỹ trừng phạt Iran, vì đã tấn công các cơ sở dầu mỏ của họ.
DEBKAfile tiết lộ, các quốc gia vùng vịnh Ba Tư, đứng đầu là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Saudi Arabia, đã kết luận rằng: Các mục tiêu của chính quyền Donald Trump trong cuộc đối đầu với Iran không phù hợp với lợi ích của họ.
Một quan chức ở Abu Dhabi đã bình luận trong tuần này rằng: Nếu các cuộc đàm phán với Iran là những gì Washington đang theo đuổi, thì những nước này không quan tâm đến việc tham gia kế hoạch liên minh an ninh hàng hải của Mỹ và Anh cho vùng Vịnh, vì sức mạnh răn đe của nó sẽ vô cùng hạn chế.
Kế hoạch tạo lập một lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo thực sự đã tiến triển vô cùng chậm chạp vì nó bị từ chối hoặc bị bỏ qua bởi hầu hết các chính phủ được mời tham gia.
Hoàng tử kế vị của UAE, ông Sheikh Muhammed bin Ziyad (MbZ) là người đầu tiên ly khai khỏi định hướng của Mỹ với một sáng kiến độc lập của mình là đàm phán với Iran.
Các nguồn tin tình báo DEBKAfile báo cáo rằng, một phái đoàn UAE đã đến Tehran vào ngày 30 tháng 7 để gặp các nhà lãnh đạo Iran lần đầu tiên sau sáu năm thù oán. Họ đã thảo luận về an ninh hàng hải ở vịnh Ba Tư, Eo biển Hormuz và cửa ngõ vào Biển Đỏ thông qua Eo biển Bab-el-Mandeb (hay Bab el Mandab).
Theo các nguồn tin của trang web Israel, chính quyền Abu Dhabi đã đánh dấu sự hòa hoãn với Iran bằng cách rút lực lượng quân sự khỏi Yemen và bàn giao các hòn đảo ở Bab-el-Mandeb và một phần bờ biển phía tây của Ả Rập cho một nhóm dân quân Yemen, có một số thành viên lãnh đạo đã từng liên kết với dân quân Houthi thân Iran.
Nguồn tin độc quyền của DEBKAfile tiết lộ, những tiến triển này đã khuyến khích Tehran, bí mật tìm kiếm các kênh tiếp xúc với Thái tử Saudi Arabia là Muhammed Bin Salman và đề xuất các cuộc đàm phán tích cực như những gì đang diễn ra với UAE.
Có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Thái tử Saudi Arabia đang nghiêm túc xem xét lời đề nghị của chính quyền Tehran về những căng thẳng xung quanh tuyến vận tải dầu qua eo biển Hormuz.
Israel cảm thấy rất lo lắng vì Mỹ án binh bất động, Saudi-UAE lại bắt tay Iran |
Israel đơn độc trong cuộc đối đầu quân sự chống Iran
Giới chuyên gia nhận định rằng, cú lật kèo với Washington của hai đồng minh thân thiết ở vùng Vịnh đã làm giảm các đòn bẩy có sức nặng của Chính quyền Donald Trump đối với Tehran trên con đường áp đặt các lệnh trừng phạt. Sự kiện này cũng cho thấy Iran đang nỗ lực xoay sở để thoát khỏi sự cô lập quốc tế do Mỹ áp đặt. Và điều này khiến Israel hết sức lo lắng.
Bước ngoặt mạnh mẽ này diễn ra trái ngược với nỗ lực đơn độc của chính quyền Israel và quan điểm cá nhân của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chống lại Iran, trong thời điểm ông đang lãnh đạo đảng Likud của mình trong chiến dịch tái tranh cử vào tháng 9.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Washington với Tel Avip và các mối quan hệ của Israel với nhóm các cường quốc Ả rập ở vùng vịnh Ba Tư - trong một liên minh “đồng sàng dị mộng” chống lại Tehran, là những yếu tố quan trọng để giành phiếu trong chiến dịch tranh cử của ông Netanyahu.
Bước ngoặt ở vùng Vịnh, khi các nước Ả rập chuyển sang xu hướng hòa hoãn với Iran, có thể đưa thủ tướng Israel vào thế khó.
Ông Netanyahu sẽ phải giải thích lý do tại sao liên minh chống Iran lại không thể thực hiện được, tại sao Israel lại đơn độc trong tư cách là quốc gia duy nhất trong khu vực sẵn sàng chống Iran về mặt quân sự và tại sao Tel Avip lại mất đi sự ủng hộ tích cực của Washington, Riyadh hay Abu Dhabi.
Lựa chọn khả dĩ nhất của ông sẽ là nói lên các khía cạnh kinh tế và công nghệ của các mối quan hệ mà ông đã phát triển với các quốc gia vùng Vịnh, là yếu tố mạnh nhất của liên minh. Thế nhưng, những liên kết lỏng lẻo về kinh tế không thể giúp hình thành lên một liên minh chính trị-quân sự.
Mỹ là cầu nối duy nhất giữa các quốc gia Ả rập với Israel, nhưng Washington cũng chưa bao giờ ép buộc được Riyadh và Abu Dahbi phải “yêu thương” Tel Avip. Hiện nay, trong khi Washington không hề có ý định áp dụng các biện pháp mạnh với Tehran thì chẳng có lí do gì các nước này lại kết minh với Israel để đối đầu với Iran.
Iran là kẻ thù chung của Israel và các nước Ả rập vùng Vịnh nhưng chính các nước này cũng là kẻ thù chung của nhau.
Iran và các nước Ả rập vùng Vịnh đối đầu với nhau về ý thức hệ tôn giáo giữa đạo Hồi dòng Sunni và dòng Shia; nhưng cả hai đối thủ cùng là đạo Hồi này cũng có quan điểm thù địch với Israel vốn thuộc Do thái giáo.
Trong trường hợp chiến tranh có thể xảy ra, Saudi và UAE hoàn toàn có thể liên kết với Iran để đối phó với Israel nhưng họ cũng có thể bắt tay với Tel Avip để đấu với Tehran. Và những liên kết tay ba đầy rắc rối này có thể hình thành bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào bối cảnh chính trị ở thời điểm đó.
Những diễn biến mới nhất đã cho thấy rằng, ý định của Washington tạo lập liên minh vùng Vịnh nhằm chống lại Tehran là rất khó trở thành hiện thực, bởi các nước Ả rập không có động lực làm điều này, khi nhìn thấy những hành động khá “nhũn nhặn” của Mỹ đối với Iran trong mấy tháng qua.
Ngày đăng: 15:49 | 05/08/2019
/ baodatviet.vn