Nhân chuyến công tác miền Trung, đoàn công tác của Báo Quảng Ninh có dịp ghé thăm danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng. Chị Bích Hạnh, Trưởng Phòng Hành chính trị sự Báo Quảng Bình, là “hướng dẫn viên” cho đoàn, bảo: “Em nghĩ các anh từ ngoài nớ vô rất nên đến thăm hang Tám Cô. Khách gần xa qua đây vẫn thường viếng thăm hang, nhất là dịp ni...”.Cung đường “Tuổi hai mươi”...
Cung đường “Tuổi hai mươi”...
Hơn 7 giờ sáng, từ khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, xe đưa chúng tôi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Những cơn mưa sau cơn bão số 2 vừa qua đã gột sạch bụi bẩn, làm cho tán rừng già u tịch xanh thẫm hơn. Con đường có lúc dốc hụp xuống, sâu hun hút. Xe chạy đến ngã tư Trạ Ang, nơi giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và đường Hai mươi thì rẽ phải, đi thêm chừng 2km nữa thì đến hang Tám Cô.
Sau khi biện lễ hương hoa, cả đoàn thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ đường Hai mươi Quyết thắng trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm buồn. Đền toạ lạc ngay cạnh di tích hang Tám Cô và do một đơn vị bộ đội quản lý, trông nom. Vốn là dân xứ Nghệ, dường như cái giọng nói nằng nặng của Trung sĩ Nguyễn Sĩ Nam, hướng dẫn viên của Di tích, càng khiến cho không khí trầm lắng, thiêng liêng hơn, khiến tôi cảm thấy quá khứ hào hùng như vừa mới diễn ra…
Hang Tám Cô hàng ngày đều có các đoàn khách viếng thăm. |
Ấy là những năm 1965-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn khốc liệt. Do yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, để chia lửa cho đường 12A, Bộ Chính trị quyết định mở thêm con đường từ bến phà Xuân Sơn bên dòng sông Son (thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xuyên qua đại ngàn Trường Sơn, nối với đường 128B ở ngã ba Lùm Phùm (thuộc huyện Bulapha, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào).
Sau bốn tháng đội mưa bom bão đạn thi công, với hàng ngàn bộ đội, TNXP ngã xuống, ngày 5-5-1966, con đường đã hoàn thành vượt mức thời gian như một kỳ tích. Sở dĩ, đường được đặt tên là đường Hai mươi Quyết thắng là bởi các chiến sĩ bộ đội, TNXP tham gia mở đường hầu hết đều ở lứa tuổi hai mươi. Và không ít người đã nằm xuống trên con đường này với “mãi mãi tuổi hai mươi”; trong đó câu chuyện về sự hy sinh đau thương mà lẫm liệt của 8 cô gái TNXP tại chính Di tích này giờ đây đã đi vào huyền thoại…
Chiều ngày 14-11-1972, máy bay Mỹ lao đến thả bom vào trọng điểm Km16 (tức khu vực hang Tám Cô này) như bao ngày khác. Có 8 TNXP, đều quê ở huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) thuộc biên chế Đại đội 217, Đội TNXP 25, Ban Xây dựng 67, Binh đoàn 559, gồm Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỷ, Hoàng Văn Vụ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương đang bám đường thì phải chạy vào một hang đá tránh bom rải thảm.
Sau loạt bom, những đơn vị chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Đồng đội đã tìm mọi cách để cứu, đã dùng đến 3 xe xích hợp lực lại để kéo nhưng khối đá không hề lay chuyển. Phương án dùng bộc phá phá tảng đá cũng không khả thi vì khi mìn nổ thì những người bị lấp trong hang sẽ hy sinh. Đồng đội chỉ còn cách dùng ống nhựa luồn qua khe đá, rồi nghiền cháo, lương khô, thuốc B1 hoà với nước đổ cho chảy vào phía trong với mong muốn những người trong hang tiếp nhận.
Văng vẳng trong hang đá vọng ra tiếng kêu con gái: “Bầm ơi, cứu con. Các anh chị ơi, cứu chúng em với…” nghe xót xa mà đau đớn, bất lực. Đến ngày thứ 9 thì trong hang tiếng kêu không còn nữa…
Khóm chuối lạ bên cửa hang Tám Cô. |
Mãi đến năm 1996, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi hang về với quê hương cùng với 5 chiến sĩ pháo binh hi sinh ngay trước cửa hang trong trận bom ngày 14-11-1972 ấy. Các di vật của 8 liệt sĩ tìm thấy trong hang giờ được trưng bày tại ngôi đền, như dép cao su, mảnh vải dù, hộp kem đánh răng, lược chải đầu bằng mảnh xác máy bay...
