Trong suốt 17 năm, từ 1980 đến 1997, khi Hong Kong còn thuộc quyền điều hành của người Anh, một cuộc chiến chống buôn lậu đã diễn ra ở vùng biển của lãnh thổ này. Hàng lậu khi ấy là đầu máy video, đầu đĩa compaq, mỹ phẩm, máy ảnh, đồng hồ đeo tay, thuốc kháng sinh, linh kiện máy tính và cả xe hơi nguyên chiếc…
Dai-Fei, “máy bay” chở hàng lậu trên biển
Xẩm tối một ngày tháng 6-1983, trên vùng biển cách đảo Lamma khoảng 30 hải lý bỗng vang lên tiếng còi hú với âm thanh chói tai phát ra từ 2 xuồng cao tốc (RHB) của cảnh sát Hong Kong. Trước mặt 2 chiếc RHB này là một tàu vỏ thép mà dân buôn lậu Hong Kong gọi nó là “Dai-Fei”, (tiếng Hoa nghĩa là “máy bay lớn”) cũng đang chạy hết tốc lực, để lại phía sau một dải bọt trắng xóa. Qua ống nhòm, cảnh sát trên RHB thấy rõ trong lòng chiếc Dai-Fei có một xe hơi mới tinh, nên họ biết nó là hàng lậu.
Một Dai-Fei với xe hơi buôn lậu chạy hết tốc lực để tránh bị truy đuổi
Dai-Fei dài 12m, ngang 3,5m, gắn 2 động cơ với tổng công suất 180 mã lực, nên có thể chạy 80km/giờ. Nó chở được 1 xe hơi hoặc hàng trăm đầu video, đầu đĩa compaq hoặc hàng tấn mỹ phẩm, đồng hồ đeo tay, thuốc kháng sinh, máy tính… Chưa hết, để có thể thoát chạy khi bị truy đuổi, bọn buôn lậu đã thiết kế mũi tàu Dai-Fei bằng thép với góc vát nhọn, dễ dàng đâm thủng lớp vỏ cao su bơm hơi của xuồng cảnh sát. Hồ sơ cảnh sát Anh quốc mới được giải mật gần đây cho thấy kể từ những năm 1980, các cơ quan thực thi pháp luật ở Hong Kong đã phải căng mình đối phó với các tổ chức buôn lậu xuyên biên giới, vận hành bằng phương tiện này. Nhiều sĩ quan đã bị thương, một số mất mạng trong khi truy đuổi. Ông Les Bird, chỉ huy đầu tiên của đơn vị chống buôn lậu ở vùng biển Hong Kong nói: “Đó là những cuộc săn đuổi chết người. Vì không theo kịp nên chúng tôi phải thực hiện chiến thuật bám sát. Nếu những chiếc Dai-Fei lủi vào bờ thì lực lượng cảnh sát trên bờ sẽ bắt giữ. Nếu chúng chạy thẳng sang Trung Quốc đại lục, chúng tôi sẽ thông báo cho bên ấy, còn nếu chúng quay đầu ra biển, chúng tôi phải dùng đến trực thăng…”.
Thời kỳ đỉnh cao của việc buôn lậu trên biển ở Hong Kong kéo dài từ 1980 đến 1997, khi Hong Kong được người Anh trao trả cho Trung Quốc. Lúc ấy, theo số liệu của cảnh sát Hong Kong, đội quân buôn lậu có khoảng 30 đến 40 chiếc Dai-Fei. Hàng lậu sau khi đổ vào Hong Kong sẽ được chia nhỏ rồi bằng nhiều phương tiện khác, chủ yếu là ghe đánh cá, ghe chở hàng nông sản thực phẩm, đưa sang Trung Quốc đại lục. Cứ mỗi chiếc Dai-Fei xâm nhập trót lọt, trung bình bọn buôn lậu sẽ thu về 1 triệu đôla Hong Kong sau khi trừ chi phí. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, Dai-Fei cũng không ngần ngại đi thẳng vào bờ biển Trung Quốc rồi những chiếc ghe trung chuyển sẽ lấy hàng đưa vào đất liền theo sông Thâm Quyến. Ông Les Bird nói trong suốt thời gian chỉ huy đơn vị chống buôn lậu ở vùng biển Hong Kong, ông đã thấy hàng lậu ngoài xe hơi, mỹ phẩm, máy tính, đầu video…, thì còn có tê tê, tôm hùm, cá hồi, rùa vàng, bào ngư, vi cá mập và kể cả thịt bò đông lạnh, phục vụ cho nhu cầu của những nhà giàu mới nổi ở đại lục. “Điều khó khăn là nếu bạn gặp một chiếc Dai-Fei trên biển nhưng nó không chở gì hết hoặc chỉ chở những loại hàng hóa bình thường thì bạn không thể bắt giữ nó vì nó được đăng ký hợp pháp. Đây chính là lỗ hổng chết người”.
