10 năm hợp nhất: 10 năm về Thủ đô, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) hiện đang là xã có nhiều dự án treo nhất Thủ đô, và nhiều nhất cả nước.
Một xã có… 25 dự án
Theo Phó chủ tịch xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) Quách Đình Thắng, địa phương đang có 25 dự án, trong đó phần lớn “nằm trên giấy”.
Hầu hết các dự án đã hết thời gian, hiệu lực, chưa có quyết định phê duyệt, chưa giải phóng mặt bằng, thậm chí có những dự án chủ đầu tư “biệt tăm biệt tích”.
Sự trùng hợp hi hữu đến khó tin, 25 dự án này đều được dồn dập phê duyệt đầu tư trong khoảng thời gian từ tháng 2/2008 đến tháng 7/2008 - thời điểm một tháng sau đó Tiến Xuân được sáp nhập về huyện Thạch Thất, trở thành một đơn vị hành chính của Thủ đô.
Tất cả những dự án này đều do UBND tỉnh Hòa Bình là đơn vị ký chứng nhận/cấp phép/quyết định đầu tư.
Có 12/25 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, khu đô thị, biệt thự nhà vườn, nghỉ dưỡng, bao gồm: khu biệt thự nhà vườn An Lạc (hơn 54,5 ha); Xanh Villas Xuân Cầu (45,2ha); Khu đô thị Sudico (gần 120ha); khu biệt thự nhà vườn nghỉ dưỡng, sinh thái Việt Nam (38 ha); khu dân cư Đại Xuân (33,8ha); khu đô thị sinh thái Lũng Xuân (199ha); khu đô thị Việt Hà (97,59ha); KĐT cao cấp (20,6ha); khu biệt thự nhà vườn Núi Voi (78,75ha). Dự án bất động sản duy nhất đang hoạt động, triển khai là Xanh Villas Xuân Cầu.…
13 dự án còn lại thuộc các lĩnh vực như: đường nối Làng Văn hóa các dân tộc với đường Láng - Hòa Lạc; nhà máy chế biến gỗ; nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng; nhà máy nước sạch…
Tuy nhiên, số dự án đã/đang triển khai hoặc vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng là 8; 17/25 dự án hết thời hạn từ lâu; 16 dự án đã có quyết định thu hồi.
Tổng diện tích mà Tiến Xuân bị mất, nếu như 25 dự án trên cùng triển khai thật, là hơn 1.000ha, trong đó có hơn 643,59ha đất rừng trồng; 301ha rừng phòng hộ, còn lại là diện tích đất nông nghiệp.
Phó chủ tịch Quách Đình Thắng lý giải: Sở dĩ hàng loạt dự án xin chứng nhận đầu tư giai đoạn trước khi Tiến Xuân được “về” Hà Nội (trước tháng 8/2008) nhằm tranh thủ những ưu đãi đầu tư của tỉnh Hòa Bình; chi phí đầu tư, đền bù GPMB rẻ hơn rất nhiều; thứ hai nhằm “đón đầu” Tiến Xuân trở thành “Hà Nội”, bất động sản sẽ tăng giá nhiều lần.
Khu đất nông nghiệp thuộc dự án KĐT Tiến Xuân do đơn vị Sudico làm chủ đầu tư đã bị treo 10 năm nay
“Khung giá bồi thường, đền bù đất nông - lâm nghiệp, đất ở bị thu hồi ở tỉnh Hòa Bình đương nhiên thấp hơn khung giá đất ở Hà Nội. Thứ hai, tôi nghĩ các chủ đầu tư muốn tranh thủ, tận dụng những cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh miền núi, cũng như thủ tục xin chứng nhận đầu tư… Quan trọng nhất, là lợi thế so sánh khi Tiến Xuân được về Hà Nội hơn rất nhiều nếu như nó vẫn thuộc tỉnh Hòa Bình”, ông Thắng nhận định.
