Việc Indonesia thúc đẩy các hoạt động hợp tác an ninh hàng hải mang tính đa phương với các quốc gia trong ASEAN được cho là sẽ mở thêm một kênh hợp tác đa phương mới giữa các nước trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Hợp tác đa phương khu vực ứng phó tham vọng phi pháp ở Biển Đông ảnh 1
Tàu hải cảnh của Trung Quốc chạy cắt mặt một tàu tuần tra của hải quan Indonesia tại vùng biển mà Indonesia cho là vùng kinh tế của nước này

Một đề xuất “táo bạo và rất đáng quan tâm”

Tờ Bưu điện Jakarta đưa tin, Phó đô đốc Aan Kurnia - người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia đã gửi lời mời đến người đồng cấp của 5 nước thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham gia một cuộc họp dự kiến tổ chức vào tháng 2-2022 để thảo luận những thách thức về an ninh tại Biển Đông. Cuộc họp này, theo thông tin từ báo chí Indonesia, có mục tiêu chính là “đưa ra một cách tiếp cận phối hợp” về các vấn đề ở Biển Đông và cách ứng phó trên thực địa khi tất cả phải đối mặt với cùng “xáo trộn”.

Đề xuất của lãnh đạo cao nhất Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia được nhiều chuyên gia và quan chức cấp cao của các quốc gia ven Biển Đông quan tâm, hưởng ứng. Theo ông Thomas Daniel, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia (ISIS) cho rằng, đề nghị của người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia là “táo bạo và rất đáng quan tâm”.

Phó đô đốc Aan Kurnia không chỉ đích danh Trung Quốc, song, giới chuyên gia cho rằng ai cũng thấy rõ Jakarta khó có thể ngồi yên khi những hành động của Bắc Kinh đã buộc quốc gia thành viên ASEAN này tìm kiếm hợp tác chặt chẽ hơn với các nước láng giềng ven Biển Đông. Theo các chuyên gia theo dõi các vấn đề Đông Nam Á, lời mời nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia khu vực là tín hiệu cho thấy Indonesia nhận thấy “mức độ ngày càng nghiêm trọng của thách thức” mà Trung Quốc đặt ra đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, điều mà Jakarta không có khả năng xử lý một mình.

Indonesia lâu nay vẫn khẳng định rằng, nước này không phải là một bên có tranh chấp cũng như có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khi đây được xem là cuộc tranh chấp chủ quyền “5 nước 6 bên” (Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan). Tuy nhiên, tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ dừng lại ở cuộc tranh chấp “5 nước 6 bên” mà lấn tới cả vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Những năm gần đây, Trung Quốc đã điều các tàu đánh cá cỡ lớn với sự hậu thuẫn của lực lượng cảnh sát biển, tàu dân quân biển và tàu thăm dò địa chất đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna mà Trung Quốc tuyên bố đây là một phần thuộc chủ quyền của nước này theo yêu sách đơn phương “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” và “đường lưỡi bò 9 đoạn”). Dựa theo luật pháp quốc tế, Indonesia tuyên bố Biển Bắc Natuna là một phần EEZ của nước này và họ có chủ quyền đối với việc đánh bắt cá và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển này.

Trong đó, diễn biến căng thẳng ở khu vực Biển Đông giữa Indonesia và Trung Quốc kéo dài suốt 6 tháng, từ cuối tháng 6 đến tháng 12-2021. Sau một thời gian dài sử dụng các tàu cảnh sát biển và tàu địa chính quấy phá giàn khoan Indonesia đang khảo sát gần quần đảo Natuna bên trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, Trung Quốc đã đẩy mâu thuẫn với quốc gia Đông Nam Á này lên đến đỉnh điểm khi mới đây đã chính thức yêu cầu Jakarta ngừng hoạt động giàn khoan và tuyên bố “Indonesia xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc”.

