Vào buổi tối, ông Cường vừa ăn cơm xong thì có điện thoại của Lê Phương gọi báo sẽ đến để bàn việc làm phim với ông. Lần này Lê Phương dẫn theo một người đàn ông to béo, nom rất lịch lãm. Nhìn cách hai người đi với nhau, ông Cường hiểu rằng họ có mối quan hệ theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng”.

hồng nhan đa truân

hong nhan da truan ky 8

Hồng nhan đa truân (kỳ 7)

Khoảng mười ngày sau, ông in ra một bộ khoảng 5 tập phim rồi mang đến cho Diệu Linh.

hong nhan da truan ky 8

Hồng nhan đa truân (Kỳ 6)

Ông Cường trở về nhà. Đầu tiên là dọn dẹp bàn làm việc, bày biện lại sách vở cho thật ngăn nắp rồi lau chùi ...

Lê Phương tròn mắt:

- Ối giời, cái con hoa hậu Diệu Linh à? Nó mà viết được tự truyện hả ông anh?

Ông Cường ngạc nhiên:

- Tại sao cô lại hỏi thế? Chẳng lẽ cô nghĩ là hoa hậu thì không viết được à?

Lê Phương nhăn mặt:

- Giời ạ. Ông anh đúng là người âm lịch. Ông anh chẳng hiểu gì về bọn chân dài này cả. Bọn này làm sao đủ trí tuệ để ngồi viết hàng trăm trang giấy thế này. Chắc là nó lại thuê mướn thằng nào viết thôi. Em lạ gì con hoa hậu này. Anh làm sao biết rõ bọn này bằng em. Ngày xưa, nó cứ yêu thằng nào là thằng ấy chết bất đắc kỳ tử. Nhưng thôi, chuyện thằng nào yêu nó mà chết thì… cứ chết bớt đi. Cái giống đàn ông mà thấy gái đẹp là sáng mắt lên thì không nên bàn đến làm gì. Vấn đề bây giờ là kịch bản này có hay không thôi. Nhưng cuộc đời con này mà được đưa lên phim thì em nghĩ là ngon đấy.

Lê Phương nói liến thoắng.

Ông Cường vẫn điềm đạm:

- Thì cô cứ cầm về đọc đi đã. Cô làm phim cho đến bây giờ thì có lẽ cũng phải đến hai, ba chục bộ rồi còn gì.

Lê Phương:

- Vâng. Em làm phim cũng nhiều. Vừa rồi em cũng gửi một phim đi dự thi. Tốn khá nhiều tiền thuê mướn bọn báo chí lăng xê nhưng cũng không ăn thua. Nhưng lần này là kịch bản của ông anh thì chắc chắn hay rồi, mà lại được ông anh đạo diễn, em sẽ phải cố kiếm lấy một cái “diều vàng”, “diều bạc” gì đấy.

Phương hỏi tiếp:

- Nhưng kịch bản này ông anh viết theo kiểu cũ hay kiểu mới?

Ông Cường:

- Cô nói kiểu cũ hay kiểu mới là thế nào?

Lê Phương nhìn ông bằng ánh mắt lạ lạ:

- Giời ạ. Kiểu cũ là làm phim theo kiểu bác học của các ông anh: đứng đắn, tử tế, tính giáo dục cao, có tính Đảng, tính nhân dân, rồi phải đậm đà bản sắc dân tộc. Còn kiểu mới bây giờ…? Có cảnh nóng không? Có cảnh giết không? Có nước mắt không? Bây giờ thì cần gì giáo dục, cần tính Đảng với tính dân tộc ở trong phim. Tính gì cũng không bằng tính tiền.

Ông Cường nghệt mặt trước những lời nói sa sả của Phương.

Ông ấp úng:

- Thế… Thế… Nhưng phim ảnh hay tác phẩm văn học nghệ thuật nào thì cuối cùng cũng phải hướng cho người ta những điều thiện chứ.

Lê Phương cười rinh rích:

- Em biết ngay mà. Thế nào ông anh cũng bàn đến chuyện hướng thiện, chuyện giáo dục đạo đức. Ông anh thấy phim Hàn Quốc không? Có gì ngoài ốm đau, sầu não, tai nạn xe, yêu nhau rồi thế nào cũng có đứa chết vì ung thư, vì HIV, rồi tình tay hai, tay ba. Thế mà người Việt mình cứ trố mắt lên xem, rồi lại còn khóc lóc sùi sụt. Mà nào có phải chỉ có bọn trẻ xem đâu. Nam phụ, lão ấu xem tất. Mà hình như càng già càng thích xem phim Hàn.

hong nhan da truan ky 8

Ông Cường nói:

- Tôi không biết mà tôi cũng không thích. Có một vài phim dã sử của Hàn Quốc thì khá.

