Sau bao năm bỏ mặc tình thâm, nguyên đại tá công an trở về làm thân với anh trai mang theo mưu đồ, thủ đoạn lừa người sống, ‘đón người chết’ lên ngôi nhà mới xây nhằm thôn tính đất đai?
Một tháng rưỡi đã trôi qua kể từ ngày chồng mất vì bệnh tật và những vết thương do chính em trai và cháu ruột đánh đập, bà Cao Thị Chín (SN 1975, trú tại thôn 4, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vẫn chưa hết đau xót, uất nghẹn kể lại âm mưu, thủ đoạn của người em chồng.
Bà Chín bên bàn thờ người chồng ra đi trong đau đớn và uất nghẹn khi bị chính em ruột, cháu ruột đánh đập dã man. (Ảnh: Minh Khang) |
Âm mưu thôn tính mảnh đất giá trị của người em tàn nhẫn?
Lấy khăn tang lau vội dòng nước mắt, bà Chín kể, chồng bà (ông Nguyễn Mạnh Hồng, SN 1957) có người em trai là ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1959, nguyên đại tá Công tại một cơ quan An ninh thuộc Bộ Công an). Sau nhiều năm lạnh nhạt, ông Tuấn bỗng trở về thăm hỏi rồi bàn tính cùng vợ chồng bà xây căn nhà khang trang để thờ cúng tổ tiên cũng là để vợ chồng bà dễ bề chăm sóc mẹ lúc tuổi già sức yếu.
Vợ chồng bà Chín có đất nhưng không có tiền xây nhà nên nghe ông Tuấn nói có phần hợp lý, hai bên thống nhất "anh có đất, em có tiền làm nhà”.
Bỏ tiền xây dựng nhà thờ cúng gia tiên, phụng dưỡng mẹ già, nối lại tình thâm nhưng đó có phải là mục đích chính của nguyên đại tá Công an Nguyễn Anh Tuấn? |
Vậy là căn nhà được xây khang trang trên mảnh đất của vợ chồng bà Chín bằng tiền của ông Tuấn.
Tuy nhiên, ngay khi căn nhà được làm xong phần thô, còn chưa kịp hoàn thiện, vợ chồng ông Tuấn "trở mặt" nói rằng ngôi nhà xây lên là để thờ cúng gia tiên chứ không phải để vợ chồng ông Hồng, bà Chín lên ở.
Không đồng ý với vợ chồng em trai, ông Hồng giữ nguyên ý kiến của mình cho rằng sẽ thực hiện đúng như thống nhất ban đầu. Vợ chồng ông sẽ đón mẹ già về chăm sóc trong ngôi nhà mới xây và hàng ngày thờ cúng gia tiên.
Bà Nga (em gái của hai ông Hồng, Tuấn) cũng khuyên hai anh nên thực hiện theo đúng cam kết như trước, tránh những mâu thuẫn không đáng có. Nghe anh trai và em gái nói vậy, lúc này, ông Tuấn chỉ im lặng nhưng vợ ông thì phản đối vì cho rằng vợ chồng ông Hồng lên ở sẽ không tránh khỏi việc quan hệ vợ chồng làm ô uế ngôi nhà.
Bỏ qua lý do của vợ ông Tuấn, ông Hồng vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu rằng sẽ đón mẹ già về căn nhà mới ở để chăm sóc và hương khói gia tiên.
Ngôi nhà to đẹp, kiến trúc hiện đại này còn ý nghĩa gì khi "huynh đệ tương tàn"? |
"Huynh đệ tương tàn" vì sốt đất
Bà Chín cho biết, vì ông Hồng là con trưởng nên vợ chồng bà rất cẩn trọng trong việc thờ cúng gia tiên. Tuy nhiên, khi căn nhà nhà vừa làm xong, vợ chồng ông Tuấn lại tự ý lập ban thờ, bát hương rồi về thờ cúng mà không nói với vợ chồng bà câu nào.
Theo lời bà Chín, hôm đó, vợ chồng ông Tuấn về để chuyển ban thờ và làm lễ yên vị bát hương thờ cúng gia tiên trong ngôi nhà mới xây. Ông Tuấn nói sáng hôm sau mới làm lễ nên bảo vợ chồng anh trai cứ về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi bà Chín dậy đã thấy bàn thờ, bát hương đã yên vị trong ngôi nhà mới, còn ông Tuấn đang đi hóa vàng mã.
