Trong khi cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga kéo dài, Hungary là quốc gia không mặn mà hỗ trợ láng giềng, thể hiện mối quan hệ giữa hai nước khá lỏng lẻo.
Cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga từ tháng 2/2022 chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Mỹ và các nước đồng minh phương Tây không ngừng tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Nga không hạn chế chi tiêu quốc phòng, khiến xung đột kéo dài, gây thiệt hại cho tất cả các bên.
Trong khi đó, Hungary - một nước láng giềng khác có đường biên giới kéo dài 85 dặm (xấp xỉ 137 km) với Ukraine - có nhiều động thái ngả về phía Nga: Duy trì tình hữu nghị, không đồng tình với các biện pháp trừng phạt của EU và đề xuất Ukraine đàm phán thỏa thuận hoà bình. Những hành động này gây không ít “cơn đau đầu" cho Kiev.
Tại một trạm xăng ở trung tâm thành phố Budapest, máy bơm ngừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu. (Ảnh: Getty Image)
Hungary ngả về phía Nga?
Mặc dù Hungary là một phần của NATO, Thủ tướng Orban đã từ chối cho phép vận chuyển vũ khí phương Tây qua lãnh thổ Hungary. Điều này khiến cho ông Orban nắm nhiều đòn bẩy với EU và Mỹ.
Andras Racz, chuyên gia về Hungary và Nga tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết lý do đằng sau thái độ của Thủ tướng Orban rất đơn giản: Hungary phụ thuộc vào dầu và khí đốt giá rẻ của Nga do nước này không có đường bờ biển. Nguồn cung của Nga cho phép Orban giữ giá năng lượng thấp, kinh tế ổn định và giành được tín nhiệm của người dân.
Khi cuộc xung đột thêm căng thẳng, mối quan hệ của Thủ tướng Orban với Tổng thống Zelensky ngày càng lạnh nhạt. Ông Zelensky cáo buộc người Hungary thờ ơ trước hoàn cảnh khó khăn của người Ukraine. Ông Orban sau đó đã bác bỏ điều này, lý do rằng hơn một triệu người Ukraine đang tị nạn an toàn tại nước này và chính quyền đã gửi hàng trăm triệu USD viện trợ.
Vào tháng 3, ông Zelensky “chỉ mặt gọi tên" Thủ tướng Orban vì tỏ ra do dự, không muốn áp dụng các đòn trừng phạt chung của EU. Sau đó, ông Orban đã tái đắc cử với số phiếu áp đảo với chủ trương không can thiệp vào xung đột Nga - Ukraine. Trong khoảng thời gian này, ông Orban đã gọi Tổng thống Ukraine là “đối thủ", cùng với “các quan chức tại Brussels", “đế chế của Soros" và “truyền thông quốc tế".
Vào tháng 11, dù Tổng thống Hungary Katalin Novak đã đến thăm Kyiv để thể hiện sự ủng hộ. Nhưng cũng trong tháng này, Hungary đã tạm thời chặn khoản vay khẩn cấp 19 triệu USD từ EU đến Ukraine và đồng thời cản trở các biện pháp tẩy chay dầu Nga của phương Tây. Phát biểu trên Twitter, ông Orban phủ nhận việc ông không có thành ý giúp đỡ Ukraine nhưng các khoản vay, trên nguyên tắc, nên được gửi song phương từ các quốc gia, thay vì thông qua EU.
Vào thứ Tư (21/12) tuần trước, ông Orban cho biết “hầu hết châu Âu" đã bị “lôi vào" cuộc chiến và tiếp tục kêu gọi Ukraine đàm phán hòa bình với Nga. Thủ tướng Hungary nhấn mạnh “đây không phải là cuộc chiến của chúng ta".
Căng thẳng tại vùng Transcarpathia
Hungary đã mất gần 2/3 diện tích đất sau Thế chiến I. Ngày nay, hơn 2 triệu người Hungary sống ở nước ngoài, và khoảng 130.000 người sống tại Ukraine. Hầu hết người dân Hungary tại Ukraine sống ở Transcarpathia - một khu vực nông thôn nghèo đói.
Tuy nhiên, bất chấp số dân cư ít ỏi, khu vực này đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Kiev và Budapest. Khoảng 40% người Ukraine coi Hungary là “quốc gia thù địch”, đứng thứ ba sau Nga và Belarus, theo một cuộc khảo sát hồi tháng 10 của công ty Ukraine Rating.
