“Một số người e ngại việc tôi “cha già con mọn”, tôi nói ngay mình chẳng có gì phải xấu hổ hay buồn phiền . Tôi quan niệm con là phước, là lộc trời cho, nhiều người cầu còn không được, huống chi mình có thì tại sao phải né tránh”, Hữu Nghĩa nói.
Thất vọng trước tình hình sân khấu hiện nay
- Hữu Nghĩa có cuộc sống kín đáo, không ồn ào từ trước đến nay. Và dường như cách sống của anh cũng thể hiện rõ trong nghệ thuật khi một thời gian dài - người ta cũng không biết rõ Hữu Nghĩa đang ở đâu, làm gì?
Tôi vẫn hoạt động nghề đều đặn nhiều năm qua, có chăng là tôi chọn một góc riêng cho mình – dẫu là nhỏ hẹp hơn, kín đáo hơn so với mọi người. Nhưng không phải vì thế mà tôi tự cô lập mình. Với nghệ thuật, không có một nghệ sĩ nào làm nghề mấy chục năm mà chịu dậm chân tại chỗ.
Tôi hay như các đồng nghiệp khác vẫn thăng hoa hay chí ít là vẫn còn sống được với nghề. Tôi ví dụ như các bạn cùng trang lứa với mình như Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu, Thành Lộc... rõ ràng mỗi người chuyên một lĩnh vực và họ vẫn hoạt động tích cực ở vị trí của mình. Đó là điều tôi mừng cho họ, cũng đồng thời soi rọi lại chính mình.
Quả thật, nếu đặt lên bàn cân so sánh tên tuổi tôi kín tiếng và ít được quan tâm hơn. Nhưng tôi hiểu rõ bản chất công việc và định hướng lâu dài. Tôi có thể đi chậm một chút, miễn sau là đi an toàn, không chệch hướng hay phạm sai lầm là được.
So với nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ, Hữu Nghĩa có cuộc sống kín tiếng. |
- Sân khấu kịch thời gian qua teo tóp, NSND Hồng Vân cũng phải đóng cửa sân khấu sau 14 năm. Một người gắn bó gần như cả sự nghiệp với sân khấu như anh suy nghĩ ra sao về thực trạng đáng buồn này?
Tôi thấy thất vọng trước tình hình sân khấu hiện nay. Bao nhiêu buổi họp, bao nhiêu đề xuất ý kiến cùng các ban ngành nhưng rốt cuộc vẫn không thể cứu vãn được. Trước là Nụ cười mới, Rubiz, rồi Superbowl... cay đắng đóng cửa. Các sân khấu còn lại như Idecaf, Hoàng Thái Thanh hay Sài Gòn, 5B thì cũng dần phải hạ suất diễn vì thua lỗ. Chi phí cho mỗi vở kịch trên trăm triệu đồng, nhưng số tiền thu lại rất thấp.
Tôi nghĩ không nên đổ lỗi hết cho game show, truyền hình thực tế, vì mỗi loại hình có đối tượng khán giả riêng. Vấn đề là tìm kiếm kịch bản và thủ pháp dàn dựng với hình thức đổi mới của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập. Một số em diễn viên cũng còn bị chi phối bởi quá nhiều phim truyền hình, kịch tivi, show sự kiện, quảng cáo…Dù xem sân khấu là thánh đường nhưng lại hời hợt, không chăm chút nên kịch ra đời không có tuổi thọ.
Tôi và nhiều đồng nghiệp tại sân khấu kịch Sài Gòn giờ cũng chỉ biết cố “bơi” thôi vì biết rõ có nghĩ, có lo, có sợ thì cũng chẳng giải quyết được gì.
- Từ một diễn viên đình đám ở lĩnh vực sân khấu hài kịch, việc chuyển sang vai trò đứng lớp đào tạo giảng dạy cho nhiều lứa sinh viên, nghệ sĩ trẻ cho anh trải nghiệm gì?
Việc đứng lớp giảng dạy với tôi giờ đây là môt phần không thể thiếu ở tuổi này. Có thể bên ngoài tôi đang dạy các em, nhưng ngược lại chính các bạn trẻ đang dạy lại cho tôi nhiều thứ.
Tôi rất tâm đắc một câu nói của nhạc sĩ Phú Quang khi ông bước lên sân khấu nhận giải thưởng về âm nhạc: “Tôi đoạt giải không phải vì tôi hơn đồng nghiệp mà là ban giám khảo cùng gu với tôi”. Sau mỗi khóa học, mục tiêu của tôi không cần các em phải xếp điểm cao chót vót. Cái tôi cần là các em hiểu và học được những gì trên bước đường làm nghề của mình. Tôi từng bảo các em cho dù mai này có tiếp tục theo nghệ thuật hay chuyển nghề khác đi chăng nữa thì sự khiêm nhường hay nỗ lực chưa bao giờ là thừa.