Lê Phương nói:

- Đúng là ông anh quá lạc hậu. Ông anh biết không, làm phim bây giờ là phải lấy được nước mắt của thiên hạ. Không có tình, tù tội thì cũng chẳng lấy đâu ra tiền. Bây giờ, càng già thì càng thích xem phim tình ái. Cụ ra sạp báo mà xem. Những tờ liên quan đến giải đáp sức khỏe tình dục, yêu đương thì toàn người già mua. Bọn trẻ có mua đâu. Bọn trẻ bây giờ thực tế, cần gì phải đọc báo. Nhưng thôi được rồi, bác cứ đưa kịch bản đây cho em, em sẽ mang về xem. Mà em nói trước điều này, cứ coi như hôm nay anh em mình ký hợp đồng miệng với nhau đi. Ông anh đã giao kịch bản cho em thì ông anh cứ yên tâm đi. Em sẽ đầu tư sản xuất. Tiền em nhiều như lá rừng nên không phải làm theo kiểu bắt diễn viên ăn canh măng mà nấu bằng bao tải, không có lối uống rượu bằng nước vối.

Ông Cường bật cười:

- Cô nói ăn canh măng mà nấu bằng bao tải nghĩa là như thế nào?

Lê Phương phì cười:

- Ông anh xem phim của mình có thấy đứa diễn viên nào đóng cảnh ăn tiệc mà dám thò đũa gắp cái gì bỏ vào mồm không? Ví dụ như trên mâm bày bát canh măng thì một là đi xin thức ăn thừa của nhà hàng đổ vào cho đầy - cái thứ thức ăn mà chó cũng không thèm ăn; hai là cắt mấy miếng bao tải, miếng bìa carton trông giống măng lưỡi lợn bày lên bát, rồi dội tý nước sôi cho khói nghi ngút. Em với bác đánh cuộc nhé. Trong phim Việt Nam bây giờ, em đố bác tìm thấy phim nào có cảnh ăn thật, uống thật đấy. Rượu thì cứ nhấc lên, chẹp chẹp, khà khà, nhưng toàn là nước nhân trần, nước vối. Đào đâu ra rượu mà uống.

Ông Cường khẽ thở dài:

- À, chuyện đấy thì… Ngày xưa, thời bao cấp tôi làm phim thì cũng thế thôi. Nhưng cũng không đến nỗi như vậy. Cái gì cũng phải thật: ăn thật, uống thật.

Lê Phương mở túi ra:

- Lâu lắm chẳng gặp ông anh, em biếu ông anh hộp thuốc.

Ông Cường nhìn hộp thuốc đề chữ Hàn Quốc thì hỏi:

- Đây là thuốc gì thế cô?

- À, đây là viên sâm uống cho khỏe mọi nhẽ. Ông anh cứ uống đi. Nếu thấy hay thì ới em, em cung cấp cho. Em có người nhà bên Hàn Quốc. Vừa rồi em làm mấy phim có quảng cáo thuốc của họ trên phim, nên thứ thuốc này em đủ cung cấp cho ông anh dùng miễn phí thoải mái.

Ông Cường thở dài:

- Cảm ơn cô. Nhưng tôi chẳng cần gì thứ này.

Lê Phương cười có vẻ đắc ý:

- Ông anh cứ uống đi. Có gì đâu mà phải lo lắng thế. Mà em nghe nói ông anh bây giờ vẫn ở một mình à?

Ông Cường:

- Vâng. Tôi vẫn ở với thằng con trai. Nó đang làm việc ở trong phòng.

Lê Phương:

- Theo em, ông anh cũng phải kiếm một ôsin đi. Không là sau này khổ đấy. Chưa biết chừng con cái lại tống vào trại dưỡng lão.

Ông Cường bật cười và nói:

- Tôi lại nghĩ khác. Chẳng chờ chúng nó tống mình vào trại dưỡng lão mà tôi tự vào trại dưỡng lão.

Lê Phương cợt nhả:

- Hay quá. Thế thì thế này. Chờ ít nữa em yếu, ông anh cũng yếu, hai anh em mình rủ nhau vào trại dưỡng lão. Có khi lại là cặp đôi hoàn hảo. - Lê Phương ngừng lại, cười, rồi tiếp - Vào đấy, lại “song kiếm hợp bích” thì hết ý.

