Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đang đối mặt với tình thế rất nguy hiểm, sau vụ vỡ đập thủy điện ở Ukraine cùng với cuộc phản công của Kiev.

Đưa ra cảnh báo trong chuyến thị sát tới nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia hôm 15/6, ông Rafael Grossi nêu rõ: "Chúng ta có thể thấy tình hình tại đây đang nghiêm trọng, hậu quả của việc vỡ đập Nova Kakhovka".

Cụ thể, ông Rafael Grossi nhấn mạnh, mực nước trong hồ chứa cung cấp năng lượng cho nhà máy đang giảm dần đều, song đây chưa phải là “mối nguy hiểm tức thời”. Điều đáng lo ngại nhất chính là nguy cơ vỡ cổng chứa nước, đe dọa đến khả năng làm mát của lò phản ứng. 

1-1686871571506
Hiện 5/6 lò phản ứng tại nhà máy Zaporizhzhia đã ngừng hoạt động. Ảnh: Wiki.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thuộc tỉnh cùng tên, nằm phía thượng nguồn đập Nova Kakhovka chắn ngang sông Dnieper. Con đập bị vỡ hôm 6/6. Cả Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho đối phương trong vụ việc này. Hiện tại, Tổng Giám đốc IAEA cho biết, một số biện pháp đã được thực hiện để giữ ổn định tại nhà máy, nhưng không tiết lộ các biện pháp này là gì.

Theo AP, phía Ukraine mới đây hy vọng có thể ngừng hoạt động của lò phản ứng cuối cùng đang hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhằm ngăn chặn phản ứng phân hạch hạt nhân và tạo ra nhiệt độ, áp suất. Hiện tại, 5/6 lò phản ứng của nhà máy đã ngừng hoạt động. Được biết, các kỹ sư người Ukraine vẫn đang vận hành nhà máy dưới sự kiểm soát của quân đội Nga và các thanh sát viên của IAEA sẽ tiếp tục ở lại Zaporizhzhia. 

Khi được hỏi về khả năng Nga và Ukraine ký một văn bản đảm bảo an ninh của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, ông Rafael Grossi cho rằng điều này là phi thực tế. 

Trước đó, Energoatom - Cơ quan quản lý các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine đề xuất khu vực quanh nhà máy Zaporizhzhia sẽ trở thành khu phi quân sự. Cả Nga và Ukraine đều không được hiện diện quân sự tại đây và việc đảm bảo an ninh cho nhà máy sẽ do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đảm trách.

Tuy nhiên, phía Nga đã từ chối, cho rằng Ukraine sẽ đưa quân vào chiếm nhà máy khi quân đội Nga rút đi và Nga đang bảo vệ chứ không phải hủy hoại nhà máy.

Ngày đăng: 08:12 | 16/06/2023

Kim Ngọc / CAND