Dù vậy, tôi cũng phải thừa nhận một số sinh viên vẫn còn rất mơ hồ với nghề nghiệp của mình. Với chúng tôi ngày trước, yêu nghề rồi mới từng bước mài mò tạo được cái danh, còn các bạn ấy đa phần là thích danh hơn thích nghề.
Họ đến lớp mà đầu óc cứ nghĩ làm sao để nổi tiếng, sao cho kiếm tiền thật nhanh... Họ cứ than phiền với tôi rằng sao cứ bắt em mãi một vai thì bao giờ mới lên đóng chính. Những lúc ấy, tôi tức giận vô cùng. Có lần tôi hỏi ngược lại một bạn rằng: “Đó là những cái để mình thử lửa thử vàng, sao em lại tỏ thái độ tiêu cực với nghề mình như thế?”.
Hữu Nghĩa cùng bạn diễn trong một tiểu phẩm. Nhiều năm qua, anh là diễn viên chủ lực ở sân khấu kịch Sài Gòn của ông bầu Phước Sang. |
- Gắn bó với nghệ thuật đủ lâu, chứng kiến những thăng trầm của bản thân và đồng nghiệp, anh rút ra được gì cho mình về nghề diễn?
30 năm đứng trên sân khấu, tôi và nhiều đồng nghiệp trải qua nhiều giai đoạn, khổ có sướng có, mỗi lúc lại mỗi khác. Tôi luôn tự nhủ bản thân phải sống lạc quan để dẫu thế nào cũng phải sống được với nghề.
Sứ mệnh của người nghệ sĩ là mang cái chân – thiện – mỹ đến với khán giả, để từ đó làm đẹp cho đời. Điều ý nghĩa nhất đối với tôi là được tiếp thu, hưởng thụ cái đẹp, cái hay chính từ những vai diễn, những tác phẩm có chọn lọc mà tôi mang đến cho khán giả suốt mấy chục năm qua.
Ở cái tuổi gần 60, trong tư tưởng tôi đã bắt đầu suy nghĩ sẽ về hưu một ngày không xa. Một phần tôi đã bôn ba suốt cả thời trai trẻ với nghề. Giờ đây khi mọi thứ tạm ổn - cũng là lúc tôi cần sự an nhiên, tĩnh tại để sống cho mình và gia đình.
Hãnh diện khi kết hôn và sinh con ở tuổi xế chiều
- Dù kín tiếng song việc đột ngột tuyên bố lấy vợ khi ở tuổi ngoài 50 của Hữu Nghĩa vẫn là “câu chuyện kinh điển” của giới sân khấu phía Nam được nhiều người bàn tán. Bản thân anh thay đổi thế nào sau 5 năm bước vào đời sống hôn nhân?
Tôi và bà xã vốn là bạn bè nhiều năm. Giữa chúng tôi thân thiết như những người bạn và chưa bao giờ mảy may suy nghĩ cả hai mai này sẽ là một đôi. Thời trẻ, tôi cũng từng tìm hiểu, quen biết một vài cô và vợ tôi đều biết. Đến khi từng cuộc tình trôi qua, càng tiếp xúc tôi càng nhận ra bà xã mới chính là người tôi cần cho cuộc đời mình. Chúng tôi có quá trình tìm hiểu ba năm mới quyết định tiến tới hôn nhân.
Trong tình yêu, tôi không để ý đến chuyện giàu - nghèo, đẹp - xấu mà trong tình yêu, tình cảm gia đình, điều quan trọng nhất là sự thấu hiểu và cảm thông. Và rõ ràng bà xã tôi có được những điều ấy. Chính sự bao dung ấy mà chúng tôi hiếm khi xảy ra xung đột, đời sống hôn nhân vì thế cũng trôi qua nhẹ nhàng, bình lặng như mong mỏi của cả hai.
Nghệ sĩ hạnh phúc với tổ ấm nhỏ ở tuổi xế chiều. Bà xã Ngọc Vân kém Hữu Nghĩa 10 tuổi vốn là người bạn thời trẻ của anh. |
- Anh từng tâm sự giữa anh và vợ tình cảm mến nhiều hơn tình yêu. Nói thế, anh không sợ bà xã buồn lòng?
Tôi tin vợ mình sẽ hiểu những gì tôi chia sẻ. Ở tuổi này, chúng tôi đều đủ sự hiểu biết và từng trải để đưa ra quyết định “về chung một nhà”.
Kết hôn không có tình yêu không có nghĩa không hạnh phúc. Thay vào đó, chúng tôi dành cho nhau cách đối đãi, cư xử tử tế, trân trọng đối phương. Chính sự ý thức này khiến cả tôi hay vợ không “lầm đường lạc lối” dù kết hôn khá muộn.