Chẳng khác nào “giọt nước tràn ly”, hành động ngày càng leo thang và tuyên bố thẳng thừng của Trung Quốc đã khiến Indonesia nhận thấy nước này không thể đứng ngoài những tranh chấp Biển Đông.

Khởi đầu cho một cơ chế hợp tác an ninh hàng hải mới

Cùng với sự trỗi dậy của sức mạnh kinh tế và quân sự, Trung Quốc ngày càng leo những nấc thang mới trong tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Sau khi chính thức công bố yêu sách “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao phủ lên những khu vực biển rộng lớn thuộc chủ quyền hợp pháp hoặc tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khu vực như Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam… Trung Quốc cũng đồng thời ráo riết tiến hành quân sự hóa, thực hiện các hành vi hung hăng, gây hấn, chèn ép, bắt nạt các quốc gia trong khu vực nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp.

Việc Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines ra phán quyết ngày 12-7-2016 bác bỏ yêu sách đơn phương đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như càng gia tăng các hành vi hung hăng, gây hấn, bắt nạt ở vùng biển chiến lược quan trọng này. Tham vọng, hành vi của Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đồng thời đe dọa chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan quanh vùng biển này.

Trung Quốc gia tăng các hành vi hòng hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông thì cộng đồng quốc tế, đi đầu là các cường quốc có lợi ích sống còn gắn với tuyến vận tải biển, hàng không huyết mạch này của cả thế giới cũng như các quốc gia khu vực, cũng gia tăng các biện pháp ứng phó, đáp trả ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Trong nỗ lực chung đó, các quốc gia ASEAN luôn nêu vấn đề Biển Đông trong tất cả diễn đàn khu vực và quốc tế, đồng thời tìm kiếm lập trường chung, cùng sự hợp tác để ứng phó. Hành động của riêng lẻ từng quốc gia ASEAN cần thiết để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, song có lẽ chưa đủ trước tham vọng và sức mạnh vượt trội của Trung Quốc.

Người đứng đầu Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia trong lời mời gửi những người đồng nhiệm tại 5 quốc gia ASEAN tới dự cuộc họp vào tháng 2-2022 nói là để “chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp tình anh em”. Ông Satya Pramata, một quan chức cao cấp trong Chính phủ Indonesia cho biết thêm, một cuộc họp như vậy sẽ là “cơ hội tuyệt vời để Cảnh sát biển ASEAN và lực lượng thực thi pháp luật hàng hải trao đổi và hợp tác”.

Các nhà phân tích cho rằng, cục diện cấu trúc an ninh ở Biển Đông dường như đã tiến triển sang một giai đoạn mới khi Indonesia, nơi đặt trụ sở của Hiệp hội ASEAN, quyết định thúc đẩy các hoạt động hợp tác an ninh hàng hải mang tính đa phương với các quốc gia trong khu vực. Dù khởi đầu có thể là cuộc gặp “mang tính thân mật”, nhưng thành phần các quốc gia tham dự đều là những quốc gia hiện nay đang phải ứng phó với đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, hoặc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở như trường hợp Singapore, cho thấy một thể chế tiểu đa phương ASEAN với các quốc gia có lợi ích song trùng sẽ giúp các thành viên đoàn kết hơn, hợp tác chặt chẽ hơn.

Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Indonesia ngừng khoan thăm dò ở Biển Đông Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Indonesia ngừng khoan thăm dò ở Biển Đông

Nikkei Aisia cho hay, Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Indonesia dừng dự án khai thác khí tự nhiên ở Biển Đông vì cho rằng ...

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật sau khi bị Mỹ lên án "gây hấn" ở Biển Đông Trung Quốc tập trận bắn đạn thật sau khi bị Mỹ lên án "gây hấn" ở Biển Đông

Trung Quốc tập trận đạn thật ở Biển Đông, dù phủ nhận các cáo buộc "hành động gây hấn" như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ...

Ngày đăng: 12:01 | 05/01/2022

/ anninhthudo.vn