Ông Cường bật cười:

- Đồng ý. Tôi với cô cùng vào trại dưỡng lão. Lúc đấy cô cũng già rồi, cái mặt tôi đã xấu xí sẵn, có khi lúc ấy cũng là bạn với nhau được.

Lê Phương đùa cợt sờ lên cái sẹo của ông và nói:

- Em nói cho anh nghe, ngày xưa - thời anh đang là đạo diễn tiếng tăm lừng lẫy, cái sẹo này là cái sẹo tốn gái lắm đấy nhé. Đàn bà thích đàn ông có vẻ phong trần, bụi bặm thế này. Chứ trông mấy thằng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” bây giờ tởm lắm. Chẳng biết nó là đàn ông hay đàn bà. Thôi nhé, em chào ông anh. Em đi đây.

Lê Phương nhét tập kịch bản dày cộp vào trong chiếc túi to đùng, rồi đi ra xe.

***

Ba ngày sau, vào buổi tối, ông Cường vừa ăn cơm xong thì có điện thoại của Lê Phương gọi báo sẽ đến để bàn việc làm phim với ông.

Lần này Lê Phương dẫn theo một người đàn ông to béo, nom rất lịch lãm. Nhìn cách hai người đi với nhau, ông Cường hiểu rằng họ có mối quan hệ theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng”.

Phương giới thiệu:

- Em chào ông anh. Hôm nay, em đưa… anh Phú - là Phó giám đốc công ty em đến để bàn bạc trực tiếp với anh về bộ phim này. Không biết anh đã nghe tên anh Phú bao giờ chưa? Ngày xưa cũng là biên tập viên của một tờ báo, cũng đã làm truyền hình và cũng đã tổ chức làm một số phim. Hiện nay ở công ty, anh ấy đang giữ chức vụ Phó giám đốc phụ trách sản xuất phim truyện. Em đã đọc kịch bản. Nhưng anh biết em rồi đấy, khả năng thẩm thấu văn chương, kịch bản của em cũng kém. Ông anh không lạ gì em. Thời bao cấp, em trưởng thành từ đi buôn phim nhựa. Sau này tự nhiên lại đi làm truyền thông. Cũng nhờ giời, được cái nhan sắc không đến nỗi nào và lại biết lắm chuyện nên làm truyền thông cũng được. Thôi bây giờ, anh Phú trao đổi với anh Cường đi. Còn về anh Cường thì anh Phú chắc quá biết rồi, không cần phải giới thiệu.

Phú nói với giọng lễ phép:

- Dạ, em thưa anh. Kịch bản của anh em đã đọc rất kỹ và quả thật là không chê vào đâu được. Em thấy toát ra sự nhân đạo của anh đối với nhân vật chính và kể cả những nhân vật tạm coi là đám oi khói, không lương thiện. Em đọc trong kịch bản thấy tất cả các nhân vật đều có cá tính, số phận. Đây là điều không phải ai viết kịch bản cũng làm được. Tuy nhiên, em cũng mạo muội đề xuất với anh thế này. Phim ảnh bây giờ phải mang tính thị trường, có nghĩa là mình phải chiều khán giả. Số phận của cô hoa hậu này thế là được rồi, những nét lớn thì em không dám thêm nếm, không dám sửa gì. Em chỉ xin ý kiến bác thế này. Phim mặc dù viết về người đẹp, về hoa hậu nhưng hơi nặng nề. Bác phải cho em thêm một số cảnh.

Ông Cường bật cười:

- Anh lại muốn thêm cảnh nóng chứ gì? Rồi lại những cảnh người đẹp mặc bikini ngoài bãi biển, hay là mặc bikini đi thăm các ông già, bà cả ở trại dưỡng lão?

Phú mỉm cười:

- Bác cứ đùa em. Nhưng mà đúng là cũng phải có một số cảnh bắt mắt. Em mạo muội đề xuất với bác thế này. Em đếm trong kịch bản là cô này - cả người yêu, chồng có đăng ký và chồng không đăng ký là 6 người. Mỗi người cũng phải có đôi ba cảnh nóng thì mới thể hiện sự yêu đương. Đã là hoa hậu thì yêu đương cũng phải lãng mạn, nồng thắm, trăng hoa. Em đọc kịch bản của bác, em thấy kiểu yêu đương này cứ như mấy người “đồng chí” yêu nhau. Chẳng lẽ thời buổi bây giờ yêu nhau lại đọc thơ của bác Tố Hữu ngày xưa “Rồi hai đứa dắt nhau đi như hai người đồng chí”. Không được. Bác cứ thêm cho em mỗi thằng người yêu của con hoa hậu này là có hai đến ba cảnh nóng. Còn “nóng” ở chỗ nào thì bác là bậc cao thủ trong đạo diễn, bác cứ sắp xếp.