Những cuộc truy đuổi tàn khốc
Đêm 27-3-1990, một xuồng cao tốc của cảnh sát Hong Kong phát hiện một chiếc Dai-Fei nghi chở hàng lậu trên vùng biển gần sân bay quốc tế Hong Kong. Khi cảnh sát phát tín hiệu yêu cầu dừng lại để kiểm tra thì bất ngờ nó tăng tốc rồi lao thẳng vào xuồng cảnh sát. Cái mũi vát góc bằng thép của nó xé toạc lớp vỏ cao su bơm hơi như lưỡi dao nóng cắt một miếng bơ khiến chiếc xuồng lật úp. 4 sĩ quan cảnh sát trên thuyền bị hất tung trước khi rơi xuống nước, trong đó có sĩ quan tên Lam. Ông Les Bird nói: “Hai ngày sau xác Lam mới được tìm thấy. Khi nghe tin, tôi đã tưởng tượng ra chàng trai của tôi đã chết như thế nào. Nó khắc sâu vào lòng tôi ký ức lạnh lẽo. Những ngày sau đó, ưu tiên chính của tôi là không để bất cứ ai bị thiệt mạng chỉ vì cái mớ hàng lậu trên thuyền…”.
Xuồng RHB của cảnh sát Hong Kong trong một chuyến tuần tra
Thế nhưng đêm 4-6-1990, một chiếc Dai-Fei lại đâm vào xuồng cảnh sát khi bị truy đuổi ở gần cảng Tolo. Sĩ quan Chan Kun-pun, 28 tuổi bị thương nặng rồi qua đời ở bệnh viện. Vẫn ông Les Bird kể lại: “Đêm đó, tin tình báo cho biết 2 chiếc Dai-Fei đang xuống hàng ở cầu tàu Sam Mun Tsai, bên trong kênh Tolo. Khu vực này từ lâu đã được gọi là “trung tâm buôn lậu”. Tôi dẫn 3 xuồng RHB vào kênh trong bóng tối. Mỗi chiếc RHB có 3 cảnh sát gồm 1 lái chính, 1 lái phụ và một phụ trách điện đài. Lúc phát hiện chúng tôi, 2 chiếc Dai-Fei lập tức nổ máy lao ra biển, vừa chạy vừa ném xuống nước những thùng các-tông chứa hàng lậu. Một trong hai chiếc này lao vào một chiếc RHB khiến nó lật úp. Thông tin cuối cùng mà tôi nghe được từ sĩ quan phụ trách điện đài là “Nó đâm trúng tôi”.
Khi đến hiện trường, dưới ánh đèn pha trên xuồng của Les Bird, phần bụng của chiếc RHB nằm phơi mình trên sóng nước. Cả 3 sĩ quan cảnh sát đều đã được vớt lên, trong đó Chan Kun-pun bị thương rất nặng. Nó được báo chí Hong Kong lúc bấy giờ gọi là “Chicago trên biển” (Chicago là thủ phủ của bang Illinois, Mỹ, nổi tiếng là nơi bạo lực nhất nước Mỹ).