Vào tháng 10, các quan chức ở thành phố Mukachevo ở Ukraine đã dỡ bỏ một bức tượng lớn của một con turul, một loài chim giống chim ưng trong thần thoại Hungary, được đặt tại lâu đài Palanok từ năm 2008. Bức tượng là biểu tượng của lịch sử Hungary tại Transcarpathia và là một lời nhắc nhở về mối quan hệ gắn bó một thời giữa Budapest và Kiev.
Thị trưởng Mukachevo Andriy Baloha phát biểu rằng tại vùng đất này chỉ nên có các biểu tượng của Ukraine. Ông nói thêm “Transcarpathia là đất Ukraine - nó đã, đang và sẽ như vậy. Đây là một thông điệp gửi tới chính phủ Hungary.”
Mykhailo Belekanych, giám đốc bảo tàng và cây đinh ba biểu tượng cho Ukraine (Ảnh: The Washington Post)
Bức tượng Turul đã được thay thế bằng cây đinh ba, biểu tượng quốc gia của Ukraine. Bức tượng sẽ được lắp ráp lại và trưng bày trong một triển lãm bảo tàng về lịch sử của khu vực, nhưng sẽ không còn có vị trí nổi bật trong thành phố. Việc dỡ bỏ bức tượng đã gây ra căng thẳng giữa Ukraine và Hungary, Ngoại trưởng Hungary gọi đây là "hành động khiêu khích không cần thiết" và triệu tập đại sứ quán Ukraine để giải trình về sự việc. Vụ việc làm yếu đi mối quan hệ vốn đã mong manh giữa hai nước, và thách thức sự thống nhất ở Ukraine - một nước vốn đa dạng về sắc tộc, tôn giáo và chính trị.
"Hòn đảo hoà bình"
Transcarpathia là một khu vực hầu như không bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích của Nga và nhiều người Hungary địa phương coi đây là "hòn đảo hòa bình" trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, khu vực này đang nhiều lần trải qua tình trạng mất điện trên diện rộng.
Budapest thường xuyên cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng và doanh nghiệp Hungary ở các nước láng giềng, nhưng một số người Ukraine coi đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước họ. Những người khác hoan nghênh sự hỗ trợ tài chính và giúp bảo tồn văn hóa Hungary ở Transcarpathia, nơi người Hungary đã sinh sống gần một nghìn năm. Nhiều người dân tộc Hungary đã rời khỏi khu vực để gây dựng sự nghiệp, nhưng một số quyết tâm sẽ ở lại và bảo tồn truyền thống văn hóa của họ.
Chính phủ Hungary cũng cấp hộ chiếu cho hơn một triệu người dân tộc Hungary sống ở nước ngoài - những người ủng hộ nhiệt thành của ông Orban. Nhưng Ukraine không cho phép người dân mang hai quốc tịch. Năm 2018, các quan chức Ukraine đã trục xuất lãnh sự Hungary ở Transcarpathia và mở cuộc điều tra về “tội phản quốc” sau khi một đoạn video quay cảnh lãnh sự cấp hộ chiếu ở Berehove bị rò rỉ.
Ngược lại, chính phủ Hungary cáo buộc Ukraine hạn chế quyền của người dân tộc Hungary và buộc họ phải đồng hóa, dựa trên một quy định năm 2017 bắt buộc phải tăng cường sử dụng tiếng Ukraine. Luật này cũng hạn chế việc giảng dạy các ngôn ngữ khác trong trường học, bao gồm cả Hungary.
Vì vấn đề ngôn ngữ, Hungary đã ngăn Ukraine tham dự cuộc họp của NATO tại Bucharest vào tháng trước. Ngoại trưởng Hungary - ông Szijjarto phát biểu trên Facebook rằng “cho đến khi Ukraine trả lại các quyền của người Hungary tại Transcarpathia”, Hungary sẽ tiếp tục các động thái cản trở Ukraine.
Thủ tướng Orban cho biết một phần lí do ông phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine là vì lo lắng cho người Hungary tại Ukraine. Ông nói thêm, không một người Hungary nào nên bị kẹt “giữa cái đe Ukraine và búa tạ Nga”.
https://vtc.vn/hungary-va-ukraine-moi-quan-he-lang-gieng-rac-roi-ar723567.html
Ngày đăng: 09:01 | 29/12/2022
HOÀNG LINH(Nguồn: The Washington Post) / Theo VTC News