Với kinh nghiệm ở Mỹ, Huyền Chip khẳng định Việt Nam cần coi trọng đào tạo khoa học máy tính nếu không muốn tụt hậu.
Tại chương trình Ngày thứ Tư Công nghệ (Cốc Cốc\'s Hitech-Wednesday) tổ chức tối 20/12, Nguyễn Thị Khánh Huyền, thường được biết đến với cái tên Huyền Chip (Đại học Stanford, Mỹ), đã chia sẻ tầm quan trọng của ngành khoa học máy tính ở hiện tại và tương lai.
Từ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình học tập, giảng dạy tại Đại học Stanford và quá trình làm việc tại thung lũng Silicon, Huyền khẳng định bất cứ ai cũng nên tìm hiểu về khoa học máy tính vì "những hiểu biết về ngành học này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho dù chuyên ngành chính của bạn là gì".
Huyền Chip chia sẻ về tầm quan trọng của khoa học máy tính. Ảnh: Như Ý |
Huyền thông tin nếu như ở Việt Nam tin học vẫn được coi là một môn phụ, học sinh và phụ huynh ít quan tâm vì nó không nằm trong chương trình tuyển sinh đại học thì tại Hoa Kỳ, khoa học máy tính là một trong những môn quan trọng hàng đầu, thậm chí ngang hàng với toán học, khoa học hay lịch sử.
"Tại Đại học Stanford, trên 90% sinh viên theo học một môn khoa học máy tính nào đó. Còn ở Việt Nam, có tới gần 35% sinh viên cho rằng khoa học máy tính không quan trọng gì mấy theo khảo sát nhanh do chúng tôi thực hiện", Huyền nói và cho rằng quan niệm này cần được thay đổi, vì thực tế cho thấy bất kỳ chuyên ngành nào, vật lý hay văn chương, đều cần đến những kiến thức khoa học máy tính.
Huyền nhận định, mỗi người trẻ cần phải có cơ hội được học về thuật toán, cách làm các ứng dụng trên thiết di động (app) hay học về cách thức vận hành của Internet. Những kiến thức này cũng cần thiết như việc các em học về quang hợp, hệ tiêu hóa, hay điện.
Việt Nam đã phần nào có những thay đổi trong nhận thức xã hội, một số cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã mở ra nhiều chương trình đào tạo công nghệ thông tin, lập trình cho các bạn trẻ ngay từ cấp tiểu học. Theo Huyền, việc làm này cần được mở rộng.
"Đã đến lúc không thể tảng lờ môn tin học được nữa. Điều này rất quan trọng để giúp Việt Nam không bị lạc hậu trên bình diện chung của thế giới", Huyền nhấn mạnh.
Diễn giả đến từ Đại học Stanford cho rằng cần coi tin học như một công cụ phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập và làm việc chứ không nên chỉ nhìn nhận nó như một chuyên ngành hẹp dành cho nam giới, những người giỏi toán hay những người chỉ ngồi máy tính và không thích ra ngoài.
"Tại Thung lũng Silicon, rất nhiều loại xe tự lái đang được thử nghiệm. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, các lái xe truyền thống sẽ bị thay thế bởi xe không người lái. Tương tự, nghề phiên dịch sẽ khó tồn tại khi các máy dịch tự động ngày càng thông minh hơn. Nếu không nắm bắt được xu hướng, có thể chúng ta sẽ tụt hậu rất sâu hoặc đưa ra những lựa chọn sai lầm về nghề nghiệp", Huyền nói.
Chương trình "Ngày thứ Tư Công nghệ" được thiết kế dành cho các bạn trẻ đam mê Khoa học máy tính. Tại sự kiện này, các chuyên gia chia sẻ quan điểm, dự báo về những xu hướng công nghệ nổi bật của thế giới trong 2-5 năm tới.
Tòa Công lý châu Âu phán quyết Uber là công ty vận tải thông thường Tòa Công lý châu Âu ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường, thay là một ứng dụng công nghệ. |
Viễn cảnh tương lai của kết nối không dây Công nghệ sóng ánh sáng, 5G, giao tiếp holographic, Internet vệ tinh... sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người trong tương lai. |
Ngày đăng: 18:52 | 21/12/2017
/ vnexpress.net