Những năm tiếp theo, Dai-Fei ngày càng lộng hành. Tháng 4-1991, hạ sĩ Matt North thuộc Hải quân Hoàng gia Anh tăng cường cho một xuồng RHB của cảnh sát Hong Kong lúc truy đuổi chiếc Dai-Fei chở hàng lậu đã bị nó ép văng xuống biển nhưng may mắn sống sót, kể cả khi chiếc Dai-Fei vòng lại với ý định nhấn chìm anh ta. Tháng 9-1991, trung sĩ Put Yim-chiu, 48 tuổi, bị thương nặng khi chiếc RHB của anh bị một Dai-Fei cắt làm đôi trong một chiến dịch chống buôn lậu ngoài khơi đảo Lamma. Put Yim-chiu chết sau vài giờ trong bệnh viện. Khi bắt được chiếc Dai-Fei và 3 thuyền viên, cảnh sát mới nhận ra rằng nó trang bị 4 động cơ, tổng công suất 275 mã lực!
Cái chết của Put giống như của Chan đã làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của các thành viên chống buôn lậu. Vì thế, đầu 1992, toàn quyền Hong Kong ký quyết định thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống buôn lậu (ASTF) với sự hợp tác giữa cảnh sát, Cục Hải quan và tiêu thụ đặc biệt, Hải quân Hoàng gia Anh. Nó cũng dẫn đến những câu hỏi với Hội đồng lập pháp Hong Kong rồi đến tháng 4, một luật mới ra đời, giới hạn kích thước và công suất động cơ của tất cả những chiếc Dai-Fei. Theo luật mới, hình phạt tối đa bằng tiền dành cho tội buôn lậu tăng lên gấp 50 lần, phạt tù từ 6 tháng tăng lên 2 năm nhưng nó chỉ thành công trong một thời gian ngắn. Các tổ chức buôn lậu cho ra đời những chiếc tàu mới, gọi là Chung Fei mà kích thước và động cơ đều nằm trong giới hạn cho phép. Chung Fei cũng được gia công mũi thép vì chẳng hiểu vô tình hay bỏ sót, luật mới không đề cập đến việc này. Một trong những trùm buôn lậu ở Hong Kong là Tai Chi đã tự hào: “Không đi được 1 chuyến thì tách ra làm 2 chuyến, kết quả cũng y như vậy thôi”.
Khi nhu cầu về xe hơi hạng sang ở Trung Quốc đại lục tăng lên, những chiếc Dai-Fei ban đầu còn hoạt động thập thò do luật mới thì năm 1995, nó gần như xuất hiện công khai trở lại. Về mặt khách quan, các nhà lãnh đạo Hong Kong - kể cả cảnh sát khi ấy hiểu rằng chỉ 2 năm nữa, họ sẽ không còn quyền hành xử trên mảnh đất này nên họ chẳng mặn mà gì lắm với việc truy đuổi; còn về chủ quan, cũng chẳng ai dại gì hy sinh mạng sống. Chả thế mà trong năm 1996, trung bình mỗi tháng có khoảng 60 chiếc xe hơi hạng sang của những nhà giàu ở Hong Kong bị đánh cắp và được đưa đến những địa điểm bí mật. Tại đó, chúng được chuyển lên xe tải rồi bằng hồ sơ mua bán giả mạo, bọn buôn lậu đưa sang Thâm Quyến, vào những salon ôtô. Cuối cùng sau khi “mông má tút tát”, chúng được đưa tới tay những chủ nhân mới là người tiêu dùng mới nổi ở đại lục. Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho thấy năm 1996, cư dân Hong Kong báo cáo có 660 xe hơi hạng sang, tổng trị giá khoảng 200 triệu đôla Hong Kong bị mất cắp so với 156 xe năm trước đó. Chưa hết, những chiếc xe hơi hạng sang lại gặp phải hiện tượng mất cắp bánh xe khi sử dụng ở đại lục, đã khiến nhu cầu buôn lậu bánh xe cũng tăng lên. Một sĩ quan cảnh sát ở Thâm Quyến nói rằng vào ban đêm, xe hơi ở nơi này và nhiều địa phương khác đều đậu ngoài đường, trước cửa nhà nên bọn trộm cắp sau khi mở những con bù-loong cố định bánh xe thì dùng kích nâng cả chiếc xe lên. Sau đó chúng kê gạch hoặc gỗ vào gầm xe, hạ kích xuống rồi lần lượt tháo cả 4 bánh. Phương thức ấy gần như không hề gây ra tiếng động lớn nên sáng hôm sau, chủ nhân của nó mới biết rằng chiếc xe yêu quý của mình không còn có thể chạy được nữa.