Khi kết hôn, bà xã nhỏ hơn tôi 10 tuổi, hiện tại tôi 56 thì cô ấy cũng đã 46. Cách tôi đối xử cô ấy cũng khác ở tuổi U60. Tôi không thể ngọt ngào, tình cảm như bạn trẻ.
Tôi kể bạn nghe một chuyện, có lần vợ tôi quan sát cách Trấn Thành âu yếm, ngọt ngào với người yêu trong một buổi đi chơi chung. Thế là cô ấy quay sang trách móc tôi sao không làm thế với vợ. Tôi liền đáp lại: “Anh cũng lớn tuổi rồi. Trong tình yêu vì thế cũng biểu hiện theo kiểu khác, không thể giống như bọn trẻ như vậy được”. Sau lần đó, bà xã dần hiểu ra và cũng không quá đặt nặng chuyện này.
- Nhiều người bảo việc anh có con giống câu nói “cha già con mọn”. Khi nghe những lời này có khiến anh chạnh lòng?
Mọi thứ về gia đình tôi khác với mọi người. Ở tuổi này, lẽ ra đã lên chức ông nội, ông ngoại thì ngược lại phải chăm con mọn. Dù vậy, tôi vui và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Tôi nghĩ mình cứ sống hết mình ở hiện tại, còn chuyện tương lai 10 -20 năm sau hãy cứ để ông Trời tính.
Một số người e ngại việc Hữu Nghĩa có con nhỏ sẽ thế này thế nọ, tôi nói ngay mình chẳng có gì phải xấu hổ hay buồn phiền. Tôi quan niệm con là phước, là lộc trời cho, nhiều người cầu còn không được, huống chi mình có thì tại sao phải né tránh. Thậm chí, tôi còn lấy làm hãnh diện trước sự ghen tỵ của một số bạn bè thân về việc cưới vợ và sinh con trai đầu lòng ở tuổi xế chiều. (cười)
Hữu Nghĩa tâm sự cuộc đời diễn qua hàng trăm loại vai người cha song ngoài đời thực anh khá bỡ ngỡ khi lần đầu được lên chức. |
- Bận rộn giảng dạy, đi diễn và duy trì sân khấu kịch, anh dành thời gian cho vợ con thế nào?
Bản thân tôi cũng từng trăn trở nhiều trước khi kết hôn. Tuổi đời ngày càng lớn, cũng đồng nghĩa với việc thời gian và sự quan tâm dành cho vợ con không nhiều.
Con tôi năm nay cũng được 5 tuổi, bé khá ngoan và hiểu chuyện. Điều tôi trăn trở nhất là làm sao rèn luyện cho con kỹ năng và nhân cách sống. Với tôi tài sản quý giá nhất để lại cho con trai chính là một nhân cách sống tốt đẹp. Tôi muốn bé Anh Kha lớn lên bản lĩnh không dựa dẫm ỷ lại, không ngại khó khăn vậy là tôi vui rồi.
Từ lúc con chào đời đến nay, bé gần như do mẹ và gia đình bên ngoại chăm lo. Tuy vậy, tôi vẫn luôn tận dụng mọi thời gian có thể để dành bên con. Tiệc tùng hay sự kiện gì nếu có thể tôi đều đưa vợ con theo. Hay những lúc rảnh rỗi là chúng tôi lại đi du lịch, hẹn hò ăn uống bạn bè. Tôi nghĩ đó cũng là cách để phần nào bù đắp lại cho gia đình mình, có thể không nhiều nhưng chắc chắn phải có.
- Anh và bà xã chia sẻ ra sao chuyện áp lực kinh tế gia đình?
Tất nhiên với trường hợp của tôi thì không tránh khỏi. Mỗi ngày, tôi vẫn phải chạy show, lên lớp giảng dạy để tích góp đưa vợ lo cho con. Chung quy đó là trách nhiệm của bất cứ người đàn ông nào, dù là thanh niên trai tráng hay ở độ tuổi như tôi cũng thế cả.
Hơn nữa, bà xã tôi cũng có một cửa hàng bán hủ tiếu. Đời sống kinh tế có thể không quá dư giả nhưng đủ để gia đình 3 người sống khỏe.
Bản thân chúng tôi cũng quan niệm chỉ làm và tích lũy một số nhất định coi như tài sản cho con. Còn chuyện nhà lầu, xe hơi hay vàng bạc chỉ là phù du, quan trọng là con phải biết học cách thích nghi để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
"Tiếng sét trong mưa" quy tụ dàn diễn viên nữ nóng bỏng |
"Diễn viên chuyên trị vai mất nết" màn ảnh Việt được nhiều fan nữ tỏ tình |
Hữu Nghĩa: Dựng kịch ngày càng khó, lo chẳng còn ai xem |
Ngày đăng: 08:05 | 13/10/2019
/ vietnamnet.vn