Cả xã có dự án treo
Là xã miền núi nằm ở phía Tây của Hà Nội, Tiến Xuân cách thủ phủ của huyện Thạch Thất 17km, tổng diện tích tự nhiên là hơn 3.457,74ha, trong đó có 245/590ha tổng diện tích đất nông nghiệp là đất trồng lúa.
Nằm trên trục đường chính Đại lộ Thăng Long - Láng Hòa Lạc kéo dài đi Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tiến Xuân nằm trong quy hoạch chung đến năm 2020 tầm nhìn 2030, khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, giáp Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia Hà Nội tại xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất). Đây là những thông tin khiến gần 7.600 nhân khẩu với 68,6% là dân tộc Mường, 31,4% dân tộc Kinh cùng vui mừng, chờ đợi và hy vọng.
“Được ngần ấy dự án cùng về đầu tư ở Tiến Xuân, ban đầu chúng tôi cũng rất mừng. Nếu như 12 khu đô thị này được triển khai, cả xã sẽ biến thành đô thị chỉ sau vài năm, đâu đâu cũng có biệt thự, nhà vườn, nghỉ dưỡng…”, ông Quách Đình Thắng bày tỏ.
Niềm vui ấy dường như trở thành võ đoán, khi sau tròn 10 năm, các dự án vẫn “nằm trên giấy”, khiến người dân nơi đây khốn khổ.
Nhiều dự án treo đều rơi vào đất nông nghiệp của xã Tiến Xuân
“Dù chưa triển khai, đã hết thời hạn, đã có quyết định thu hồi của cấp trên, nhưng chẳng có nhà đầu tư nào về giải quyết, hay hủy bỏ những quyết định thu hồi đất trước đây để nhà cửa, vườn tược, ruộng nương của người dân được “giải phóng” khỏi cái tiếng “nằm trong quy hoạch”.
Cho nên, các hộ dân muốn phát triển kinh tế hộ gia đình, muốn mang bìa đỏ đi thế chấp ngân hàng để vay vốn cũng không được”, ông Thắng chia sẻ.
Trong số những dự án nêu trên, dự án KĐT Tiến Xuân do đơn vị Sudico làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Hòa Bình ký quyết định phê duyệt từ ngày 29/2/2008. Dự án này được duyệt 120ha đất để triển khai, nhưng, oái oăm nhất, nó đều rơi vào đất nông nghiệp màu mỡ nhất của Tiến Xuân.
"Toàn là bờ xôi ruộng mật của xã. Khi chưa về Thủ đô, nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn, thu nhập chính của người dân. Hàng ngàn hộ dân bị mất đất nông nghiệp nếu như khu đô thị này được triển khai xây dựng. Nhưng, tròn 10 năm, chủ đầu tư hình như cũng đã “cao chạy xa bay”, để hậu quả người dân phải gánh”, ông Thắng nhìn nhận.
Dự án này trải dài trên vài km chiều dài bám trục đường Láng - Hòa Lạc đi Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam, lấy trọn vẹn 1/2 quỹ đất nông nghiệp của cả xã…
Trong rất nhiều lần tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị chính quyền cấp trên có quyết định xử lý dứt điểm những dự án treo, để người dân có điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình.
“Xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện mà vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Đó là nguyện vọng, mong mỏi lớn nhất của người dân chúng tôi” - Phó chủ tịch xã Tiến Xuân nói.
Kiên Trung - Hương Quỳnh
Hà Nội sau 10 năm mở rộng
Sau cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ cho cả chính quyền, các chuyên gia quy ... |
Hợp nhất Hà Nội: 10 năm trước, nói \'dự án tiền tỷ\' thấy ngại
Hạ tầng thay đổi, thu nhập người dân tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, lãnh đạo xã Tiến Xuân thật thà: 10 ... |
Hợp nhất Hà Nội: Cả tuần mất ngủ vì phải cắt giảm 500 thượng tá, đại tá
Thiếu tướng Phùng Đình Thảo - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô nhiều đêm mất ngủ và sụt cân vì bài toán gần ... |
Ngày đăng: 08:53 | 26/07/2018
/ vietnamnet.vn