Những chiếc xe hơi buôn lậu bị bắt giữ
Vậy là phải tìm mua, mà mua ở đâu nếu không ngoài bọn buôn lậu! Trung sĩ Sammy Leung Yan- keung, người có bề dày trong việc chống buôn lậu và đã tham gia bắt giữ hơn 40 chiếc - cả Dai-Fei lẫn Chung Fei nói: “Hồi đó, cuộc sống còn khó khăn nên nhiều người tình nguyện tham gia các đường dây buôn lậu vì được trả lương cao. Họ thường bỏ chạy hoặc liều lĩnh đâm vào thuyền của chúng tôi để trốn thoát nhưng từ năm 1993 trở đi, một số chiếc Dai-Fei bắt đầu trang bị súng”. Đêm giao thừa năm 1993, 2 tàu RHB của Hải quân Hoàng gia Anh đã bị tấn công bởi 4 chiếc Dai-Fei ở gần đảo Basalt. Trung sĩ Sammy nói tiếp: “Khi còn cách tàu buôn lậu khoảng 500m, tôi nghe từng tràng tiểu liên AK. Lập tức chúng tôi bắn trả vì trong trường hợp này, chúng tôi được phép tự vệ. Đó là một tình huống nguy hiểm vì khi bạn đang di chuyển ban đêm với vận tốc 80km/giờ thì chỉ cần một sai sót, bạn sẽ chết hoặc bị thương, nhẹ nhất là bạn sẽ uống no nước”.
2 tháng trước ngày nước Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc (1-7-1997), Lực lượng đặc nhiệm chống Buôn lậu (ASTF) còn bắt được 2 chiếc Dai-Fei với 2 xe hơi Mercedes. Ông Alan Crowther, thanh tra cấp cao của ASTF cho biết ông nhận được tin một địa điểm gần Stanley, Tung Tau Wan, cạnh một công trình xử lý nước thải đang xây dựng, là nơi 2 chiếc Mercedes sẽ xuống một chiếc Dai-Fei để chuyển sang đại lục.
Cải trang thành công nhân, 2 sĩ quan ASTF giả như dạo chơi sau một ngày làm việc vất vả trong lúc 4 thuyền RHB của cảnh sát phục kích ở vùng biển gần đó. Gần 10 giờ đêm, 1 chiếc Dai-Fei lao đến với vận tốc khoảng 60km/giờ, có vẻ như chuẩn bị cập bờ nhưng đột ngột nó lại vòng ra biển. Nhận định đó chỉ là động tác trinh sát, Alan Crowther ra lệnh cho tất cả chờ đợi.
Sau vài lần thăm dò, chiếc Dai-Fei thứ hai xuất hiện. Trên mặt đất, xe cần cẩu di động của công trình xử lý nước thải bỗng nổ máy. Quả là một sự phối hợp rất nhịp nhàng, chính xác đến từng giây vì từ xa, hai chiếc Mercedes chạy đến, tất cả đều tắt đèn. Đợi tới lúc chiếc cần cẩu bốc xong xe thứ nhất xuống Dai-Fei, ông Alan Crowther mới phát lệnh bao vây.
Ngày 1-7-1997, Hong Kong chính thức trở về với Trung Quốc nhưng buôn lậu trên biển còn kéo dài đến năm 2000. Sau thời gian này, do những động thái quyết liệt của Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong và Trung Quốc đại lục, những chiếc Dai-Fei chở hàng lậu mới trở thành dĩ vãng…
https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/hung-than-dai-fei-tren-vung-bien-hong-kong-i660039/
Ngày đăng: 08:28 | 12/07/2022
Vũ Cao / Công an nhân dân