Ngày 15-5-2009, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 8 liệt sĩ TNXP ở hang Tám Cô. Chuyện rằng trong dịp kỷ niệm đó, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã trò chuyện được với 8 liệt sĩ. Cả 8 người đều bày tỏ vui mừng vì đất nước đã không quên họ; rằng hãy để linh hồn họ ở lại đây cùng với các đồng đội liệt sĩ; ở lại với nắng, với gió đại ngàn Trường Sơn để họ được sống với quá khứ...
Những con số 8 kỳ lạ...
Theo Trung sĩ Nam, đền thờ các anh hùng liệt sĩ đường Hai mươi Quyết thắng được rất nhiều đoàn khách đi qua đây viếng thăm, không chỉ tri ân các anh hùng liệt sĩ mà còn bởi yếu tố tâm linh. Đặc biệt là con số 8 kỳ lạ. Trước cửa hang Tám Cô, Trung sĩ Nam chỉ cho chúng tôi bụi chuối rừng mà không được giới thiệu chắc tôi cũng không để ý. Anh kể đúng vào dịp cả nước nô nức kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, bụi cây chuối rừng mọc ở cửa hang bỗng trổ hoa và ra một buồng 8 nải.
Câu chuyện này thời điểm đó đã được dư luận cả nước xôn xao, rất nhiều người không quản đường xa vạn dặm đã lặn lội tìm về hang Tám Cô để mục sở thị cây chuối lạ này. Nói là lạ bởi cây chuối mọc xuyên qua kẽ đá giữa một vùng toàn đá và đá, mà vẫn chắc khoẻ, xanh tốt. Lạ nữa là chuối rừng thường mọc thành bụi, thành khóm nhưng giống chuối ở trước cửa hang Tám Cô chỉ mọc từng cây một.
Bao giờ cây lớn chết thì mới có cây khác đội đá vọt lên, thay thế. Sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn, thân chuối rũ khô nhưng buồng chuối 8 nải thì vẫn xanh mởn, không chín như vẫn thường thấy. Chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó, mọi người bảo, sở dĩ chuối không chín là bởi các liệt sĩ hy sinh trong hang khi tuổi còn xanh. Theo tay anh Nam chỉ, tôi nhìn quả đúng là khóm chuối hiện có 3 cây, trong đó có 1 cây lớn nhất đã chết, nhường chỗ cho 1 cây con đang lên...
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng bên cạnh hang Tám Cô. |
Chuyện buồng chuối ra 8 nải chưa làm mọi người hết ngạc nhiên thì người ta lại phát hiện trên vách đá một tổ chim có 8 quả trứng; đôi tắc kè sống trong ngôi đền cũng đẻ 8 quả trứng... Trung sĩ Nam cho biết đôi tắc kè này sống ở trong đền đã gần chục năm. Dịp kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn và đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 8 liệt sĩ hang Tám Cô, cặp tắc kè ấy đã đẻ trứng vào bức tường gian giữa của đền; 8 quả trứng đó nở ra 8 chú tắc kè con, chẳng hỏng quả nào.
Chưa hết, đúng vào đêm lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, tổ chức ngay tại sân đền (có tường thuật trực tiếp trên Đài THVN khi đó) được đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng nghìn khách thập phương về dự.
Sau bài diễn văn ôn lại truyền thống, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559, quay mặt về phía cửa hang xúc động bày tỏ sự tưởng nhớ tri ân với các liệt sĩ. Lời của Trung tướng vừa dứt thì bất ngờ trong hang, những tiếng “tắc kè, tắc kè” trong vắt cất lên. Khó tin hơn, những tiếng kêu đó phát ra đúng 8 lần rồi bặt hẳn. Trong không khí tĩnh lặng, tất cả mọi người đều nghe rõ tiếng kêu lạ kì ấy. Ai nấy đều ngạc nhiên tột độ và sau cái cảm giác khó tả ấy là nước mắt…
Sau cái đận ấy, gần đây, những người giữ đền lại phát hiện đôi tắc kè đang đẻ lứa trứng mới. Lần này, thay vì gian giữa, đôi tắc kè chọn bức tường sau tủ gian bên trái đền để đẻ trứng. Hôm đoàn chúng tôi đến, cặp tắc kè mới đẻ được 6 trứng. Trung sĩ Nam hồi hộp bảo không biết lần này con số 8 kỳ lạ có lặp lại nữa không? Tôi hít một hơi thở sâu vào lồng ngực.
Bầu trời Trường Sơn trong xanh sau cơn mưa nhỏ thoáng qua, chỉ có tiếng lá rừng xào xạc tưởng như lời ru của mẹ, của đất nước cho giấc ngủ ngàn thu của những người con anh dũng đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Con đường Hai mươi Quyết thắng nhuốm bao máu xương các liệt sĩ ngày nào giờ yên bình, trở thành con đường của những di tích lịch sử chống Mỹ. Từng đoàn khách qua đường vẫn đang đến để viếng hang Tám Cô...
Phong Nha - Hạ Long, đầu tháng 7-2013
Ngày đăng: 10:51 | 18/08/2017
/ Trần Minh/Báo điện tử Quảng Ninh