Ông Cường thở hắt ra, rồi nói:

- Ngoài việc thêm cảnh nóng thì còn thêm gì nữa?

Phú nói luôn:

- Một số đoạn cũng phải lâm ly thêm một chút ông anh ạ. Ví dụ như đoạn trong nhà giam, thằng chồng con này bị phạm nhân đánh chết, rồi chuyện thằng em giằng lại tập ảnh mà giết chết thằng người yêu của chị. Những cảnh đấy phải kéo dài ra. Ông anh viết thế này vắn tắt quá. Tính hấp dẫn hơi kém, à không, hơi ít. Em xin lỗi bác. Em nói “kém” là mạo phạm, nhưng mà hơi ít. Em chỉ thấy cần thêm một số chi tiết đấy thôi. Ngoài ra thì em đề nghị với bác thế này, chúng em mang theo đây một danh sách những hiệu thời trang, những cửa hàng vàng bạc, trang sức sẵn sàng tài trợ, bác thêm vào cho em.

Ông Cường nói:

- Thêm thế nào?

- À, đây là cách quảng cáo kín, tế nhị, chứ không phải kiểu quảng cáo như đài truyền hình: đang chiếu phim thì cắt xoẹt đi rồi quảng cáo thuốc nọ, thuốc kia, mì này, mì khác. Quảng cáo thế không được. Ở đây chúng em quảng cáo kín. Tức là thế này. Ví dụ như đoạn bác bảo hai đứa yêu nhau, thằng kia rủ con này đi mua quần áo thì bác thêm cho em một câu, chẳng hạn như là: “Anh sẽ đưa em đến cửa hàng thời trang Mỹ Dung. Đây là cửa hàng thời trang được những người đẹp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tìm đến”. Chẳng hạn như thế. Sau đó, em sẽ mượn bối cảnh cửa hàng thời trang, rồi họ lại tài trợ tiền cho mình. Thế có phải là hay không? Mà em nói thật với bác nhé. Em nói thì có khi bác hơi khó chịu, bởi vì các bác làm phim theo kiểu ngày xưa, các bác không cần, nhưng bây giờ cả thế giới đều thế. Bác thấy phim Mỹ đấy, cũng quảng cáo thời trang, đồng hồ, nhẫn vàng, kim cương, rồi xe nọ xe kia. Thậm chí họ làm cả một bộ phim chỉ để quảng cáo cho một chiếc xe đuổi bắt tội phạm chạy trốn.

Ông Cường gật đầu:

- Thôi được rồi, tôi hiểu rồi. Bây giờ anh chị để cho tôi nghĩ đã. Tôi sợ điều này đối với tôi cũng hơi khó.

Lê Phương nói:

- Giời ạ. Khó cái gì. Tại sao ông anh cứ giữ khư khư nếp cũ thế nhỉ? Ông anh có thêm những chi tiết ấy vào trong kịch bản, có thêm mấy cảnh nóng thì làm cho phim sinh động thêm, phù hợp với thời cuộc thêm, chứ có ảnh hưởng gì đến cốt truyện đâu. Em thấy nó không ảnh hưởng gì đến tuyến nhân vật của anh.

Ông Cường thở dài, rồi nói:

- Thôi được rồi. Anh chị cứ về đi. Tôi sẽ nghĩ sau.

Nghe cách nói ấy, biết ông Cường không đồng ý, Lê Phương đứng dậy và nói:

- Thôi, em xin phép ông anh. Em về đây. Ông anh cứ xem xét đề xuất của chúng em đi. Nếu được thì ông anh ới cho em, rồi anh em mình hợp tác làm phim. Được ông anh viết kịch bản, lại được ông anh đạo diễn cho thì với công ty chúng em là quá vinh hạnh rồi.

***

Đêm hôm ấy, ông Cường không ngủ được. Trong đầu ông cứ hiện lên những câu chuyện với hai nhóm tổ chức làm phim. Nửa đêm, ông vục dậy và bỗng dưng ông “à” lên một tiếng.

Ông chạy lên, đập cửa buồng con trai.

Thành vội vàng hỏi:

- Có chuyện gì mà bố lại thức khuya thế này?

Ông Cường nói:

- Mày nghĩ hộ bố. Nếu bây giờ bố tự đầu tư sản xuất phim này thì thế nào?

Thành vẫn còn ngái ngủ, phải dụi mắt một lúc rồi mới nói:

- Bố ạ, bố lấy đâu ra tiền mà làm phim. Bộ phim này của bố là 35 tập. Bố có chắt bóp, tiết kiệm, thậm chí không tính tiền kịch bản của bố, không tính tiền nhuận bút cho đạo diễn cũng phải đầu từ khoảng 150 triệu một tập. Hết mấy tỉ bạc thì bố lấy đâu ra tiền?

Ông Cường nói:

- Bố nghĩ rồi, bố sẽ mang ngôi nhà này đi thế chấp. Người ta nói nhà mình nếu thế chấp thì được khoảng 10 tỉ. Số tiền ấy để làm phim. Bố làm phim xong thì mang đi bán.

Thành nói:

- Nghe thì dễ, nhưng bây giờ con hỏi bố: Ai mua phim cho bố? Qua câu chuyện hai nhóm đến đây, họ đều đòi trong phim phải có cảnh nóng, phải có chém giết, có thời trang, có xe hơi xịn, mỹ phẩm xịn. Phim của bố không có những thứ ấy thì ai mua cho bố. Thế nên bố phải tính kỹ.

Rồi Thành khuyên ông:

- Bố ạ, theo con thì bố cứ bán quách kịch bản cho ai muốn mua. Xong rồi họ muốn sửa chữa, muốn làm thế nào thì làm. Thời buổi bây giờ, viết sách tử tế không bán được, làm phim tử tế cũng không bán được, làm báo tử tế cũng có bán được đâu. Bố ra sạp báo mà xem. Toàn những tờ báo lá cải lên ngôi. Còn những tờ báo đứng đắn thì có nhìn thấy đâu. Con đố bố ra sạp báo tìm được tờ Nhân dân và tờ Quân đội đấy. Trẻ thì không đọc báo, già thì đọc báo lá cải. Thế mà bây giờ bố cứ muốn làm phim đứng đắn, tử tế, phim mang tính giáo dục cao. Người ta không cần thứ đấy. Bây giờ, người ta cần giải trí. Bố thấy phim Hàn Quốc đấy. Nội dung có gì đâu mà cả thiên hạ cứ dán mắt vào xem.

Ông Cường nói:

- Thôi, mày đừng nói nữa. Tao nghe mãi rồi. Nhưng mà đẻ ra đứa con mà không nuôi dạy nó tử tế thì ân hận lắm.

Thành bật cười và nói:

- Bố cứ cả nghĩ. Chẳng trách bố về hưu được hai năm rồi nhưng có ai mời bố đi dựng phim đâu. Xuân thu nhị kỳ, đợt kỷ niệm nọ, kỷ niệm kia thì người ta mới nhắc đến bố. Trong khi những đạo diễn khác thì có những đứa chẳng học ngày nào, nhưng có tiền thì cũng nhảy lên làm đạo diễn.

***

Một buổi sáng, ông Cường vừa đi tập thể dục về, đang ngồi ăn sáng thì có chuông điện thoại.

Tiếng người đầu dây đằng kia:

- Cháu chào chú ạ. Cháu là Trương - Giám đốc Đài Truyền hình Lạc Việt đây ạ.

Ông Cường giật mình và thầm nghĩ: “Quái lạ. Từ xưa đến nay nó có bao giờ gọi cho mình đâu, mà bây giờ lại gọi nhỉ?”.

Ông vui vẻ:

- Vâng, chào anh. Có lẽ 4-5 năm rồi tôi với anh chưa gặp nhau ấy nhỉ?

Trương cười:

- Dạ, vâng ạ. Hôm nay cháu muốn đến thăm chú có được không ạ?

Ông Cường:

- Tôi về hưu rồi, có người nhớ đến và đến thăm thì tốt quá đi ấy chứ. Vâng, mời anh đến đây. Nhưng tôi nghĩ chắc anh chẳng có thời gian để đi chơi, mà anh đến gặp tôi để bàn việc gì chăng? Anh có thể nói trước được không?

Trương nói luôn:

- Dạ, vâng. Cháu muốn đến bàn với chú về việc sản xuất phim. Cháu nghe nói là chú có một kịch bản hay lắm, nên cháu muốn đến bàn với chú xem ý chú thế nào.

Ông Cường nói:

- Vâng, mời anh đến đây.

Rồi ông Cường nhìn sang con trai và hỏi:

- Tại sao tay Trương này lại biết nhỉ?

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 26/12/2017

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới