Những động thái của Iran gần đây cho thấy lực lượng này chưa bao giờ có ý định rời khỏi Syria, thậm chí còn muốn tăng cường hơn nữa ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông.
Iran dường như không có kế hoạch rút lực lượng khỏi Syria.
Cuộc xung đột Iran-Israel ở Syria dường như đã đang lâm vào thế bế tắc, nhà phân tích địa chính trị Israel Mylene Doublet O\'Kane nói với Sputnik, cảnh báo rằng tình hình hiện tại có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các thế lực cả trong và ngoài khu vực.
Cũng theo nhà phân tích này, khả năng đối đầu vũ trang giữa Israel với Iran là rất cao, đồng thời cho rằng, Mỹ và các đồng minh có thể sẽ hành động khi một cuộc chiến nổ ra.
Bình luận về các cuộc tấn công của Tel Aviv vào lãnh thổ Syria thời gian gần đây, nhà phân tích địa chính trị giải thích rằng một trong những mối quan tâm chính của Israel là "hành lang hỗ trợ nối dài" từ Tehran tới Syria và Lebanon có thể được Tehran sử dụng để hỗ trợ cho Hezbollah và Hamas – các nhóm mà Israel và một số quốc gia khác gắn mác là khủng bố.
"Ở Syria, mục tiêu quan trọng của Israel là tuyến đường chạy dọc theo sông Euphrates với cứ điểm quan trọng là al-Bukamal, biên giới Iraq-Syria ", chuyên gia O\'Kane cho hay. Theo đó, Iran đang đứng giữa nguy cơ có thể bị tấn công "từ nhiều hướng, bao gồm cả ở lãnh thổ Syria và có thể ở Iraq, Yemen".
Tehran đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịch bản này bằng cách thúc đẩy mối quan hệ với giới lãnh đạo Iraq mới nổi, nhà phân tích nêu quan điểm.
Sự nổi lên của Chính phủ mới ở Iraq được cho là có vai trò quan trọng đối với Iran. Trong đó liên minh cánh tả của giáo sĩ Muqtada al-Sadr đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây.
Ngay trước ngày bầu cử Quốc hội Iraq, Tehran đã cử Tư lệnh trưởng lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - Qassem Soleimani đến Bagdad. Theo nhà phân tích, sự hiện diện của ông là nhằm tăng cường mối quan hệ với nhà lãnh đạo tiềm năng của Iraq để đảm bảo ảnh hưởng của Iran trong khu vực .
Vào ngày 16/5, Reuters trích dẫn các nguồn thạo tin nói rằng, ông Soleimani đang đàm phán với các chính trị gia Iraq để thúc đẩy sự hình thành một nội các mới. Vào ngày 12/6, sau một thời gian đàm phán kéo dài, Liên minh Sairun của al-Sadr đã đạt được thỏa thuận với Liên minh Fatah ủng hộ Iran.
Nhà phân tích nhấn mạnh đây là một động thái đáng lưu ý khác cho thấy Tehran không hề muốn rút lui khỏi Syria trong bối cảnh áp lực từ Mỹ và các đối tác ở Trung Đông.
Iran không có kế hoạch rút khỏi Syria
Tướng Qassem Soleimani đã có chuyến thăm Bagdad trong thời gian gần đây.
Chuyên gia O\'Kane bày tỏ sự hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani về việc rời khỏi Syria, nhắc đến khoản đầu tư về "năng lượng và tiền bạc” mà Tehran dùng để gây dựng ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông".
"Iran không hề có kế hoạch rút lui khỏi lãnh thổ Syria", O\'Kane nhấn mạnh. Mặt khác, nhà phân tích tin rằng sự tiến quân gần đây của Quân đội Ả Rập Syria (SAA) về phía Nam Syria mang đến những rủi ro nhất định đối với Israel nếu Iran vẫn bảo tồn sự hiện diện quân sự của mình ở quốc gia này. Tel Aviv đặc biệt nhạy cảm về việc triển khai quân đội Iran trên biên giới của mình.
Trong tình huống nói trên, Israel đang quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga - một nhà trung gian mới nổi ở Trung Đông.
Đầu tháng 6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ những lo ngại về an ninh biên giới Syria - Israel trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước các động thái tiến quân ở mặt trận phía tây nam Syria.
Một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng Iran-Israel hiện tại có vẻ là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn của Moscow trong bối cảnh hai nước không cho thấy sẽ sẵn sàng sự nhượng bộ.
Thêm vào đó, những khiêu khích tiếp tục nổ ra ở khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát đang được cho là yếu tố “đổ thêm dầu vào lửa”. Hai nước được cho là đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, Tehran phủ nhận sự tham gia của mình.
Vào đầu tháng 6, Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) đã khởi động các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn bất ngờ ở Cao nguyên Golan. Đáp lại, Syria cũng tiến hành các bước đi củng cố hệ thống phòng không trong khu vực .
Không có giải pháp
Theo chuyên gia O\'Kane, tình hình ở miền Nam Syria vẫn tiếp tục leo thang và chưa cho chấy một giải pháp ngoại giao khả thi nào. Nhà phân tích này cho rằng, Mỹ và các đồng minh vùng Vịnh có thể đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các mục tiêu được cho là của Iran ở Syria vào giữa tháng 7.
"Nói chung, cuộc chiến ở Syria sắp bước vào một cuộc xung đột khu vực lớn với các điểm nóng căng thẳng khác nhau", chuyên gia O\'Kane nhấn mạnh.
Tel Aviv và Washington tiếp tục yêu cầu Iran rút các cố vấn quân sự khỏi lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, việc đích thân Damascus yêu cầu sự giúp đỡ của Iran trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm, đã báo hiệu rằng tiến trình rút quân Iran vẫn là câu chuyện chưa có lời giải.
Ngày đăng: 22:45 | 26/06/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn