Hộp sọ tương đối hoàn chỉnh khai quật ở Ethiopia thuộc về loài Australopithecus anamensis, tổ tiên đầu tiên của loài người.

Hộp sọ của Australopithecus anamensis. Ảnh: CNN.

Các chuyên gia làm việc trong Dự án Nghiên cứu Cổ nhân chủng học Woranso-Mille ở vùng Afar, Ethiopia, suốt 15 năm. Vào ngày 16/2/2016, họ phát hiện xương hàm trên của loài Australopithecus anamensis. Họ tìm kiếm khắp khu vực trong hơn 16 giờ sau đó và khai quật thêm phần còn lại của hộp sọ. Phân tích chi tiết về hộp sọ và vị trí phát hiện được công bố hôm 28/8 trên tạp chí Nature.

Theo Yohannes Haile-Selassie, quản lý ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland, tác giả chính của nghiên cứu, hộp sọ có tên gọi MRD đại diện cho anamensis, tổ tiên lâu đời nhất của loài người sống cách đây 3,9 - 4,2 triệu năm. Đây là tổ tiên của loài Australopithecus afarensis, được biết đến qua bộ xương Lucy nổi tiếng và sinh ra chi của chúng ta, Homo. Afarensis xuất hiện sau đó khá lâu từ 3 - 3,8 triệu năm trước.

Hộp sọ MRD nằm cách nơi tìm thấy bộ xương Lucy chỉ 54,7 km về phía bắc. Nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà địa chất học, cổ thực vật học và cổ nhân chủng học tham giác xác định niên đại của hộp sọ bằng cách xem xét môi trường xung quanh.

Gương mặt phục dựng của Australopithecus anamensis. Ảnh: CNN.

Hộp sọ anamensis nhiều khả năng thuộc về giống đực, bị cuốn một quãng ngắn xuôi theo dòng sông và chôn vùi dưới trầm tích ở vùng châu thổ, theo Beverly Saylor, giáo sư địa tầng học và trầm tích học ở Đại học Case Western Reserve, đồng tác giả nghiên cứu.

"MRD sống gần một hồ lớn trong khu vực khô cằn. Chúng tôi đang háo hức nghiên cứu thêm ở lớp trầm tích để hiểu hơn về môi trường sống của mẫu vật MRD, mối liên quan đến biến đổi khí hậu kèm theo tác động tới quá trình tiến hóa của con người, nếu có", Naomi Levin, thành viên nhóm nghiên cứu ở Đại học Michigan, chia sẻ.

Trước đó, các nhà nghiên cứu cho rằng anamensis, trước đây chỉ được biết tới qua những mảnh xương riêng lẻ, chết tập thể dẫn tới sự xuất hiện của afarensis. Nhưng phát hiện hộp sọ hé lộ hai loài nhiều khả năng cùng tồn tại trong ít nhất 100.000 năm. Nhóm nghiên cứu phân loại các đặc điểm của hộp sọ để so sánh với mọi loài thuộc tông người đến từ phía đông và phía nam châu Phi.  

Về tổng thổ, chi Vượn người phương nam (Australopithecus) có gương mặt lớn, theo Stephanie Melillo, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck. Nhưng phải tới khi chi người ra đời, các đặc điểm gương mặt mới tiến hóa gần hơn với ngày nay, trùng với thời điểm con người sơ khai bắt đầu sử dụng công cụ và ăn thức ăn đã xử lý.

Là thành viên lâu đời nhất trong chi Australopithecus, anamensis sở hữu sự kết hợp giữa nhiều đặc điểm cuốn hút. Loài này có gương mặt nhô ra và xương gò má cao, phù hợp với chế độ ăn gồm nhiều thức ăn cứng và dai. Xương răng ở hộp sọ khá lớn, nhưng vẫn tương đối nhỏ so với răng của afarensis. Việc nhận dạng anamensis sẽ cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách tổ tiên nguyên thủy của loài người tiến hóa.

An Khang (Theo CNN)

 

Hộp sọ 'mọc' gai do nghiện điện thoại thông minh
Hộp sọ nghìn năm tuổi có hình dạng đáng sợ của người ngoài hành tinh?
Vì sao người xưa đua nhau làm biến dạng hộp sọ?
Hộp sọ không răng và cái chết đau đớn của bà mẹ đơn thân yêu nhầm sát nhân
Kinh dị chuyện săn quan tài, đồ cổ và những hộp sọ lăn lóc dưới đáy Hồ Tây

Ngày đăng: 16:45 | 29/08/2019

/ vnexpress.net