Lúc này, bà Chín hỏi thì ông Tuấn cho biết đã làm lễ xong từ đêm vì "ban ngày làm lễ có người lạ mất thiêng". Bà Chín lại hỏi sao làm lễ từ đêm mà không gọi vợ chồng bà thì ông Tuấn đáp: "Anh ấy ốm đau gọi làm gì”.
Sau đó, ông Tuấn bảo bà Chín lấy vài chân hương ở bát hương cũ nhà vợ chồng bà thờ cúng mang lên cắm vào bát hương mới do vợ chồng ông Tuấn lập.
Tuy nhiên, sau khi đi hỏi một số thầy cúng, vợ chồng ông Hồng mới biết việc lập bàn thờ, bát hương như ông Tuấn làm là “không có nghĩa lý gì” vì mảnh đất đang ở là của vợ chồng ông Hồng, ông Hồng lại đang là trưởng.
Vậy là ngày 29 Tết nguyên đán Bính Tuất (2018), ông Hồng chuyển những bát hương đang thờ gia tiên từ ngôi nhà cũ lên ngôi nhà mới xây và ‘hóa’ những bát hương mà vợ chồng ông Tuấn lập trước đó.
Cuối tháng giêng, chủ thầu được ông Tuấn thuê về thi công hoàn thiện ngôi nhà nhưng ông Hồng không đồng ý vì vợ chồng ông Tuấn đã không thực hiện như ban đầu cam kết nên không hợp tác nữa. Ông Hồng cho biết sẽ bán đất đi lấy tiền để trả ông Tuấn số tiền đã bỏ ra làm nhà và được ông Tuấn chấp thuận.
Sau bao năm gặp lại, ông Hồng không ngờ rằng có ngày chính người em ruột thịt lại ra tay với chính mình. |
“Biết vợ chồng tôi nghèo không có tiền trả, đương nhiên căn nhà và phần đất xây dựng ngôi nhà sẽ trả cho ông Tuấn” – bà Chín nhận định.
Từ đó, ông Tuấn không về gặp gỡ vợ chồng ông Hồng cho đến ngày 9/3, ông Tuấn cùng con trai và 2 người khác về dùng búa đinh đánh đập vợ chồng anh trai, ép viết giấy nợ 3,7 tỷ đồng rồi mới bỏ đi.
“Ngày xưa mảnh đất có được như bây giờ đâu. Bao năm vợ chồng tôi nai lưng ra làm mới được thế này. Đây là mảnh đất đổ đã bao mồ hôi, công sức và cả máu của chồng tôi nữa...” – bà Chín nghẹn ngào.
Bà Chín cho biết, mộ chồng chưa xanh cỏ thì đã có kẻ đang có mưu đồ thôn tính đất đai mà vợ chồng bà bỏ bao công sức ra cải tạo, sinh cơ lập nghiệp từ khi mảnh đất này là nơi \'khỉ ho cò gáy".
Ngày 12/4, ông Hồng qua đời tại nhà sau một thời gian nằm viện cấp cứu trong khi vụ còn án chưa đưa ra xét xử, kẻ gây tội ác chưa bị pháp luật trừng trị.
Giờ đây, bà Chín trở thành người quả phụ đơn độc giữa ngôi nhà trống trải với khoảnh đất rộng gần 7.000m2 ở Vân Đồn - nơi đang "nóng" lên từng ngày vì "sốt" đất.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
\'Sóng ngầm\' ở Phú Quốc: Băng nhóm lộng hành, cán bộ vào tù 10 năm về trước, Phú Quốc là một hòn đảo yên bình, xe để trên đảo không cần khóa. Nhưng trong vòng xoáy của cơn ... |
Xử tranh chấp đất, UBND huyện "nhờ" TAND Tối cao Không phục bản án về khiếu nại thu hồi đất tranh chấp chưa đến 30 m2 giữa 2 hộ dân của TAND tỉnh Thanh Hóa, ... |
Phút cuối bất ngờ trong vụ tranh chấp mảnh đất mặt phố tiền tỷ “Trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi có miếng đất để lại cho các con vậy mà chúng tranh giành, xâu xé lẫn nhau. Trong ... |
Ngày đăng: 09:28 | 02/06/2018
/ https://vtc.vn